Giảm kinh phí quyết toán ngân sách hàng chục tỷ đồng
Theo báo cáo của Bộ GTVT, tổng dự toán mà Bộ được giao trong năm 2021 là 61.694,808 tỷ đồng, trong đó, chi thường xuyên là 18.698,844 tỷ đồng (gồm: Nguồn ngân sách trong nước 17.922,601 tỷ đồng và nguồn phí được khấu trừ để lại 776,243 tỷ đồng); chi đầu tư xây dựng cơ bản là 42.995,964 tỷ đồng (gồm: Nguồn ngân sách trong nước 38.146,266 tỷ đồng, vốn nước ngoài 4.836,604 tỷ đồng), chưa phân khai Hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc (Tabmis) 13,094 tỷ đồng.
Tổng kinh phí Bộ GTVT đề nghị quyết toán là 60.302,661 tỷ đồng, gồm: Chi thường xuyên 18.021,54 tỷ đồng và chi đầu tư xây dựng cơ bản 42.281,121 tỷ đồng.
Đối với Báo cáo quyết toán vốn đầu tư công nguồn NSNN theo năm ngân sách 2021, Bộ GTVT báo cáo kế hoạch vốn là 43.482,107 tỷ đồng (trong đó có kế hoạch vốn năm trước được kéo dài sang năm sau là 486,143 tỷ đồng).
Tổng số vốn đã thanh toán khối lượng hoàn thành quyết toán trong năm 2021 là 42.281,121 tỷ đồng, số vốn chưa thanh toán, hủy dự toán là 2.846,857 tỷ đồng.
Còn đối với Báo cáo quyết toán kinh phí hoạt động năm 2021, Bộ GTVT tổng hợp số liệu báo cáo Bộ Tài chính với kinh phí năm trước chuyển sang năm sau là 212,649 tỷ đồng; dự toán được giao trong năm 2021 là 18.698,844 tỷ đồng.
Tổng kinh phí được sử dụng là 18.875,338 tỷ đồng. Tổng kinh phí đề nghị quyết toán là 18.021,54 tỷ đồng, bằng 95,5% tổng kinh phí được sử dụng và dự toán bị hủy là 506,381 tỷ đồng, bằng 2,7% tổng kinh phí được sử dụng; kinh phí chuyển nguồn sang năm 2022 là 340,078 tỷ đồng.
Qua kiểm toán Báo cáo quyết toán ngân sách của Bộ GTVT, KTNN xác định, kinh phí năm trước chuyển sang năm 2021 tăng 15,229 tỷ đồng; dự toán được giao trong năm giảm 92,9 triệu đồng; tổng kinh phí được sử dụng trong năm tăng 13,632 tỷ đồng.
Đồng thời, KTNN xác định kinh phí mà Bộ GTVT đề nghị quyết toán phải giảm 16,17 tỷ đồng; kinh phí giảm, hủy trong năm tăng 30,698 tỷ đồng; số dư kinh phí chuyển nguồn sang năm 2022 và quyết toán giảm 894,5 triệu đồng.
Cũng qua kiểm toán Báo cáo quyết toán của Bộ GTVT, KTNN phát hiện số phí thu vượt dự toán kết dư 34,729 tỷ đồng; chưa thực hiện đầy đủ nghĩa vụ với NSNN 417 triệu đồng; xác định thiếu kinh phí tiết kiệm theo Nghị quyết số 58/NQ-CP số tiền hơn 1,133 tỷ đồng; tính trùng khối lượng chưa được giảm trừ giá trị hợp đồng 19,016 tỷ đồng…
Nhiều sai sót trong công tác lập, thẩm định, xét duyệt báo cáo
Dù KTNN ghi nhận công tác lập báo cáo của Bộ đã phản ánh trung thực tình hình tài chính, phù hợp với chuẩn mực kế toán, chế độ kế toán, sử dụng mẫu biểu theo quy định, trình bày theo mục lục NSNN đã được Kho bạc Nhà nước đối chiếu, xác nhận.
Tuy nhiên, KTNN đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ của Bộ GTVT trong công tác lập Báo cáo quyết toán ngân sách năm, công tác thẩm định, xét duyệt báo cáo quyết toán ngân sách của các đơn vị trực thuộc, tổng hợp Báo cáo quyết toán vốn niên độ ngân sách năm 2021 vẫn để xảy ra một số sai sót…
KTNN nêu rõ, Bộ GTVT cung cấp Báo cáo quyết toán theo Văn bản số 7731/BGTVT-TC ngày 29/7/2022; sau khi kết thúc thời gian kiểm toán, Bộ tiếp tục cung cấp bổ sung Báo cáo quyết toán tại Văn bản số 11039/BGTVT-TC ngày 24/10/2022.
Qua kiểm toán tổng hợp, KTNN phát hiện có sự chưa thống nhất về mặt số liệu giữa 2 báo cáo này. Cụ thể, tổng cộng vốn đã thanh toán khối lượng hoàn thành quyết toán trong năm 2021 theo báo cáo lần đầu là 42.121,317 tỷ đồng và lần báo cáo bổ sung là 42.281,121 tỷ đồng.
Tương tự, lũy kế vốn tạm ứng theo chế độ chưa thu hồi đến hết năm quyết toán của 2 báo cáo là 14.773,972 tỷ đồng và 14.776,669 tỷ đồng. Số vốn còn lại chưa thanh toán hủy bỏ trong năm 2021 là 2.660,437 tỷ đồng và 2.707,681 tỷ đồng; kế hoạch vốn chưa phân khai trên Tabmis là 11,912 tỷ đồng và 13,094 tỷ đồng…
Bộ GTVT giao dự toán thu phí, lệ phí cho các đơn vị là 15.180,09 tỷ đồng - bằng số giao dự toán của Bộ Tài chính. Tuy nhiên, Bộ GTVT lại tổng hợp số liệu vào Biểu 1a - Tổng hợp Báo cáo quyết toán số giao dự toán thu phí, lệ phí là hơn 15.295,127 tỷ đồng, không khớp với số liệu tại Quyết định giao dự toán của Bộ Tài chính và số liệu phân bổ dự toán của Bộ GTVT dẫn đến chênh lệch số tiền hơn 115,037 tỷ đồng chưa làm rõ được nguyên nhân.
Thêm nữa, công tác lập, thẩm định, xét duyệt Báo cáo quyết toán niên độ ngân sách năm 2021 của Bộ còn thiếu sót so với quy định. Bộ chưa phân khai ngành, lĩnh vực theo mẫu, thiếu báo cáo thực hiện vốn đầu tư các dự án quan trọng quốc gia theo quy định.
Bộ cũng thiếu thuyết minh báo cáo (về tình hình thực hiện kế hoạch, thanh quyết toán vốn đầu tư công nguồn NSNN được giao trong năm; thuyết minh các vấn đề tồn tại, vướng mắc, các yếu tố ảnh hưởng đến thực hiện, thanh quyết toán vốn, tăng giảm vốn kế hoạch đầu tư công và đề xuất các giải pháp tháo gỡ); thiếu bảng đối chiếu với Kho bạc Nhà nước và chưa có thông báo thẩm định quyết toán niên độ của Bộ Tài chính.
KTNN cũng cho biết, Bộ GTVT đã thực hiện xét duyệt, thẩm định Báo cáo quyết toán ngân sách năm của 26/26 đơn vị trực thuộc theo kế hoạch.
Nhưng qua kiểm toán hồ sơ xét duyệt Báo cáo quyết toán của Bộ tại 7 đơn vị được kiểm toán chi tiết và chọn mẫu hồ sơ xét duyệt quyết toán 11 đơn vị trực thuộc, KTNN phát hiện Bộ đang phản ánh số phí năm 2020 chuyển sang năm 2021 của Cục Quản lý đầu tư xây dựng là 7,807 tỷ đồng (trong đó số đã chi 6,209 tỷ đồng) chưa được giao dự toán, dẫn đến số đã sử dụng chi cho công tác thu phí các năm: 2019, 2020 là 6,209 tỷ đồng chưa được quyết toán.
Cùng với đó, Thông báo xét duyệt quyết toán tại Cục Quản lý đầu tư xây dựng còn đánh giá chung chung, không có nhận xét, đánh giá; thiếu nội dung thuyết minh số liệu quyết toán…
Ngoài bất cập trên, Bộ GTVT đã thực hiện xét duyệt và phát hành thông báo xét duyệt Báo cáo quyết toán của 26/26 đơn vị trực thuộc theo quy định, tuy nhiên lại chưa thuyết minh làm rõ nguyên nhân biến động biên chế; thông báo xét duyệt, biên bản xét duyệt cũng thiếu thuyết minh, đánh giá tình hình quyết toán ngân sách, chưa đánh giá cụ thể nguyên nhân tăng, giảm so với dự toán được giao trong năm; thực hiện công khai dự toán NSNN năm 2021 chậm, bị quá 15 ngày so với quy định của Bộ Tài chính.