Giảm thuế Giá trị gia tăng phù hợp với cân đối ngân sách

(BKTO) - Thời hạn giảm thuế Giá trị gia tăng phù hợp với cân đối ngân sách và mục tiêu chính sách nhằm kích cầu tiêu dùng và giải quyết khó khăn tức thời trong giai đoạn hiện nay - Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết.

hoa.jpg
Đại biểu Mai Thị Phương Hoa phát biểu thảo luận. Ảnh: VPQH

Chiều 01/6, thảo luận tại hội trường về việc tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế Giá trị gia tăng (GTGT) 2% theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội, nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị cân nhắc kéo dài thời gian thực hiện chính sách này để hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn hiện nay.

Đại biểu Trần Chí Cường (Đoàn TP. Đà Nẵng) tán thành cao việc tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế GTGT theo Nghị quyết 43 của Quốc hội

Tuy nhiên, theo đại biểu, việc triển khai thực hiện chính sách từ ngày 01/7/2023 đến hết ngày 31/12/2023 là quá ngắn, khó đạt được hiệu quả như mong đợi. Đại biểu đề nghị cân nhắc cần kéo dài thời gian thực hiện chính sách này cho đến hết năm 2024.

“Chính sách ban hành cần có một khoảng thời gian đủ để bảo đảm có thể hấp thụ, đưa chính sách đi vào cuộc sống, để các địa phương có thể chủ động tính toán, cân đối việc giảm nguồn thu, giảm chi hoặc ngược lại, đảm bảo cho việc lập dự toán, cân đối thu, chi năm sau; bảo đảm sự ổn định, chủ động trong việc thực hiện đủ thời gian, chính sách phát huy hiệu quả tốt nhất” - đại biểu Trần Chí Cường phát biểu.

Ngoài chính sách giảm thuế GTGT, đại biểu cũng cho rằng cần có các chính sách khác để hỗ trợ cho doanh nghiệp, nhằm tạo ra những chính sách đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, hiệu quả và toàn diện hơn, không chỉ hoạt động dịch vụ tiêu dùng mà ngay cả hoạt động sản xuất, kinh doanh; nhất là tháo gỡ những khó khăn từ chi phí đầu vào trong sản xuất, tìm kiếm, mở rộng thị trường, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn, thúc đẩy phát triển nền kinh tế.

Đồng quan điểm, đại biểu Mai Thị Phương Hoa (Đoàn Nam Định) cho rằng, phương án của Chính phủ là thực hiện chính sách giảm thuế GTGT đến hết 31/12/2023 là quá ngắn.

“Khó khăn, thách thức thời gian tới là khá lớn, để sự hỗ trợ này có hiệu quả hơn, đủ thời gian để chính sách phát huy trong thực tế, cần kéo dài chính sách đến hết năm 2025 hoặc ít nhất đến năm 2024” - đại biểu đề xuất.

Đại biểu cũng đề nghị cần kịp thời hướng dẫn hồ sơ xem xét xin hoàn thuế GTGT một cách nhanh chóng, hiệu quả cho người dân và doanh nghiệp. Ngoài ra, cần nghiên cứu các chính sách vượt tiền lệ như giảm lãi suất cho vay xuống dưới 9%, thay đổi các điều kiện cho vay thông thoáng, khả thi và hợp lý để hỗ trợ cho cộng đồng doanh nghiệp.

Cùng quan tâm đến nội dung này, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Hải Dương) đề nghị, rà soát, cân nhắc mở rộng phạm vi đối tượng được giảm thuế GTGT.

Theo đó, đại biểu đề xuất áp dụng mức thuế xuất 8% đối với mặt hàng ô tô, bao gồm cả dòng xe dưới 24 chỗ để thúc đẩy lĩnh vực sản xuất và kinh doanh ô tô trong nước, từ đó đảm bảo nguồn thu ngân sách từ lĩnh vực này.

Theo đại biểu, việc áp dụng thuế VAT 8% mặc dù gây hụt thu ngân sách 2% so với hiện hành nhưng ô tô là mặt hàng chịu thuế cao, nếu kích cầu từ việc này thì tổng mức thuế thu được từ chiếc xe sẽ vượt mức 2% giảm thuế GTGT.

Việc giảm thuế, phí trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh ô tô cho thấy sự tác động tích cực và mạnh mẽ của các chính sách ưu đãi đến việc kích cầu và phát triển ngành này; giúp doanh nghiệp ô tô tháo gỡ khó khăn, ổn định sản xuất, kinh doanh, đảm bảo công ăn việc làm cho người lao động, góp phần tạo đà tăng trưởng cho ngành công nghiệp ô tô, qua đó tiếp tục đóng góp trở lại cho ngân sách nhà nước.

Giải trình vấn đề này tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, phương án giảm thuế GTGT đã được Ủy ban Tài chính - Ngân sách thẩm tra và được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trước khi trình Quốc hội tại kỳ họp này.

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nêu rõ, Bộ Tài chính đề xuất giảm thuế GTGT trong thời gian 6 tháng cuối năm 2023 là bởi Nghị quyết 43 chỉ có hiệu lực đến hết năm nay. Đồng thời, phương án này cũng phù hợp với cân đối ngân sách và mục tiêu chính sách nhằm kích cầu tiêu dùng và giải quyết khó khăn một cách tức thời trong giai đoạn hiện nay.

Liên quan đến đề xuất đưa ô tô vào diện được giảm thuế 2% thuế GTGT, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, ô tô là đối tượng chịu thuế Tiêu thụ đặc biệt, không thuộc phạm vi của Nghị quyết 43, do chính sách này tập trung giảm thuế cho những lĩnh vực thiết yếu.

Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng nhấn mạnh, vấn đề là phải tìm giải pháp để tăng cường năng lực của doanh nghiệp và của nền kinh tế; tạo điều kiện cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh có hiệu quả bằng việc tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn tạo ra một thị trường tốt hơn sẽ có tác dụng lớn hơn việc giảm thuế.

Cùng chuyên mục
Giảm thuế Giá trị gia tăng phù hợp với cân đối ngân sách