Giá cả bất động sản phải là động lực để thúc đẩy sự phát triển, chứ không phải triệt tiêu sự phát triển

(BKTO) - Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: “Bất động sản bình đẳng với các ngành nghề, lĩnh vực khác. Trong đó, điểm cân bằng, dung hòa của cung cầu thể hiện ở giá cả bất động sản, giá cả phải là động lực để thúc đẩy sự phát triển, chứ không phải triệt tiêu sự phát triển”.

0.jpg
Thủ tướng đặt vấn đề: Cần phân tích xem liệu giá cả bất động sản đã phù hợp với thu nhập chưa, có tình trạng lệch pha về cung cầu nhà đất không? Ảnh: Chính phủ

Ngày 17/02, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc: “Tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững”.

Khai mạc Hội nghị, Thủ tướng đề nghị các đại biểu đánh giá khách quan, trung thực tình hình thị trường bất động sản, phân tích kỹ nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan, từ đó đưa ra mục tiêu, quan điểm điều hành, nhiệm vụ, giải pháp, tổ chức thực hiện bảo đảm khả thi, hiệu quả, phù hợp với chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, phù hợp kinh tế thị trường, bảo đảm quy luật cung cầu, quy luật cạnh tranh nhưng có sự điều tiết của nhà nước khi cần thiết, không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần.

Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu điều hành bảo đảm cân bằng giữa lãi suất với lạm phát, giữa chính sách tiền tệ với chính sách tài khóa, giữa tăng trưởng với lạm phát, giữa tình hình trong nước và ngoài nước.

Thủ tướng đặt vấn đề, đối với thị trường bất động sản, chúng ta phải tìm điểm cân bằng giữa cung và cầu, phải chăng điểm cân bằng này thể hiện qua giá cả, cần phân tích xem liệu giá cả bất động sản đã phù hợp với thu nhập chưa, có tình trạng lệch pha về cung cầu nhà đất không?

Sau khi lắng nghe các ý kiến, kết luận Hội nghị, Thủ tướng đánh giá cao các báo cáo, ý kiến tại Hội nghị, đề nghị các cơ quan tiếp thu để hoàn thiện, trình cấp có thẩm quyền ban hành văn bản chỉ đạo phù hợp sau Hội nghị.

Một số vấn đề nổi lên của thị trường bất động sản

Qua ý kiến tại Hội nghị, Thủ tướng nêu rõ một số vấn đề nổi lên của thị trường bất động sản.

Thứ nhất, cơ cấu cung cầu lệch pha, quá tập trung cho các phân khúc cao cấp mà ít quan tâm tới phân khúc trung bình, thu nhập thấp.

Thứ hai, giá cả không hợp lý, không phù hợp với thu nhập bình quân đầu người.

Thứ ba, phản ứng chính sách của các chủ thể liên quan (cơ quan quản lý, doanh nghiệp, ngân hàng) còn chậm.

Thứ tư, là những vướng mắc về pháp lý.

Thứ năm, nguồn vốn còn khó khăn (tín dụng, trái phiếu, các nguồn khác).

Thứ sáu, quy hoạch các dự án, điều chỉnh cơ cấu các dự án còn chậm.

Thứ bảy, cán bộ một số nơi, một số lúc còn ngại trách nhiệm, không dám làm.

Thứ tám, các doanh nghiệp chưa thực sự linh hoạt, xử lý kịp thời các vướng mắc do chính mình gây ra.

Tuân thủ quy luật cung cầu, quy luật cạnh tranh

Về quan điểm, tư duy, phương pháp luận giải quyết vấn đề, Thủ tướng nêu rõ, càng trong khó khăn, thách thức, các chủ thể liên quan (cơ quan quản lý, doanh nghiệp, ngân hàng, khách hàng) càng phải đoàn kết, phát huy tinh thần trách nhiệm, cùng xử lý các vấn đề trên tinh thần lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp. Cấu trúc này mà không hài hòa thì sẽ không ổn định và không ai phát triển được.

Cùng với đó, đã nói phải làm, đã cam kết phải thực hiện và thực hiện có hiệu quả cụ thể, cân đong đo đếm được. Vừa giải quyết vấn đề trước mắt, vừa xử lý các vấn đề lâu dài, không chuyển trạng thái đột ngột, điều hành giật cục.

Tuân thủ quy luật thị trường, quy luật cung cầu, quy luật cạnh tranh, bất động sản bình đẳng với các ngành nghề, lĩnh vực khác. Trong đó, điểm cân bằng, dung hòa của cung cầu thể hiện ở giá cả bất động sản, giá cả phải là động lực để thúc đẩy sự phát triển, chứ không phải triệt tiêu sự phát triển.

Sắp tới sẽ có đề án riêng về phát triển nhà ở, nhà ở công nhân, người thu nhập thấp

Các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể với các chủ thể liên quan đã có đầy đủ trong các nghị quyết, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các tài liệu, báo cáo của hội nghị, Thủ tướng nhấn mạnh thêm một số nội dung.

Các cơ quan quản lý nhà nước tăng cường quản lý nhà nước, rà soát, bổ sung, hoàn thiện thể chế, xây dựng quy hoạch, tăng cường giám sát, kiểm tra, giải quyết các vấn đề nổi lên.

Các tổ chức ngân hàng, tài chính phải khơi thông dòng vốn, giải quyết các vấn đề tín dụng.

Các doanh nghiệp bất động sản phải có trách nhiệm với chính mình, giải quyết các khó khăn do chính mình gây ra do dự báo không sát, phát triển thị trường không tốt, đầu tư vốn không hiệu quả… Cơ cấu lại các phân khúc, giá cả hợp lý để thúc đẩy thanh khoản, hướng tới kinh doanh có lãi nhưng hài hòa.

Các ngân hàng tiết giảm chi phí đầu vào, tăng cường chuyển đổi số, giảm lãi suất huy động với sự vào cuộc của Ngân hàng Nhà nước; từ đó giảm lãi suất cho vay, cơ cấu lại các nhóm nợ, giảm phí, lệ phí… Nền kinh tế có phát triển thì ngân hàng mới phát triển được.

Chính quyền các cấp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thủ tục, đẩy nhanh xây dựng các quy hoạch, thực hiện nghiêm quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch kịp thời và điều chỉnh các dự án trên địa bàn phù hợp điều kiện, tình hình địa phương.

Một nhiệm vụ quan trọng khác là bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của khách hàng, đồng thời tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn khách hàng lựa chọn được sản phẩm tốt, phù hợp, góp phần để thị trường phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.

Sắp tới, Chính phủ sẽ có đề án riêng về phát triển nhà ở, nhà ở công nhân, người thu nhập thấp. Thủ tướng hoan nghênh Thống đốc Ngân hàng Nhà nước tại Hội nghị đã báo cáo về gói tín dụng cho lĩnh vực này. Chính phủ sẽ xem xét, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. Đồng thời, Thủ tướng yêu cầu tổ chức công tác truyền thông hiệu quả, đúng, trúng, kịp thời, đánh giá khách quan, trung thực, đúng bản chất tình hình, tránh các thông tin sai lệch.

Thủ tướng cho biết sau Hội nghị, Chính phủ sẽ ban hành nghị quyết, nhưng trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ quyền hạn, tinh thần Hội nghị, các chủ thể phải triển khai ngay các công việc để thực hiện hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra theo tinh thần tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững./.

Năm 2022, Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì 3 Hội nghị Toàn quốc về thúc đẩy thị trường bất động sản; ban hành nhiều Chỉ thị, Công điện, Kết luận và Thành lập Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ để tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn của thị trường bất động sản.

Cùng chuyên mục
  • Đề xuất bỏ quy định bảo lãnh bán nhà ở hình thành trong tương lai
    một năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh (HoREA) mới có văn bản góp ý cho Dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), trong đó HoREA kiến nghị xem xét bỏ quy định bảo lãnh bán nhà ở hình thành trong tương lai, để góp phần kéo giảm giá bán nhà ở cho người mua.
  • Gói hỗ trợ lãi suất 2%: Cần minh bạch quy định về hậu kiểm
    một năm trước Ngân hàng - Tín dụng
    (BKTO) - Ngân hàng Nhà nước đang xây dựng Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 31/2022/NĐ-CP về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh (Dự thảo). Góp ý cho Dự thảo này, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng cần minh bạch quy định về hậu kiểm để góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2%.
  • Ngân hàng đầu tiên công bố “Khung khoản vay bền vững”
    một năm trước Ngân hàng - Tín dụng
    (BKTO) - BIDV là ngân hàng thương mại Việt Nam đầu tiên công bố “Khung Khoản vay bền vững” dành cho khách hàng, tạo điều kiện để ngân hàng phát triển và giới thiệu tới khách hàng các sản phẩm tài chính bền vững theo chuẩn mực quốc tế.
  • Phú Yên: Đầu tư gần 3.430 tỷ đồng xây dựng tuyến đường bộ ven biển
    một năm trước Kinh tế
    (BKTO) - Tại Kỳ họp chuyên đề xem xét, thông qua Nghị quyết chủ trương đầu tư Dự án tuyến đường bộ ven biển tỉnh Phú Yên, đoạn kết nối huyện Tuy An - TP. Tuy Hòa diễn ra mới đây, với 100% đại biểu tán thành, Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh Phú yên đã thông qua Nghị quyết chủ trương đầu tư Dự án này.
  • Tháng 01/2023: Lãi suất huy động trái phiếu Chính phủ giảm trở lại sau gần 01 năm tăng khá mạnh
    một năm trước Tài chính
    (BKTO) - Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) cho hay, tháng 01/2023, lãi suất trúng thầu của trái phiếu Chính phủ (TPCP) do Kho bạc Nhà nước (KBNN) phát hành tại kỳ hạn 10 năm và 15 năm giảm liên tục qua các phiên. Như vậy, sau giai đoạn tăng liên tục từ tháng 02/2022 đến nay, lãi suất huy động TPCP đã có xu hướng giảm trở lại.
Giá cả bất động sản phải là động lực để thúc đẩy sự phát triển, chứ không phải triệt tiêu sự phát triển