Giảm lãi suất điều hành và kỳ vọng của doanh nghiệp

(BKTO) - Động thái giảm lãi suất điều hành mới đây của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) được các chuyên gia cũng như cộng đồng doanh nghiệp (DN) nhận định là quyết định kịp thời và sẽ tác động tích cực tới nền kinh tế. Đặc biệt, nhiều DN kỳ vọng lãi suất cho vay của các ngân hàng thương mại sẽ tiếp tục giảm sau đợt điều chỉnh lãi suất điều hành lần thứ tư này.

doanh-nghiep.jpg
DN mong muốn sớm tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi. Ảnh minh họa

Doanh nghiệp mong lãi suất cho vay tiếp tục giảm

Chị Quỳnh Hương - chủ một DN chuyên về thi công hạ tầng tại TP. Hồ Chí Minh - cho biết: Năm 2022, DN của chị gặp khó khăn trong việc vay vốn ngân hàng. Do room tín dụng của ngân hàng bị hạn chế nên khi gửi hồ sơ vay vốn, DN phải chờ đợi hoặc muốn được vay khoản mới thì DN phải trả khoản cũ. Nhưng hiện nay, việc vay vốn của DN chị Hương đã thuận lợi hơn, cứ gửi hồ sơ đảm bảo đầy đủ điều kiện là có thể vay vốn. Hiện tại, DN của chị Hương đang vay vốn với mức lãi suất từ 8-11%/năm tùy từng ngân hàng. “Đây vẫn là mức lãi suất cao đối với DN của chúng tôi” - chị Quỳnh Hương chia sẻ với phóng viên Báo Kiểm toán.

Cũng theo chị Hương: “Qua báo đài, tôi được biết đến việc giảm lãi suất điều hành của NHNN. Nhưng thực tế, không phải lần nào NHNN giảm lãi suất điều hành thì các ngân hàng cũng giảm lãi suất cho vay với DN. Là DN kinh doanh trong giai đoạn khó khăn, chúng tôi mong muốn sau khi NHNN giảm lãi suất điều hành lần thứ tư, các ngân hàng sẽ giảm lãi suất cho vay mạnh hơn để hỗ trợ DN”. Không chỉ trông đợi lãi suất cho vay giảm, chị Quỳnh Hương còn mong muốn các chương trình tín dụng ưu đãi nên mở rộng đối tượng, tạo điều kiện thuận lợi cho DN tiếp cận nguồn vốn ngân hàng, đặc biệt là những DN nhỏ và vừa như DN của chị.

Chia sẻ của chị Quỳnh Hương cũng là mong mỏi chung của các DN hiện nay. Theo phản ánh của nhiều DN, mặc dù các ngân hàng ít nhiều đều đã giảm lãi suất cho vay so với trước đây nhưng mức lãi suất vẫn khá cao đối với DN. “Dòng tiền đối với chúng tôi rất khó khăn. Trong khi đó, chúng tôi vẫn chưa thỏa thuận được mức lãi suất hợp lý với ngân hàng. Lãi suất vay vẫn ở mức trên 10% là quá cao trong bối cảnh hiện nay”, ông Phạm Văn Việt - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH Việt Thắng Jean, TP. Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh - chia sẻ.

Tại Họp báo thông tin kết quả hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm 2023, NHNN cho biết: Thực hiện chủ trương của Quốc hội, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về giảm lãi suất cho vay nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN và người dân, từ tháng 3-6/2023, NHNN đã 4 lần điều chỉnh các mức lãi suất điều hành với mức giảm từ 0,5-2%/năm. Tới đây, NHNN sẽ làm việc với các ngân hàng thương mại để định hướng, chỉ đạo các ngân hàng nêu cao trách nhiệm đối với nền kinh tế, tiếp tục cắt giảm chi phí, tạo điều kiện giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ DN phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh.

Lãi suất cho vay cao khiến nhiều DN không dám vay bởi hoạt động kinh doanh sẽ rất khó khăn với chi phí vốn đắt đỏ. Vì vậy, các DN kỳ vọng động thái giảm lãi suất điều hành của NHNN lần thứ tư sẽ tạo động lực kéo mặt bằng lãi suất cho vay đi xuống, từ đó, chi phí vốn vay của DN sẽ được giảm. Việc giảm lãi suất sẽ giúp các DN cùng hưởng lợi. Đồng thời, khách hàng của DN là người dân cũng được hưởng lợi do lãi vay giảm, kích thích tiêu dùng, sản xuất, kinh doanh. Đây là một quyết định rất đúng đắn và có tác động “kép” tới nền kinh tế, theo ông Trần Đức Nghĩa - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Quốc tế Delta.

Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và nền kinh tế

Không chỉ DN, các chuyên gia cũng đánh giá cao quyết định giảm lãi suất điều hành của NHNN. “Đây là động thái rất tích cực, đáp ứng được mong muốn của người dân, DN, góp phần kích cầu tăng trưởng tín dụng, đưa vốn vào nền kinh tế”, TS. Lê Duy Bình - Giám đốc điều hành Economia Vietnam - nhận định.

Còn theo TS. Cấn Văn Lực và nhóm chuyên gia Viện Đào tạo và Nghiên cứu Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam, tín dụng 5 tháng đầu năm tăng chậm so với cùng kỳ năm trước; các động lực tăng trưởng chính vẫn giảm; đơn hàng cho DN và nhiều lĩnh vực còn khó khăn. Chính vì vậy, việc giảm lãi suất là một trong những giải pháp hỗ trợ DN và người dân vượt khó, thúc đẩy tăng trưởng. Động thái chính sách này tiếp tục cho thấy thay đổi chính sách tiền tệ từ thận trọng sang linh hoạt, nới lỏng, theo đó, DN và người dân kỳ vọng lãi suất tiếp tục giảm để họ có thể quyết định đầu tư, tiêu dùng nhiều hơn, góp phần hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

TS. Nguyễn Hữu Huân - Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh - cũng cho rằng, quyết định giảm lãi suất điều hành mới đây của NHNN sẽ là “liều thuốc bổ sung” cho nền kinh tế, tạo điều kiện để người dân, DN tiếp cận lãi suất với mức chi phí rẻ hơn. Đây là hành động thể hiện sự chủ động của chính sách tiền tệ. Thời gian qua, chính sách này đã có sự năng động, tích cực bằng nhiều biện pháp hỗ trợ DN, người dân trong bối cảnh khó khăn.

Giảm lãi suất rõ ràng là việc phải làm để tháo gỡ khó khăn cho DN và nền kinh tế trong giai đoạn hiện nay. Với tốc độ giảm lãi suất điều hành như thời gian qua, PGS,TS. Đinh Trọng Thịnh - Học viện Tài chính - lạc quan khi dự báo, có thể đến hết quý III/2023, lãi suất sẽ giảm về mức cuối năm 2019, hỗ trợ tích cực cho nền kinh tế phục hồi sau dịch.

Nhận định dòng vốn ngân hàng vẫn là chủ đạo trong kế hoạch tài chính, mở rộng sản xuất kinh doanh của các DN, TS. Châu Đình Linh - Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh - kỳ vọng, khi lãi suất cho vay giảm, đòn bẩy tài chính của DN sẽ được điều chỉnh theo hướng tích cực hơn. Điều này có ý nghĩa rất lớn trong bối cảnh các DN đang tích cực chuẩn bị cho mùa kinh doanh cao điểm nửa cuối năm./.

Cùng chuyên mục
Giảm lãi suất điều hành và kỳ vọng của doanh nghiệp