Giải ngân các chương trình tín dụng chính sách theo Nghị quyết 11 đạt trên 16.000 tỷ đồng

Năm 2022, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đã giải ngân các chương trình tín dụng theo Nghị quyết số 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình (Nghị quyết 11) đạt 16.024 tỷ đồng.

tin-dung-chinh-sach.jpg
Quang cảnh Hội nghị. Ảnh:sbv.gov.vn

Tại Hội nghị trực tuyến giải ngân vốn tín dụng chính sách xã hội giai đoạn 2022-2023 thực hiện Nghị quyết 11 ngày 30/01/2022 của Chính phủ diễn ra ngày 15/02, tại Hà Nội, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú cho biết: Với nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao, năm 2022, NHCSXH đã giải ngân các chương trình tín dụng theo Nghị quyết 11 đạt 16.024 tỷ đồng; kịp thời hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phục hồi và phát triển kinh tế sau đại dịch Covid-19. 

Đến ngày 31/12/2022, NHCSXH giải ngân số vốn vay các chương trình tín dụng chính sách được hỗ trợ lãi suất đạt hơn 93.000 tỷ đồng, cho trên 2,2 triệu khách hàng; hỗ trợ lãi suất 2% đối với các khoản vay có lãi suất cho vay trên 6%/năm, tổng số tiền hỗ trợ là 878 tỷ đồng.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình triển khai thực hiện vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc liên quan đến nguồn vốn, tiến độ giải ngân Chương trình, cơ chế chính sách. Đặc biệt là tỷ lệ giải ngân vốn chưa cao đối với chương trình cho vay nhà ở xã hội và Nghị định số 28/2022/NĐ-CP về chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn từ năm 2021 đến năm 2030, giai đoạn 1: từ năm 2021 đến năm 2025 (Nghị định 28). 

Trong đó, chương trình cho vay nhà ở xã hội đến hết năm 2022 đã giải ngân 9.929 tỷ đồng/kế hoạch 15.000 tỷ đồng vốn của 2 năm 2022-2023. Nguyên nhân là do trong quá trình triển khai thực hiện, nguồn cung nhà ở xã hội tại các địa phương còn hạn chế, nhiều công trình chưa khởi công theo kế hoạch; đối tượng có nhu cầu vay vốn nhưng qua rà soát không đủ điều kiện vay.

Để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc nhằm tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách thuộc chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết 11 trong năm 2023, Tổng Giám đốc NHCSXH Dương Quyết Thắng đề nghị cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp tiếp tục quan tâm chỉ đạo hoạt động tín dụng chính sách xã hội nói chung, thực hiện tốt các chỉ thị, kết luận của Ban Bí thư và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, trọng tâm tăng cường huy động các nguồn lực cho tín dụng chính sách xã hội.

Các đơn vị trong hệ thống NHCSXH tập trung tổ chức, triển khai cho vay đảm bảo hỗ trợ kịp thời, hiệu quả, đúng đối tượng thụ hưởng, công khai, minh bạch, giúp người nghèo và các đối tượng chính sách khác dễ dàng tiếp cận chính sách, đảm bảo tính khả thi của chính sách, sử dụng hiệu quả nguồn lực của Nhà nước. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ chương, chính sách của Đảng, Nhà nước đến các tầng lớp nhân dân, nhất là người nghèo và các đối tượng chính sách khác.

Đồng thời, tiếp tục phối hợp với Ngân hàng Nhà nước, Ủy ban Dân tộc và các Bộ, ngành có liên quan tham mưu, đề xuất Chính phủ bố trí nguồn vốn để thực hiện các chính sách tín dụng ưu đãi theo Nghị định 28 cho giai đoạn 2024-2025 và thường xuyên rà soát, báo cáo Chính phủ để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện./.

Cùng chuyên mục
Giải ngân các chương trình tín dụng chính sách theo Nghị quyết 11 đạt trên 16.000 tỷ đồng