Giảm tai nạn lao động: Cần quyết liệt xử lý những trường hợp vi phạm

THÀNH ĐỨC - MINH LONG | 29/04/2023 09:08

(BKTO) - 3 tháng đầu năm nay, số vụ tai nạn lao động (TNLĐ) đã giảm song con số giảm này vẫn chưa được như kỳ vọng. Một trong các giải pháp để tiếp tục giảm TNLĐ là các ngành chức năng cũng như địa phương cần quyết liệt xử lý những trường hợp cố tình không tuân thủ các quy trình về an toàn vệ sinh lao động.

noi-dung-an-toan-lao-dong.jpeg
Để giảm TNLĐ, các doanh nghiệp cần xây dựng quy trình lao động, biện pháp an toàn phù hợp với đặc thù của công ty mình. Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Nỗi ám ảnh vì tai nạn lao động

Từ một người là trụ cột chính trong gia đình, sau vụ TNLĐ, anh Nguyễn Văn Thiện (Cần Thơ) bị mất sức lao động, mọi gánh nặng chi phí đều đè lên đôi vai của người vợ.

“Trước đây, tôi đi làm công nhân, chăm chỉ làm thêm giờ mỗi tháng cũng kiếm được 7 đến 10 triệu đồng. Nhưng sau khi bị TNLĐ, tôi chỉ có thể loanh quanh phụ giúp việc nhà. Bị mất sức lao động, hằng tháng, tôi được trợ cấp 800.000 đồng. Số tiền này không đủ trả tiền thuê nhà, mọi gánh nặng đều đổ dồn lên vai vợ. Nghĩ cực lắm nhưng giờ cũng chỉ biết chấp nhận”- anh Thiện chia sẻ.

Không được may mắn như anh Thiện, anh N.C.Q, công nhân Công ty Cổ phần Cơ khí Phổ Yên, Thái Nguyên trong lúc làm việc vì không thực hiện đúng quy trình an toàn lao động đã tự gây ra TNLĐ cho bản thân dẫn đến tử vong.

Thống kê từ Bộ LĐTBXH cho biết, trong năm 2022, toàn quốc đã xảy ra 7.718 vụ TNLĐ, tăng 1.214 vụ, tương ứng 18,66% so năm 2021. Số người bị nạn do TNLĐ là 7.923 người, tăng 1.265 người, tương ứng với 18,99% so với năm 2021.

Những địa phương có số người chết vì TNLĐ nhiều nhất trong năm 2022 (gồm cả khu vực có quan hệ lao động và khu vực người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động) là TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bình Dương, Quảng Ninh, Đồng Nai.

Theo số liệu báo cáo sơ bộ của các địa phương, thiệt hại về vật chất do TNLĐ xảy ra năm 2022 gồm: Chi phí tiền thuốc, mai táng, tiền bồi thường cho gia đình người chết và những người bị thương... là trên 14.117 tỷ đồng (tăng khoảng 10.163 tỷ đồng so với năm 2021). Thiệt hại về tài sản trên 268 tỷ đồng (tăng khoảng 250 tỷ đồng so với năm 2021); tổng số ngày nghỉ do TNLĐ là trên 143.468 ngày (tăng khoảng 27.091 ngày so với năm 2021).

“Việc tăng cường các biện pháp giảm thiểu rủi ro về an toàn vệ sinh lao động đã và đang được các cấp Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp quan tâm thực hiện. Kết quả bước đầu cho thấy, trong 3 tháng đầu năm 2023, số vụ TNLĐ đã giảm. Đồng thời, số vụ TNLĐ gây chết người giảm. Tuy nhiên, con số này vẫn chưa được như kỳ vọng” - Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Lê Văn Thanh nhấn mạnh.

Tăng cường thanh tra, nâng cao trách nhiệm của doanh nghiệp

Thực tế cho thấy, sở dĩ số vụ TNLĐ vẫn có chiều hướng gia tăng do nhiều người sử dụng lao động chưa chú ý thực hiện quy định của pháp luật về quản lý, kiểm soát nguy cơ, rủi ro. Nhiều người lao động chưa được huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động, thiếu kiến thức, kỹ năng làm việc an toàn đầy đủ và tác phong công nghiệp còn rất hạn chế, chủ quan.

Trong khi đó, chính quyền cơ sở ở một số nơi cũng chưa thực sự quan tâm, dành nguồn lực cho công tác an toàn, vệ sinh lao động.

Để giảm thiểu tình trạng TNLĐ, Bộ LĐTBXH cho biết, trong thời gian tới, Bộ sẽ đề nghị các Bộ, ngành chỉ đạo các doanh nghiệp thuộc ngành và lĩnh vực quản lý chủ động kiểm tra công tác an toàn, vệ sinh lao động; phối hợp với Bộ LĐTBXH thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực có nhiều nguy cơ xảy ra TNLĐ, sự cố nghiêm trọng như: Xây dựng, sản xuất vật liệu xây dựng, dệt may, da giày, khai thác mỏ, khoáng sản, đặc biệt là các công trình xây dựng trọng điểm, tiếp giáp với khu dân cư, đông người qua lại, thiết bị nâng, thang máy…

Ngoài ra, theo các chuyên gia, để giảm thiểu TNLĐ, ngành chức năng cũng như địa phương cần quyết liệt xử lý với những doanh nghiệp, người lao động cố tình không tuân thủ các quy trình về an toàn vệ sinh lao động. Bởi thực tế ở nhiều địa phương, khi thanh tra, kiểm tra, cơ quan chức năng đã phát hiện nhiều doanh nghiệp không tuân thủ các quy định về an toàn vệ sinh lao động.

Theo ông Hà Tất Thắng - Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh lao động, Bộ LĐTBXH, quy định khung pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động chung cho tất cả đã có đầy đủ. Tuy nhiên, mỗi doanh nghiệp lại có hoạt động sản xuất, đặc thù khác nhau để căn cứ vào đó xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn sao cho phù hợp.

Ông Hà Tất Thắng nêu ví dụ, một doanh nghiệp đặc thù trong ngành xây dựng thường phải chú ý đến an toàn trong làm việc trên cao, làm việc trên giàn giáo, làm việc với thiết bị thi công xây dựng… Hay đơn vị làm việc trong hầm mỏ, hầm lò thì quy trình, biện pháp an toàn lao động phải xây dựng dựa trên đặc thù của làm việc trong môi trường thiếu khí và nhiều yếu tố vùng nước, cháy nổ khí mỏ…

“Chúng tôi khuyến khích xây dựng những quy trình, biện pháp an toàn phù hợp với đặc thù của từng doanh nghiệp, từng ngành nghề. Bên cạnh đó, chú ý cải thiện điều kiện lao động, giảm căng thẳng tại nơi làm việc” - ông Hà Tất Thắng nhấn mạnh./.

Cùng chuyên mục
Giảm tai nạn lao động: Cần quyết liệt xử lý những trường hợp vi phạm