Các ngân hàng cần phải có Ủy ban Kiểm toán để giúp quản lý và phòng ngừa rủi ro, gian lận trong hoạt động.Ảnh: TK
Lộ diện những bất cập
Kết quả khảo sát 35 ngân hàng thương mại được công bố trong năm 2015 cho thấy, mô hình tổ chức bộ máy của các ngân hàng hoàn thiện hơn bởi 34/35 ngân hàng có Ủy viên Hội đồng quản trị (HĐQT) kiêm Trưởng Ban kiểm soát. Thế nhưng, vai trò của Ban kiểm soát, kiểm toán nội bộ còn mờ nhạt và đa số các ngân hàng chưa có Ủy ban kiểm toán. Điều này phần nào phản ánh hệ thống KSNB chưa được các ngân hàng chú trọng.
Kết quả khảo sát 35 ngân hàng thương mại được công bố trong năm 2015 cho thấy, mô hình tổ chức bộ máy của các ngân hàng hoàn thiện hơn bởi 34/35 ngân hàng có Ủy viên Hội đồng quản trị (HĐQT) kiêm Trưởng Ban kiểm soát. Thế nhưng, vai trò của Ban kiểm soát, kiểm toán nội bộ còn mờ nhạt và đa số các ngân hàng chưa có Ủy ban kiểm toán. Điều này phần nào phản ánh hệ thống KSNB chưa được các ngân hàng chú trọng.
Không dừng lại ở đó, nhiều đại án trong ngành Ngân hàng cũng cho thấy, công tác kiểm soát, kiểm toán nội bộ của một số tổ chức tín dụng (TCTD) lộ diện những lỗ hổng, bất cập. Điều đáng nói là trong các đại án này, danh sách bị can có cả những cá nhân từng làm công tác kiểm soát hoạt động ngân hàng. Vụ án Phạm Công Danh và đồng phạm làm thất thoát gần 9 nghìn tỷ đồng của Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (VNCB) gần đây là một minh chứng. Theo đó, Nguyễn Quốc Viễn - cựu Trưởng Ban kiểm soát VNCB, là 1 trong 36 bị can bị đưa ra xét xử. Căn cứ vào Bộ luật Hình sự, Viễn cùng với 6 cá nhân khác bị truy tố về tội "cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng"và "vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các TCTD". Cụ thể,Viễn đã tham gia thực hiện lập hồ sơ khống về nâng cấp hệ thống Corebanking (hệ thống ngân hàng lõi) và thuê trụ sở tại 268 Tô Hiến Thành nhằm “rút ruột”, gây thiệt hại cho VNCB hơn 263 tỷ đồng; chưa hoàn thành trách nhiệm của một Trưởng Ban kiểm soát trong việc ủy thác 900 tỷ đồng cho Quỹ Lộc Việt. Tại phiên tòa ngày 21/7, trả lời Hội đồng xét xử, Viễn đã tỏ ra lúng túng khi không nhớ rõ trọng trách của một Trưởng Ban kiểm soát. Viễn tự nhận mình là người đi làm thuê nên Phạm Công Danh “chỉ đâu làm đó”.
Trước VNCB, nhiều vụ án khác trong ngành Ngân hàng cũng đã được đưa ra xét xử. Đáng lưu ý, tiếp tay cho những hành vi gian lận, tiêu cực trong hoạt động ngân hàng có cả các cán bộ kiểm tra, kiểm soát; điển hình là vụ án rút khống 177 sổ tiết kiệm của một nhóm nhân viên Ngân hàng TMCP Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank), vụ án siêu lừa Huỳnh Thị Huyền Như tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank)… Rõ ràng, việc thiếu trách nhiệm và vi phạm các quy định pháp luật của các cá nhân làm nhiệm vụ KSNB là một phần nguyên nhân dẫn đến những bất cập, rủi ro trong quản lý, điều hành hoạt động ngân hàng.
KSNB phải góp phần quản trị rủi ro
Từ những đại án trong ngành Ngân hàng giai đoạn 2011-2015, các chuyên gia cho rằng, vai trò của hệ thống KSNB cần phải được nhìn nhận lại. Hệ thống KSNB hiệu quả sẽ cung cấp các thông tin đáng tin cậy về Báo cáo tài chính, giám sát sự tuân thủ pháp luật, qua đó góp phần quan trọng vào việc quản lý và phòng ngừa rủi ro trong hoạt động ngân hàng. Do đó, các ngân hàng cần phải dựa vào mô hình hoạt động, chiến lược phát triển của mình để tổ chức hệ thống KSNB cho phù hợp. Hệ thống này phải tham gia vào các quy trình nghiệp vụ hằng ngày của ngân hàng, kịp thời phát hiện, xử lý các rủi ro khi cần thiết.
Để khắc phục những bất cập, phòng ngừa rủi ro trong hoạt động ngân hàng, các chuyên gia của Công ty TNHH Ernst & Young khuyến nghị: Cần đánh giá tổng thể về những rủi ro gian lận trong hoạt động của DN cũng như ngân hàng. Việc làm này được thực hiện bởi tất cả các bên có lợi ích liên quan nhằm đưa ra danh mục rủi ro, gian lận. Dựa trên danh mục đó, ngân hàng cần xây dựng chương trình kiểm soát rủi ro gian lận để phổ biến, đào tạo tới các cấp nhân viên. Đồng thời, hệ thống KSNB cần có chức năng kiểm toán để kiểm tra, giám sát việc quản lý và điều hành ngân hàng.
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của việc tái cơ cấu các TCTD giai đoạn 2015-2020 theo chỉ đạo của Chính phủ là tập trung cải thiện năng lực quản trị của ngân hàng. Do đó, để nâng cao năng lực quản trị và rút dần khoảng cách với thế giới, “cần áp dụng các vấn đề cốt lõi trong quản trị ngân hàng, trong đó tăng cường vai trò, hiệu quả của Ban kiểm soát, kiểm toán nội bộ, các ủy ban thuộc HĐQT. Các ngân hàng cần phải có Ủy ban Kiểm toán làm nhiệm vụ chỉ định và xem xét công việc của công ty kiểm toán, đồng thời giám sát kiểm toán nội bộ và tuân thủ sổ sách chứng từ kế toán” - Cố vấn cao cấp Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) Cấn Văn Lực từng đề xuất.
NGỌC MAI