Ngày 16/02, Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) chính thức ban hành “Khung Khoản vay bền vững” được xây dựng với sự tư vấn của Tổ chức Carbon Trust.
Sớm nhận thức được tầm quan trọng của ngân hàng trong việc hỗ trợ nền kinh tế đạt mục tiêu phát triển bền vững trong dài hạn, BIDV đã đưa tăng trưởng bền vững và thúc đẩy tăng trưởng xanh trở thành mục tiêu trong chiến lược kinh doanh giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn đến 2030. BIDV đã triển khai nhiều chương trình hành động cụ thể để hiện thực hóa mục tiêu này.
Đến hết năm 2022, BIDV dẫn đầu thị trường về tài trợ xanh với hơn 1.386 khách hàng và dự án với tổng số vốn cam kết cấp tín dụng hơn 2,68 tỷ USD. Do đó, việc xây dựng “Khung Khoản vay bền vững” là bước tiếp theo cho phép BIDV triển khai giới thiệu các sản phẩm tài chính bền vững với thị trường trong nước.
Khung Khoản vay được thiết kế nhằm cung cấp các sản phẩm cho vay bền vững phổ biến nhất trên thị trường toàn cầu hiện nay bao gồm khoản vay theo chủ đề và khoản vay liên kết bền vững.
Trong đó, khoản vay theo chủ đề như khoản vay xanh và khoản vay xã hội dành riêng cho các dự án có tác động tích cực tới môi trường và xã hội. Khoản vay liên kết bền vững đề cập đến những khoản vay nhằm khuyến khích bên vay đạt được các chỉ tiêu hiệu quả bền vững được thiết lập trước và đo lường thông qua các chỉ số đánh giá hiệu quả công việc.
Việc ban hành “Khung Khoản vay bền vững” giúp định vị BIDV là một ngân hàng uy tín, có vai trò tích cực trong việc triển khai Chiến lược phát triển bền vững của Chính phủ Việt Nam.
Ông Lê Ngọc Lâm - Tổng Giám đốc BIDV - cho biết: “BIDV đã xác định tầm nhìn, chiến lược rõ ràng về phát triển tín dụng xanh, luôn ưu tiên vốn tín dụng tài trợ các dự án xanh. Việc xây dựng và ban hành “Khung khoản vay bền vững” sẽ giúp BIDV cung cấp các sản phẩm tài chính bền vững theo tiêu chuẩn quốc tế cho các doanh nghiệp trong nước, đồng thời là cơ sở để BIDV tăng cường hợp tác với các tổ chức quốc tế trong lĩnh vực phát triển bền vững tại Việt Nam”.
“Khung Khoản vay bền vững” của BIDV được xây dựng với sự tư vấn tích cực của Carbon Trust dựa trên các nguyên tắc do Hiệp hội Thị trường vay (Loan Market Association - LMA), Hiệp hội Kinh doanh vốn và cho vay hợp vốn (Loan Syndications and Trading Association - LSTA) và Hiệp hội Thị trường vay châu Á Thái Bình Dương (Asia Pacific Loan Market Association - APLMA) đồng ban hành, bao gồm: Nguyên tắc Khoản vay xanh (Green Loan Principles - GLP), Nguyên tắc Khoản vay xã hội (Social Loan Principles - SLP) và Nguyên tắc Khoản vay liên kết bền vững (Sustainability-Linked Loan Principles - SLLP).
Giám đốc phụ trách khu vực châu Á - Phi của Carbon Trust - ông Chris Stephens - cho biết: “Nhu cầu về tài chính bền vững với vai trò kết nối quá trình chuyển đổi khí hậu của Việt Nam là cấp thiết hơn bao giờ hết. “Khung Khoản vay bền vững” của BIDV là một bước tiến quan trọng để huy động nguồn vốn cần thiết cho các giải pháp bền vững, mang lại những kết quả có ý nghĩa và tác động tích cực cho xã hội”.
Sự hợp tác giữa BIDV và Carbon Trust được thực hiện trong khuôn khổ Chương trình Năng lượng carbon thấp trị giá 15 triệu Bảng Anh cho Đông Nam Á (ASEAN Low Carbon Energy Programme - LCEP) do Chính phủ Anh tài trợ.
Tham tán Khí hậu của Đại sứ quán Anh tại Hà Nội - ông Ronald Bohlander - cho biết: “Chúng tôi rất mừng vì sự tham gia của BIDV đã góp phần gia tăng số lượng tổ chức tài chính trên thế giới đang thể hiện cam kết của mình trong việc thu hẹp khoảng cách tài chính cho quá trình chuyển đổi nền kinh tế xanh. Vương quốc Anh muốn khuyến khích các ngân hàng Việt Nam và các bên liên quan xem xét tiếp bước BIDV và trở thành một phần của liên minh đang phát triển nhằm thực hiện các mục tiêu chuyển đổi net-zero của Việt Nam”.
Trước đó, tháng 05/2022, BIDV đã ký Bản Ghi nhớ Hợp tác về thúc đẩy phát triển tài chính xanh bền vững, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu với Bộ Tài nguyên và Môi trường. Những thành quả này cho thấy nỗ lực của BIDV trong việc hiện thực hóa cam kết của Chính phủ tại COP26 nhằm đạt mức phát thải ròng bằng “0”(net-zero) vào năm 2050./.