Giải trình việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán: Minh bạch và Trách nhiệm - Bài 3: Sự vào cuộc kịp thời, trách nhiệm

Nguyễn Hồng- Nguyễn Lộc | 20/08/2023 11:21

(BKTO) - Nhằm nhận diện đầy đủ thực trạng, làm rõ trách nhiệm và tạo sự chuyển biến trong thực hiện kiến nghị kiểm toán, đặc biệt là việc xử lý kiến nghị kiểm toán tồn đọng kéo dài, Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội đã quyết định tổ chức Phiên giải trình “Việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán nhà nước đến hết niên độ ngân sách nhà nước năm 2021”. Theo đó, lần đầu tiên một cuộc tổng rà soát về thực hiện kiến nghị kiểm toán được thực hiện trên quy mô toàn quốc.

Sự vào cuộc của Ủy ban Tài chính, Ngân sách không chỉ thể hiện vai trò, trách nhiệm của cơ quan giám sát mà còn khẳng định tư duy, quyết tâm đổi mới, cải tiến, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội theo hướng bám sát và giải quyết kịp thời những vấn đề nổi cộm, cấp bách thực tiễn đặt ra… - chủ trương đã được xác định ngay từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.

Đảm bảo hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm

Phúc đáp yêu cầu từ thực tiễn và ý kiến của các đại biểu Quốc hội, thực hiện chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các Nghị quyết của Quốc hội, ngày 27/3/2023, Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội đã ban hành Kế hoạch số 1709/KH-UBTCNS15 về tổ chức Phiên giải trình “Việc thực hiện các kết luận, kiến nghị kiểm toán nhà nước đến hết niên độ ngân sách nhà nước năm 2021”.

070620230927-z4410998633197_7705a85df258d48a8ae3c1ac048dc754-1-.jpg

“Định hướng lâu dài là cần tăng hoạt động giải trình tại Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội. Bởi hoạt động chất vấn của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội tập trung vào những vấn đề lớn, phạm vi rộng, trong khi đó hoạt động giải trình tại Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban rất linh hoạt, khi phát sinh vấn đề nóng, nổi cộm có thể tổ chức điều trần, giải trình ngay

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ

Để đảm bảo tốt nhất chất lượng Phiên giải trình, Ủy ban Tài chính, Ngân sách đã chủ động xây dựng chương trình, nội dung giải trình với đề cương rất bài bản và đề nghị Kiểm toán nhà nước (KTNN), các cơ quan, đơn vị, địa phương có trách nhiệm thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán, các Bộ quản lý tổng hợp (tổng số 214 đầu mối) báo cáo, chuẩn bị tài liệu, thông tin phục vụ Phiên giải trình.

Đặc biệt, với tinh thần đổi mới, chủ động, tích cực vào cuộc, vượt ra ngoài khung khổ của việc nghiên cứu, ngồi nghe các báo cáo, Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách đã tổ chức các cuộc khảo sát, làm việc trực tiếp với các Bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty nhà nước, các ngân hàng thương mại, nhất là những đơn vị còn số kết luận, kiến nghị lớn chưa thực hiện để đôn đốc việc báo cáo và rà soát thông tin báo cáo... để có căn cứ, cơ sở đầy đủ phục vụ Phiên giải trình.

“Với đối tượng, quy mô, phạm vi giải trình rất lớn, thông tin dồn tích theo thời gian rất dài nên nếu không có sự phối hợp tốt thì rất khó thực hiện Phiên giải trình có chất lượng” - Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Minh Nam chia sẻ.

Trong khi đó, Ủy viên Ủy ban Tài chính, Ngân sách Trần Văn Lâm nhấn mạnh, mục tiêu cuối cùng là phải làm sao để thực hiện triệt để các kiến nghị kiểm toán. Và mục tiêu sâu xa hơn, đó chính là nâng cao vai trò, hiệu lực, hiệu quả của hoạt động kiểm toán - một kênh rất quan trọng để giúp cho Quốc hội giám sát việc thực hiện pháp luật, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của quốc gia.

Với ý nghĩa đó, việc tổ chức Phiên giải trình nhận được sự quan tâm đặc biệt và chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Quốc hội. Trực tiếp dự và phát biểu chỉ đạo cuộc làm việc giữa Ủy ban Tài chính, Ngân sách với KTNN về công tác chuẩn bị cho Phiên giải trình, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đánh giá cao chủ trương tổ chức Phiên giải trình của Ủy ban Tài chính, Ngân sách; điều này là minh chứng thể hiện việc “tiếp tục đổi mới hoạt động của các cơ quan của Quốc hội”.

pho-chu-tich-nguyen-duc-hai-phat-bieu-tai-cuoc-lam-viec.jpg
Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị KTNN và Ủy ban Tài chính, Ngân sách phối hợp chặt chẽ để chuẩn bị tốt cho Phiên giải trình. Ảnh: Nguyễn Lộc

Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị hai cơ quan phối hợp chặt chẽ, thảo luận, cân nhắc kỹ lưỡng về nội dung, cách thức, phạm vi, đối tượng, thời gian tổ chức Phiên giải trình, đảm bảo có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả và tạo được dấu ấn.

“Sau Phiên giải trình phải chỉ ra được một số vấn đề tồn tại, hạn chế, làm rõ nguyên nhân, bản chất vấn đề để giải quyết triệt để các kiến nghị kiểm toán; cũng như có giải pháp nâng cao chất lượng thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán” – Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Phối hợp tích cực, hiệu quả

Triển khai Kế hoạch của Ủy ban Tài chính, Ngân sách, với trách nhiệm của cơ quan giải trình, KTNN đã tích cực, tập trung mọi nguồn lực chuẩn bị các nội dung phục vụ Phiên giải trình.

Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn khẳng định, Phiên giải trình là dịp rất tốt để KTNN nhìn lại mình, để thấy còn nhiều việc cần phải làm trong việc hoàn thiện cơ chế chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động kiểm toán.

Với quan điểm đó, Ban cán sự đảng KTNN, Tổng Kiểm toán nhà nước đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc nghiêm túc kiểm tra, rà soát, tổng hợp báo cáo thông tin, số liệu thực hiện kiến nghị kiểm toán đến hết niên độ NSNN năm 2021, cập nhật đến 31/3/2023 theo yêu cầu của Ủy ban Tài chính, Ngân sách. Trong đó, theo dõi đầy đủ thông tin, số liệu kiến nghị kiểm toán chưa thực hiện và nguyên nhân chưa thực hiện; phân loại đầy đủ nguyên nhân chưa thực hiện kiến nghị kiểm toán. Đồng thời, các thông tin, số liệu kiến nghị kiểm toán xác nhận đã thực hiện cần đảm bảo đầy đủ bằng chứng, căn cứ theo quy định.

ngo-van-tuan-9476.jpg

KTNN sẽ giải trình rõ trách nhiệm của mình trong công bố kết luận, kiến nghị kiểm toán và trách nhiệm trong đôn đốc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán; giải trình rõ nguyên nhân đối với các kiến nghị kiểm toán chưa được thực hiện cũng như thẳng thắn nhìn nhận những vấn đề tồn tại thuộc trách nhiệm của Ngành”Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn chia sẻ trước thềm Phiên giải trình.

Ông Vũ Ngọc Tuấn - Vụ trưởng Vụ Tổng hợp (KTNN) chia sẻ: Đây là lần đầu tiên KTNN tổ chức một cuộc tổng rà soát trên quy mô toàn quốc, với hàng trăm cuộc kiểm toán diễn ra từ nhiều năm trước. Do đó, tính chất phức tạp của công tác rà soát buộc các đơn vị phải tập trung cao để đảm bảo tiến độ, chất lượng công việc.

“Kết quả thu được từ công tác rà soát chính là minh chứng cho sự quyết tâm, nỗ lực vượt bậc của các đơn vị kiểm toán, từng kiểm toán viên để chuẩn bị cho một Phiên giải trình chất lượng, ý nghĩa” - ông Tuấn nhấn mạnh.

Thông qua công tác rà soát, đôn đốc, KTNN yêu cầu các đơn vị được kiểm toán có giải pháp để quyết liệt thực hiện kiến nghị kiểm toán. Đặc biệt, KTNN còn xem xét một cách toàn diện các nguyên nhân, từ đó có giải pháp xử lý đối với các kiến nghị tồn đọng kéo dài; đồng thời kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền có giải pháp chấn chỉnh, đôn đốc thực hiện kiến nghị kiểm toán theo đúng quy định.

Đơn cử, tại KTNN khu vực XII, đối với các kiến nghị tồn đọng, đơn vị đã tiến hành rà soát, làm việc với địa phương, đơn vị để lắng nghe chia sẻ về khó khăn của địa phương, từ đó tổng hợp và báo cáo, đề xuất với Tổng Kiểm toán nhà nước phương án xử lý dứt điểm. Với cách làm đó, KTNN khu vực XII đã nhận được sự phối hợp tích cực và vào cuộc quyết liệt của địa phương.

“Trường hợp không chấp hành chế độ báo cáo kết quả xử lý các kiến nghị, kết luận của cơ quan KTNN theo quy định của pháp luật hoặc báo cáo chậm, Sở Tài chính tạm dừng cấp kinh phí theo quy định của Luật NSNN và các văn bản hướng dẫn, tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh” - đại diện Sở Tài chính tỉnh Đắk Nông cho biết.

Đặc biệt, KTNN đã chủ động phối hợp chặt chẽ, thường xuyên trao đổi, làm việc với Ủy ban Tài chính, Ngân sách về kế hoạch, công tác chuẩn bị cho Phiên giải trình; hoàn thiện báo cáo của KTNN phục vụ Phiên giải trình.

“KTNN đã hết sức nỗ lực, trách nhiệm, cung cấp khá đầy đủ, toàn diện thông tin, dữ liệu, số liệu theo yêu cầu để phối hợp thực hiện tốt Phiên giải trình này” - ông Lê Minh Nam đánh giá.

Là một trong những đơn vị được kiểm toán tham gia giải trình trực tiếp tại Phiên giải trình, đại diện Bộ Giao thông vận tải cho rằng, với Phiên giải trình này, một lần nữa kết quả thực hiện các kết luận, kiến nghị kiểm toán được công khai. Đây là biện pháp rất hiệu quả để nâng cao trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị khi để tồn đọng, chưa xử lý kết luận, kiến nghị KTNN; buộc các cơ quan, đơn vị phải có biện pháp, giải pháp quyết liệt để thực hiện đầy đủ các kết luận, kiến nghị của KTNN.

z4944209080502_0278ad293023af2fe6dbc42d9b8c01bd.jpg
KTNN tích cực phối hợp rà soát tình hình thực hiện kiến nghị phục vụ cho Phiên giải trình. Ảnh: Nguyễn Lộc

Ngoài ra, Phiên giải trình cũng là cơ hội để các bên cũng nhìn nhận các khó khăn, vướng mắc khi thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán; là cơ sở để cơ quan chức năng hoàn thiện các quy định pháp luật nhằm đạt hiệu quả cao hơn trong thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán.

Từ góc nhìn của chuyên gia, chuyên gia kinh tế, TS. Vũ Đình Ánh cho rằng, việc tổ chức Phiên giải trình thể hiện sự vào cuộc kịp thời, trách nhiệm của cơ quan của Quốc hội trong việc góp phần giải quyết các kiến nghị kiểm toán tồn đọng chưa được thực hiện, tiềm ẩn nguy cơ lãng phí nguồn lực công. Đặc biệt, cùng với sự phối hợp chặt chẽ của KTNN, các Bộ, ngành chức năng trong việc rà soát, đôn đốc tình hình thực hiện kiến nghị kiểm toán cho thấy sự công phu, rày công, nghiêm túc đối với hoạt động này.

“Cái khó của quá trình rà soát là rất nhiều kiến nghị tồn đọng từ hàng chục năm trước, liên quan đến nhiều đối tượng, với số tiền rất lớn và liên quan đến nhiều cơ chế, chính sách qua nhiều thời kỳ. Tuy nhiên, kết quả Phiên giải trình sẽ là minh chứng khẳng định quyết tâm, nỗ lực của các cơ quan nhằm tạo những chuyển biến mang tính đột phá trong thực hiện kiến nghị kiểm toán” - TS. Vũ Đình Ánh cho biết.

Bài 4: Tạo bước chuyển biến đột phá trong thực hiện kiến nghị kiểm toán

Cùng chuyên mục
Giải trình việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán: Minh bạch và Trách nhiệm - Bài 3: Sự vào cuộc kịp thời, trách nhiệm