Giải trình việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán: Minh bạch và Trách nhiệm - Bài 2: Những trăn trở và quyết sách từ nghị trường

Nguyễn Hồng - Nguyễn Lộc | 10/08/2023 10:55

(BKTO) - Hàng nghìn tỷ đồng kiến nghị xử lý tài chính chưa được thực hiện kịp thời, nhiều văn bản pháp luật vẫn… “treo”, chờ hoàn thiện. Nếu không được đôn đốc, xử lý quyết liệt thì nguồn lực rất lớn này có nguy cơ lãng phí, đồng thời làm giảm tính nghiêm minh của pháp luật, giảm hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước. Đây cũng chính là trăn trở của các đại biểu Quốc hội khi nghiên cứu, thảo luận các báo cáo của Kiểm toán nhà nước (KTNN) về vấn đề này.

z4944196197376_be8c0b9882e8496e074f8993900f5a7f.jpg

Chậm thực hiện kiến nghị thể hiện tính kỷ luật chưa nghiêm…

Ghi nhận và đánh giá cao những đổi mới trong hoạt động và đóng góp tích cực của KTNN, song các ý kiến cho rằng, việc tồn tại tỷ lệ lớn các kiến nghị, kiểm toán chưa được thực hiện thể hiện việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương tài chính - ngân sách chưa nghiêm.

Khẳng định kết luận, kiến nghị kiểm toán có vai trò, ý nghĩa rất quan trọng đối với công tác quản lý nhà nước, cũng như công tác giám sát của Quốc hội, đại biểu Quốc hội Lê Minh Nam - Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội cho rằng, trên khía cạnh pháp luật, KTNN là cơ quan nhà nước hoạt động độc lập, chỉ tuân theo pháp luật; có chức năng kiểm tra tài chính công, tài sản công; thực hiện kiểm tra việc chi tiêu và đánh giá xác nhận báo cáo tài chính của các cơ quan thuộc lĩnh vực công.

310793219_2472171612.jpg

Khi các kết luận, kiến nghị kiểm toán không được thực thi, chấp hành nghiêm túc sẽ khiến cho các quy định pháp luật - nền tảng để phát triển Nhà nước pháp quyền, xã hội chủ nghĩa không đạt được tính hiệu lực, hiệu quả. Hay nói cách khác là mục tiêu giúp cải thiện và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý sử dụng tài chính công, tài sản công quốc gia không thể đạt được.

Đại biểu Quốc hội Lê Minh Nam

Thực tiễn hoạt động của KTNN cũng đã khẳng định vai trò, ý nghĩa của kết luận, kiến nghị kiểm toán đối với công tác quản lý nhà nước, đặc biệt trong xu thế đẩy mạnh hoạt động quản lý nhà nước theo mô hình quản lý công mới - với mục tiêu đổi mới toàn diện nhằm cung cấp dịch vụ công tốt nhất cho người dân, tăng cường quản trị công hiệu quả, hiệu lực, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia để thích ứng với bối cảnh, điều kiện, tình hình mới.

Thậm chí, có ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng, việc tồn tích số lượng lớn kiến nghị xử lý tài chính của KTNN, nếu so sánh với nguồn thu ngân sách thì đó có thể coi là một sự lãng phí, thất thoát nguồn lực rất lớn.

Việc không thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán còn để lại hậu quả với chính đơn vị được kiểm toán. Điển hình là vụ việc Khu Liên hợp Thể thao Quốc gia (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) - hiện đang được cơ quan điều tra Bộ Công an xem xét, xử lý liên quan đến việc chưa thực hiện nghĩa vụ nộp thuế trong nhiều năm liền, có dấu hiệu gây thất thu ngân sách nhà nước (NSNN) và hàng loạt sai phạm khác.

Theo đó, nhiều dấu hiệu sai phạm tại đơn vị này đã từng được KTNN chỉ ra qua kiểm toán. Đơn cử như việc Khu Liên hợp Thể thao Quốc gia cho thuê đất khi chưa được sự đồng ý bằng văn bản của Bộ Tài chính; không tiến hành đấu giá và công khai mức giá cho thuê đất, sai nguyên tắc trong sử dụng tài chính công, tài sản công.

khu-lhttqg.jpeg
Hàng loại sai phạm tại Khu Liên hợp Thể thao Quốc gia đã được KTNN chỉ ra nhưng chậm được thực hiện. Ảnh: st

Từ phát hiện qua kiểm toán, KTNN đã kiến nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ đạo Khu Liên hợp thực hiện kiểm điểm, rút kinh nghiệm với các tập thể và cá nhân có liên quan; đồng thời chấn chỉnh những vi phạm được chỉ ra. Tuy nhiên, đơn vị vẫn “chây ỳ” không thực hiện, buộc các cơ quan chức năng tiếp tục vào cuộc để làm rõ, xử lý.

Từ khi Luật KTNN năm 2015 có hiệu lực, các đơn vị được kiểm toán có sai phạm trong quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công bắt buộc phải thực hiện sau khi KTNN phát hành và công khai Báo cáo kiểm toán. Báo cáo còn là nguồn quan trọng cung cấp thông tin cho cơ quan lập pháp trong việc thực hiện quyền giám sát tối cao; cũng như giúp các cơ quan quản lý nhà nước điều chỉnh, nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công và thực thi nhiệm vụ, quyền hạn của mình.

Vụ Pháp chế - KTNN

Các chuyên gia cho rằng, việc không thực hiện hoặc chậm thực hiện, thực hiện không đúng, đủ kiến nghị kiểm toán một mặt khiến cho các đơn vị được kiểm toán không thể thu hồi tiền sử dụng sai mục đích về cho NSNN, mặt khác bản thân đơn vị, các cá nhân, tập thể có liên quan phải chịu trách nhiệm trước cấp trên, thậm chí là trước pháp luật.

PGS,TS. Đặng Văn Thanh - Chủ tịch Hiệp hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam - khẳng định, KTNN là cơ quan kiểm tra tài chính cao nhất của quốc gia, có trách nhiệm kiểm tra, đánh giá và xác minh tính đúng đắn, trung thực cũng như độ tin cậy của các thông tin về tài chính, ngân sách. Các kết luận, kiến nghị của KTNN phải được các cơ quan liên quan, các đối tượng được kiểm toán tôn trọng, chấp hành và thực hiện. 

Còn theo Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, KTNN không có quyền áp đặt các đơn vị chấp hành thực hiện theo kiến nghị kiểm toán. Tuy nhiên, bản thân mỗi đơn vị cần phải thấy rằng, được KTNN chỉ ra, kiến nghị chấn chỉnh, đó là điều tốt cho chính đơn vị, địa phương, để từ đó chủ động, nghiêm túc sửa đổi theo kiến nghị kiểm toán.

“Dù muốn, dù không, với các quy định pháp luật hiện hành, nếu các đơn vị cố tình chây ỳ, không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ, kịp thời kiến nghị kiểm toán sẽ phải chịu sự điều chỉnh của pháp luật về hành chính hoặc pháp luật hình sự” – ông Phong nhấn mạnh.

… và trăn trở của đại biểu Quốc hội

Việc tồn đọng một lượng lớn kiến nghị kiểm toán chưa được thực hiện cũng là vấn đề khiến các đại biểu Quốc hội trăn trở qua nhiều nhiệm kỳ Quốc hội. Ngay tại Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV, khi thảo luận về quyết toán NSNN năm 2019, các đại biểu Quốc hội cho rằng, kỷ luật, kỷ cương tài chính đã được quan tâm nhưng chưa nghiêm. Một trong những minh chứng rõ nhất, đó là tỷ lệ thực hiện kết luận, kiến nghị của KTNN thấp hơn các năm trước.

Nhấn mạnh việc tồn đọng các kiến nghị kiểm toán cho thấy hiệu lực thực hiện những kiến nghị kiểm toán còn thấp, đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (Đoàn TP. Hà Nội) đề nghị cần xem xét lại kỹ các nguyên nhân. Nếu nguyên nhân là vì hiệu lực thực hiện thì cơ quan kiểm toán phải có kiến nghị với Quốc hội.

091120230801-z4862583947191_31cea0f5c27710153cddd773b9db9474-1-.jpg
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang. Ảnh: st

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang khẳng định, việc rất nhiều kiến nghị kiểm toán chưa được thực hiện, tức là không thực hiện quy định của Luật KTNN. Vì vậy, vấn đề này cần phải làm rõ trách nhiệm.

Trong khi đó, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Trần Văn Lâm cho rằng, việc thực hiện kiến nghị không phải để cho ngành kiểm toán, mà là cho đất nước, nhằm đảm bảo nguồn lực đầu tư phải đúng mục đích, tránh lãng phí.

Với quan điểm đó, ông Lâm đề nghị, cần có cách tiếp cận mới trong việc xử lý các kiến nghị tồn đọng, cũng như giải pháp chấn chỉnh đối với công tác thực hiện kiến nghị kiểm toán nói chung trong thời gian tới, tránh để tình trạng “nhờn luật”, ảnh hưởng đến kỷ luật, kỷ cương tài chính, ngân sách của quốc gia.

Tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, tại Nghị quyết số 22/2021/QH15 về điều chỉnh dự toán chi NSNN và phê chuẩn quyết toán NSNN năm 2019, Quốc hội yêu cầu Chính phủ kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm, xử lý nghiêm, kịp thời các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật trong quản lý, sử dụng NSNN; chỉ đạo các Bộ, cơ quan, địa phương chú trọng tăng cường các giải pháp để nâng cao tỷ lệ thực hiện các kết luận, kiến nghị của KTNN.

Theo Nghị quyết số 22/2021/QH15, đối với các kết luận, kiến nghị chưa được thực hiện từ năm 2018 về trước, lần đầu tiên Quốc hội giao Chính phủ phối hợp với KTNN tập trung đôn đốc, xác định nguyên nhân, làm rõ trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, cá nhân liên quan và đề ra giải pháp xử lý dứt điểm các kết luận, kiến nghị này; báo cáo Quốc hội kết quả thực hiện nội dung này khi trình Báo cáo quyết toán NSNN năm 2020.

Tiếp đó, tại Nghị quyết số 53/2022/QH15 về phê chuẩn quyết toán NSNN năm 2020, Quốc hội tiếp tục yêu cầu Chính phủ khẩn trương thực hiện các kết luận, kiến nghị của KTNN đối với quyết toán NSNN niên độ năm 2020 và năm 2019 trở về trước, đặc biệt là việc rà soát, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện chính sách pháp luật về đất đai, NSNN, quản lý và sử dụng tài sản công...; tháo gỡ các nút thắt về thể chế và quản lý để sớm đưa các nguồn lực vào phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Đồng thời, làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân vi phạm trong quản lý, sử dụng NSNN niên độ NSNN năm 2020 và việc không thực hiện nghiêm túc các kết luận, kiến nghị của KTNN đối với niên độ NSNN từ năm 2019 trở về trước theo các Nghị quyết của Quốc hội.

Mới đây nhất, tại Nghị quyết số 91/2023/QH15 phê chuẩn quyết toán NSNN năm 2021, Quốc hội yêu cầu: Làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân vi phạm trong quản lý, sử dụng NSNN và việc không thực hiện nghiêm túc các kết luận, kiến nghị của KTNN; báo cáo Quốc hội kết quả xử lý vi phạm và việc thực hiện kết luận, kiến nghị của KTNN khi trình Báo cáo quyết toán NSNN hằng năm...

Bài 3: Sự vào cuộc kịp thời, trách nhiệm

Cùng chuyên mục
Giải trình việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán: Minh bạch và Trách nhiệm - Bài 2: Những trăn trở và quyết sách từ nghị trường