Khó giảm thêm lãi suất cho vay từ nay đến cuối năm
Nhiều tín hiệu cho thấy thanh khoản của các ngân hàng khá dồi dào. Cụ thể, theo số liệu của NHNN, trong 8 tháng năm 2016, chỉ số huy động vốn tăng 11%; tín dụng tăng trên 8%; chỉ số cho vay so với vốn huy động là 87%, trong khi đó, vào thời điểm cuối năm ngoái chỉ số này là 91-92% . Chưa kể, lãi suất trên thị trường liên ngân hàng hiện tại đang ở mức thấp nhất trong lịch sử, dưới 1% ở cả 3 kỳ hạn.
Từ nay đến cuối năm, vấn đề quan trọng nhất đối với các ngân hàng là duy trì ổn định mặt bằng lãi suất.Ảnh: TK
Yếu tố khác được các chuyên gia nhận định gây ảnh hưởng đến việc giảm lãi suất cho vay chính là nợ xấu. 3 năm qua, nợ xấu đã được bóc tách ra khỏi bảng cân đối kế toán của ngân hàng và bán cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (TCTD) Việt Nam (VAMC) nhưng khối nợ này vẫn chưa được xử lý một cách triệt để. Trong bối cảnh đó, các ngân hàng vừa phải phân loại nợ theo yêu cầu của NHNN vừa phải tăng cường trích lập dự phòng rủi ro. Điều này khiến lợi nhuận ngân hàng bị “bào mòn”, gây khó khăn cho việc giảm thêm lãi suất.
Thời gian qua, Chính phủ và Thống đốc NHNN đã yêu cầu các ngân hàng giảm từ 0,5-1% lãi suất cho vay trung và dài hạn. Thực hiện chỉ đạo này, các ngân hàng đã và đang triển khai nhiều dự án cho vay với lãi suất ưu đãi dành cho DN. Nhận định cơ hội để các ngân hàng giảm thêm lãi suất cho vay không còn nhiều, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) Nguyễn Tiến Đông cho rằng, từ nay đến cuối năm, vấn đề quan trọng nhất đối với các ngân hàng là làm thế nào để duy trì ổn định mặt bằng lãi suất.
Thách thức đưa lãi suất cho vay về mức 5%/năm
Trước mắt, việc giảm thêm lãi suất cho vay không dễ thực hiện. Nhưng về lâu dài, các ngân hàng liệu có thêm những dư địa mới để đưa lãi suất cho vay về mức 5%/năm vào năm 2020?
Mức lãi suất trên được đặt ra trong Dự thảo Đề án Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng theo sự phân công của Chính phủ. Cơ quan soạn thảo lý giải: Từ năm 2012 đến nay, mặc dù lãi suất có xu hướng giảm nhưng chưa tạo được lòng tin thị trường về sự ổn định trong trung và dài hạn, khiến DN giảm động lực triển khai các hoạt động đầu tư trung và dài hạn. Mặt khác, việc điều hành tín dụng chưa gắn với tư duy ổn định lãi suất trong trung và dài hạn, bởi vậy, kéo lãi suất cho vay xuống mức trung bình của các nước đang phát triển khoảng 5%/năm là cần thiết.
Đối với các DN, nhất là những DN sử dụng phần lớn vốn ngân hàng, mức lãi suất 5%/năm được coi là lý tưởng. Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, mục tiêu này còn phụ thuộc vào năng lực của các TCTD, nhu cầu về vốn ở thời điểm đó, quan hệ cung cầu…
Đáng lưu ý, việc điều hành lãi suất của NHNN còn phụ thuộc vào sự ổn định của đồng tiền, tức là mặt bằng lạm phát hằng năm. “Nếu lạm phát 10% thì không thể cho vay ở mức lãi suất 5%/năm. Thực hiện điều này sẽ đi ngược lại với quy luật kinh tế bình thường.”- Cố vấn cao cấp Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) Cấn Văn Lực nêu giả thiết.
Theo Trung tâm Nghiên cứu BIDV, so với các nước có cùng mức thu nhập, lãi suất cho vay Việt Nam đang áp dụng cho các DN vẫn chỉ ở mức trung bình. Hơn nữa, Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng vào khu vực và thế giới, đang phấn đấu đến 2018 được công nhận là nền kinh tế thị trường đầy đủ. Vì thế, để lãi suất điều chỉnh theo nền kinh tế thị trường là điều cần thiết và phù hợp.
Rõ ràng, giảm lãi suất cho vay về mức 5%/năm vào năm 2020 là thách thức không nhỏ đối ngành Ngân hàng cũng như của cả nền kinh tế. Điều này đòi hỏi cơ quan soạn thảo Đề án Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 phải có những phân tích, cân nhắc kỹ lưỡng, tránh đưa ra chỉ tiêu mang tính áp đặt, có nguy cơ làm méo mó thị trường tài chính và ảnh hưởng đến các trụ cột của nền kinh tế.
NGỌC MAI