Tại Hội nghị sơ kết công tác thi đua - khen thưởng (TĐKT) 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2023 của Khối diễn ra mới đây, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Nguyễn Tuấn Anh cho biết, quán triệt sâu sắc tư tưởng thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổng Kiểm toán nhà nước đã phát động Phong trào thi đua “Thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị năm 2023” và tổ chức ký giao ước thi đua trong toàn Ngành.
Đồng thời, Tổng Kiểm toán nhà nước cũng ban hành các chỉ thị, nghị quyết để lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ trọng tâm, tiếp tục tăng cường kỷ luật, kỷ cương, kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực với phương châm hành động “Chất lượng và đạo đức công vụ”, gắn với phong trào thi đua “Cuộc kiểm toán chất lượng vàng”, “Cuộc kiểm toán xuất sắc”.
Đặc biệt, Tổng Kiểm toán nhà nước đã phát động Phong trào thi đua với Chủ đề: “Đoàn kết, kỷ cương, sáng tạo, tự hào thi đua hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị chào mừng Kỷ niệm 30 năm thành lập Kiểm toán nhà nước” (11/7/1994 - 11/7/2024).
Hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động do Đảng, Nhà nước phát động, Tổng Kiểm toán nhà nước đã phát động và xây dựng Kế hoạch thực hiện Phong trào thi đua “Cán bộ, công chức, viên chức KTNN thi đua thực hiện Văn hóa công sở” giai đoạn 2019-2025; “KTNN đoàn kết, chung sức, đồng lòng thi đua phòng, chống và chiến thắng đại dịch Covid-19”; “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” và “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” giai đoạn 2021-2025; “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển”;“Đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí”...
Trên cơ sở đó, các đơn vị kiểm toán đã cụ thể hóa từng nội dung của các phong trào thi đua vào mục tiêu, nội dung, trọng yếu kiểm toán nhằm gia tăng chất lượng, hiệu quả thực hiện. Các đơn vị cũng đã thực hiện kiểm toán Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; kiểm toán các tập đoàn, tổng công ty có tầm ảnh hưởng sâu rộng đến sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của nhân dân...
Qua kiểm toán, KTNN đã đánh giá những bất cập của cơ chế chính sách; kiến nghị khắc phục, hoàn thiện, đảm bảo chính sách phải phục vụ phát triển, tạo điều kiện cho phát triển; có ý kiến tư vấn nâng cao hiệu quả huy động các nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại.
Đồng thời góp phần cùng các Bộ, ngành, địa phương, đơn vị được kiểm toán làm tốt công tác quản lý, điều hành, sử dụng, thanh quyết toán các nguồn lực xây dựng nông thôn mới, xóa đói giảm nghèo, quản trị doanh nghiệp tốt, minh bạch, hiệu quả.
Với phương châm “làm ít nhưng chất”, KTNN đã chủ động lựa chọn để lập KHKT năm 2023 với các chủ đề, chuyên đề kiểm toán có phạm vi rộng, nổi cộm, “nóng”, gây bức xúc, được dư luận xã hội quan tâm về thực hành tiết kiệm, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, có tác động lớn đến quản lý, điều hành NSNN, nhằm đánh giá toàn diện việc thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước xuyên suốt từ Trung ương đến địa phương, phục vụ tích cực cho các hoạt động của Quốc hội về lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.
"KTNN còn chủ động cắt giảm đầu mối kiểm toán, không kiểm toán các đơn vị đã được Thanh tra Chính phủ, Ủy ban Kiểm tra Trung ương thanh kiểm tra, để giảm thiểu sự phiền hà cho các đơn vị được kiểm toán, tránh chồng chéo, trùng lắp theo tinh thần Nghị quyết 75/2022/QH15" - Phó Tổng Kiểm toán nhà nước cho biết./.