Xử lý nợ xấu tiếp tục là nhiệm vụ trọng tâm của ngành ngân hàng

(BKTO) - Đẩy mạnh xử lý nợ xấu tiếp tục là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành ngân hàng năm 2023. Nhiệm vụ này được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) xác định trong bối cảnh năm 2022, nợ xấu có xu hướng gia tăng và dự báo sẽ tiếp tục tăng ở nửa đầu năm nay.

no-xau.jpg
Việc ứng phó với nợ xấu gia tăng đòi hỏi sự vào cuộc có trách nhiệm của cả ngân hàng và cơ quan quản lý nhà nước. Ảnh sưu tầm

Nợ xấu có xu hướng tăng

Theo báo cáo của NHNN, nhờ tích cực triển khai các giải pháp đẩy mạnh xử lý nợ xấu, nâng cao chất lượng tín dụng, ngăn ngừa, hạn chế tối đa nợ xấu mới phát sinh, tỷ lệ nợ xấu nội bảng toàn hệ thống vẫn ở mức an toàn. Tại thời điểm cuối năm 2022, nợ xấu nội bảng dưới 2%.

Tuy nhiên, báo cáo tài chính quý IV/2022 của 27 ngân hàng cho thấy, tỷ lệ nợ xấu có xu hướng tăng tại đa số ngân hàng. Điển hình là tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay của Ngân hàng Thương mại cổ phần (TMCP) Sài Gòn Công Thương tăng từ mức 1,97% đầu năm lên 2,12% cuối năm 2022. Hay tại Ngân hàng TMCP Quốc tế, tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay tăng từ mức 2,32% đầu năm lên 2,45% cuối năm 2022. Còn tại Ngân hàng TMCP Bản Việt, tỷ lệ này tăng từ 2,53% đầu năm lên mức 2,79% vào cuối năm 2022…

Các chuyên gia cho rằng, nợ xấu của các tổ chức tín dụng (TCTD) có xu hướng tăng lên do kinh tế năm 2022 còn nhiều khó khăn, công tác thu hồi nợ gặp vướng mắc do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Nợ xấu sẽ tiếp tục tăng trong năm 2023 khi những khó khăn của nền kinh tế cũng như của doanh nghiệp (DN), người dân bộc lộ rõ nét hơn trong thời gian tới.

Theo nhận định của TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam, cùng với chính sách thắt chặt tiền tệ của NHNN, nợ xấu của nền kinh tế năm 2023 sẽ gia tăng. “Lãi suất tăng sẽ làm tăng nghĩa vụ trả nợ của bên vay (cá nhân và DN), trong khi kinh tế phục hồi chậm lại, tăng trưởng thấp hơn dẫn đến nợ xấu tiềm ẩn gia tăng. Dự báo, năm 2023, nợ xấu nội bảng ở mức 2%, nợ xấu gộp khoảng 4%” - TS. Lực nhận định.

Bên cạnh đó, bà Trần Thị Khánh Hiền - Giám đốc Khối Phân tích, Công ty Chứng khoán VNDirect - cho rằng, một trong những nguyên nhân khiến nợ xấu có thể tiếp tục tăng lên trong năm 2023 là do Thông tư số 14/2021/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 01/2020/TT-NHNN quy định về việc TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 đã hết hiệu lực từ ngày 30/6/2022 và từ đó, nhiều khoản nợ xấu bắt đầu lộ dần. Đây cũng là nguyên nhân được Công ty Chứng khoán Yuanta chỉ ra.

Ngoài ra, theo Yuanta, các vấn đề liên quan đến thị trường bất động sản cũng khiến nợ xấu có thể tăng lên. Tại Hội nghị Tín dụng bất động sản do NHNN tổ chức mới đây, nhiều DN cũng quan ngại về nguy cơ nhảy nhóm nợ, nợ xấu gia tăng nếu những khoản nợ của DN không được ngân hàng cơ cấu nợ, giãn nợ. Năm 2022, nợ xấu tín dụng bất động sản là 1,81%, tăng đáng kể so với mức 1,67% năm 2021.

Ngân hàng và cơ quan quản lý phải cùng vào cuộc

Việc ứng phó với nợ xấu gia tăng đòi hỏi sự vào cuộc có trách nhiệm của cả ngân hàng và cơ quan quản lý nhà nước. Về phía các ngân hàng, một trong những giải pháp quan trọng để ứng phó với nợ xấu gia tăng là đẩy mạnh việc trích lập dự phòng rủi ro tín dụng cho các khoản nợ xấu tiềm ẩn, nâng tỷ lệ bao phủ nợ xấu. Bởi theo báo cáo của FiinRatings, các ngân hàng có tỷ lệ bao phủ nợ xấu cao sẽ có khả năng chống chọi tốt hơn trong điều kiện thị trường bất lợi như: Nợ xấu tăng từ tín dụng bất động sản, trái phiếu DN hay biên lãi thuần bị ảnh hưởng.

Trước áp lực nợ xấu gia tăng, đại diện Ngân hàng TMCP Nam Á kiến nghị NHNN làm rõ thêm cơ chế xử lý tài sản bảo đảm đối với các dự án bất động sản; đồng thời, sửa đổi có tính linh hoạt hơn đối với quy định trong điều kiện mua bán nợ của Công ty Quản lý tài sản Việt Nam (VAMC) nhằm tạo điều kiện cho các TCTD nhanh chóng tiếp cận kênh này khi xử lý nợ xấu. Chẳng hạn, ngân hàng được bán nợ cho VAMC trong trường hợp tỷ lệ nợ xấu đang dưới 3%, nợ xấu có một phần là tài sản bảo đảm hoặc không có tài sản bảo đảm… Đại diện Ngân hàng Nam Á cũng đề nghị bổ sung giải pháp củng cố, mở rộng và hỗ trợ sự phát triển bền vững cho hệ thống các ngân hàng thương mại (ngoài 4 ngân hàng thương mại nhà nước), đi cùng xử lý các TCTD yếu kém vào Đề án cơ cấu lại TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025.

NHNN đã ban hành Thông tư số 18/2022/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 09/2015/TT-NHNN quy định về hoạt động mua, bán nợ của các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Theo đó, từ ngày 09/02/2023, các ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu dưới 3% theo kỳ phân loại gần nhất có thể được xem xét chấp thuận hoạt động mua nợ.

Với vai trò cơ quan quản lý, tại Chỉ thị số 01/CT-NHNN về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của ngành ngân hàng trong năm 2023, NHNN đã yêu cầu toàn ngành triển khai quyết liệt Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025”; đẩy mạnh công tác xử lý, thu hồi nợ xấu, nợ đã sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro, ngăn ngừa, hạn chế tối đa nợ xấu mới phát sinh nhằm bảo đảm tỷ lệ nợ xấu nội bảng ở mức dưới 3%.

Cùng với các giải pháp trên, để ngăn ngừa nguy cơ nợ xấu phát sinh, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú cho biết thêm, ngành ngân hàng sẽ tăng cường thanh tra, giám sát an toàn vĩ mô và vi mô; nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý đối với các TCTD. NHNN chỉ đạo các TCTD tích cực nâng cao chất lượng tài sản, kiểm soát chất lượng tín dụng; tự xử lý nợ xấu bằng các biện pháp đôn đốc khách hàng trả nợ; bán, phát mãi tài sản bảo đảm của khoản nợ; bán nợ theo cơ chế thị trường; sử dụng dự phòng rủi ro; nâng cao năng lực quản trị rủi ro và chất lượng công tác thẩm định tín dụng./.

Cùng chuyên mục
Xử lý nợ xấu tiếp tục là nhiệm vụ trọng tâm của ngành ngân hàng