Giải “cơn khát vốn” cho doanh nghiệp

(BKTO) - Mặc dù hệ thống ngân hàng đã giảm lãi suất 4 lần liên tục, nhưng việc doanh nghiệp (DN) tiếp cận được nguồn vốn vẫn rất khó khăn là vấn đề nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm và đề xuất giải pháp tháo gỡ.

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, chiều 31/10, Quốc hội bắt đầu phiên thảo luận ở hội trường về: Đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển KTXH năm 2024; đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện kế hoạch phát triển KTXH năm 2021-2025; Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025; kết quả thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển KTXH…

toan-canh-31.jpg
Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: VPQH

Doanh nghiệp đối mặt với hàng loạt khó khăn

Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu Quốc hội đánh giá, thời gian qua, Quốc hội, Chính phủ đã và đang thực hiện nhiều biện pháp đồng bộ nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho DN.

Điển hình là Ngân hàng Nhà nước đã liên tục 4 lần giảm mức lãi suất điều hành, tăng cường khả năng tiếp cận vốn ngân hàng của doanh nghiệp, thúc đẩy tín dụng tiêu dùng, tiếp tục triển khai các chính sách gia hạn thời hạn nộp thuế, giảm phí, lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất trong nước; giảm thuế giá trị gia tăng, giảm tiền thuê đất, xử lý; tháo gỡ những khó khăn, hạn chế, bất cập của thị trường, nhất là thị trường trái phiếu, bất động sản. Qua đó, giúp DN, người dân giảm bớt được khó khăn và phục hồi các hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Tuy nhiên, theo đại biểu Trần Văn Lâm (Đoàn Bắc Giang), bên cạnh những kết quả đạt được, DN đã và đang phải đối mặt với tình trạng thiếu đơn hàng, khả năng hấp thụ vốn giảm. Một bộ phận DN phải thu hẹp quy mô sản xuất, cắt giảm sản lượng và số DN giải thể, phá sản cũng tăng lên.

lam.jpg
Đại biểu Quốc hội Trần Văn Lâm phát biểu thảo luận. Ảnh: VPQH

Dẫn số liệu tăng trưởng tín dụng đến tháng 9/2023 chỉ tăng 5,91% so với cuối năm 2022, đại biểu Trần Chí Cường (Đoàn TP. Đà Nẵng) đánh giá, nền kinh tế hiện đang "khát vốn" nhưng khó hấp thụ vốn, mặc dù Ngân hàng Nhà nước đã 4 lần điều chỉnh lãi suất điều hành với mức giảm từ 0,5-2%/năm.

Theo đại biểu, tình hình sản xuất và kinh doanh đang đối mặt với nhiều khó khăn; khả năng hấp thụ vốn của các DN cũng gặp nhiều trở ngại, lãi suất cho vay còn cao, biên độ giữa lãi suất cho vay bình quân và lãi suất huy động vốn bình quân còn lớn, cơ chế cho vay còn phức tạp, làm giảm sức hấp dẫn của việc vay vốn hoặc do khả năng nhận đơn hàng đầu ra bị giảm sút, DN không còn nhu cầu vay vốn. Cùng với đó, thị trường vốn, bao gồm thị trường trái phiếu và thị trường cổ phiếu đều cho thấy có dấu hiệu không ổn định, với mức giảm mạnh.

Bên cạnh đó, việc thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất 2%/1 năm với gói hỗ trợ 40.000 tỷ đồng thông qua hệ thống các ngân hàng thương mại - một trong những chính sách được kỳ vọng sẽ giúp DN giảm bớt khó khăn về vốn lại không khả thi.

“Tất cả những yếu tố trên cho thấy hoạt động của các DN đang đối mặt với hàng loạt khó khăn, sự tiếp cận nguồn vốn trở nên cực kỳ hạn chế; đặc biệt là đối với các DN trong ngành bất động sản. Điều này có thể dẫn đến tình trạng nhiều DN phá sản hoặc hoạt động cầm chừng, thị trường bất động sản gần như bị đóng băng, kéo theo sự suy giảm của nhiều ngành, lĩnh vực khác trong nền kinh tế” - đại biểu Trần Chí Cường nhìn nhận.

Đồng quan điểm, đại biểu Phạm Hùng Thắng (Đoàn Hà Nam) chỉ rõ: Số DN thành lập mới có chiều hướng tăng, song vốn đăng ký bình quân của một DN thành lập mới giảm 17,2% và tổng số vốn đăng ký bổ sung giảm tới 34,2%. Điều này phản ánh sức chịu đựng và nội lực của DN còn rất yếu, trong khi đó số lượng DN giải thể, phá sản rút lui khỏi thị trường còn rất cao.

Tiếp tục hạ lãi suất, nới lỏng điều kiện vay

Từ thực trạng trên, các đại biểu Quốc hội cho rằng, việc khơi thông nguồn vốn và tạo điều kiện để các DN tiếp cận vốn là nhiệm vụ cấp thiết ở thời điểm này.

Theo các đại biểu, việc DN khó khăn trong tiếp cận chủ yếu vẫn là do những điều kiện ràng buộc và thủ tục hành chính. Đại biểu Dương Văn Phước (Đoàn Quảng Nam) chỉ rõ, với tình hình kinh tế khó khăn như hiện nay, khoản thu của DN chậm được thu hồi, hàng tồn kho lớn chậm luân chuyển. Trong khi đó, các ngân hàng hầu như không chấp nhận những tài sản này để làm tài sản bảo đảm. Đây là rào cản rất lớn để các DN tiếp cận các nguồn vốn vay.

phuoc.jpg
Đại biểu Quốc hội Dương Văn Phước phát biểu thảo luận. Ảnh: VPQH

Để tháo gỡ vấn đề này, đại biểu đề nghị Chính phủ cần tiếp tục quan tâm đến những khó khăn của DN để có những chính sách hỗ trợ kịp thời, thiết thực hơn. Theo đó, Chính phủ cần thiết kế các gói tín dụng phục vụ cho sản xuất kinh doanh; trước mắt là cần tập trung khơi thông nguồn vốn từ ngân hàng thông qua việc tiếp tục hạ lãi suất và nới lỏng các điều kiện cho vay vốn.

Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại cần sớm hạ các tiêu chuẩn về đánh giá lịch sử trả nợ của khách hàng và DN giãn nợ, cơ cấu, thời hạn trả nợ, miễn, giảm phí thông qua trả nợ chậm tín dụng, giữ nguyên nhóm nợ đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid để có thêm thời gian phục hồi, trả nợ và khắc phục nợ xấu. Đồng thời, ban hành các gói tín dụng tín chấp phù hợp với mô hình kinh doanh của các DN, đồng hành, chia sẻ những rủi ro với DN.

Đại biểu Quốc hội Dương Văn Phước

Đại biểu Dương Văn Phước cũng đề nghị Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh cải cách thuế, lắng nghe, chia sẻ, giải quyết những kiến nghị của DN liên quan đến vấn đề thuế; nghiên cứu các chính sách thuế phù hợp với DN nhỏ và vừa. Đặc biệt, trong điều kiện khó khăn hiện nay cần chú trọng nuôi dưỡng nguồn thu, xem xét điều kiện từng DN để có chính sách giảm giảm thuế phù hợp.

Đại biểu Trần Chí Cường cũng cho rằng, bên cạnh việc xem xét, điều chỉnh hạ lãi suất thì cần xem xét, đánh giá lại cơ chế, thủ tục cho vay cũng như việc quản lý định hướng tín dụng đối với các hoạt động sản xuất, kinh doanh, đóng góp cho phát triển kinh tế. “Điều này không chỉ giúp nền kinh tế phục hồi một cách nhanh chóng mà còn thúc đẩy sự phát triển bền vững trong tương lai” - đại biểu nhấn mạnh.

Cùng chuyên mục
Giải “cơn khát vốn” cho doanh nghiệp