Giảm thuế, hạ lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó

(BKTO) - Đây là ý kiến của nhiều đại biểu Quốc hội, tại phiên thảo luận ở Tổ sáng 25/5 về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2022; tình hình thực hiện những tháng đầu năm 2023.

250520231233-cqh_7416.jpg
Đại biểu Quốc hội Phan Đức Hiếu đề nghị Chính phủ tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho DN. Ảnh: VPQH

Thúc đẩy sản xuất, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh

Phát biểu thảo luận tại Tổ sáng 25/5, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Đoàn TP. Hà Nội) nhấn mạnh, đối phó với đại dịch Covid-19, trong thời gian qua, nhiều DN đã rất khó khăn để duy trì sản xuất, tạo công ăn việc làm cho người lao động. Dự báo, tình hình này còn tiếp diễn trong thời gian tới.

Tuy nhiên, hiện nay, lãi suất cho vay ở các ngân hàng thương mại còn cao nên DN còn gặp khó khi tiếp cận nguồn vốn để phục hồi sản xuất kinh doanh. Đại biểu đề nghị, Chính phủ cần có các giải pháp tiếp tục hỗ trợ cho DN vượt qua khó khăn để duy trì sản xuất, thúc đẩy hoạt động kinh doanh bằng cách giảm lãi suất cho vay.

Làm rõ hơn vấn đề này, đại biểu Nguyễn Thành Trung (Đoàn Yên Bái) chỉ ra thực tế, khả năng hấp thụ vốn của DN thấp. Trong 4 tháng đầu năm, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 2,75% thấp hơn nhiều con số 6,75% cùng kỳ năm 2022.

Vấn đề tiếp cận vốn tín dụng của DN cũng gặp nhiều khó khăn do lãi suất cao. Mặt bằng lãi suất cho vay tăng mạnh trong năm 2022 và vẫn duy trì ở mức cao trong quý I/2023 khiến DN không muốn vay hoặc DN gặp khó về đơn hàng đầu ra nên không vay.

Trong khi đó, đại biểu Phan Đức Hiếu (Đoàn Thái Bình) cho biết, theo báo cáo năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), qua khảo sát về DN trong năm 2022 cho thấy những con số đáng suy ngẫm. Số DN báo lãi giảm so với năm 2021, DN báo lỗ tăng lên, mức độ lạc quan của DN không được cải thiện.

Trong đó, tìm kiếm khách hàng và tiếp cận nguồn vốn là hai khó khăn lớn nhất mà DN đang gặp phải. Bên cạnh đó là những khó khăn về tuyển dụng nhân sự, thủ tục hành chính, biến động của chính sách, pháp luật, khó khăn về môi trường kinh doanh…

Vì vậy, theo đại biểu, từ nay đến cuối năm 2023, Chính phủ cần tập trung cải thiện môi trường kinh doanh, đặc biệt cần sự quyết liệt, quyết tâm mạnh mẽ hơn. Cùng với việc cải thiện môi trường kinh doanh, không nên ban hành thêm quy định làm gia tăng thêm chi phí hoặc rào cản cho sản xuất kinh doanh, nếu cần thiết ban hành quy định mới cần tính đến cơ chế hỗ trợ cho DN.

Đề xuất kéo dài thời gian giảm thuế giá trị gia tăng

Tại phiên thảo luận, nhiều đại biểu Quốc hội cũng bày tỏ quan điểm ủng hộ đề xuất của Bộ Tài chính về giảm thuế Giá trị gia tăng (GTGT) đối với tất cả các hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng áp dụng thuế suất 10% (còn 8%). Đây cũng là giải pháp để hỗ trợ DN phục hồi và phát triển kinh doanh tốt hơn.

250520231207-cqh00994.jpg
Đại biểu Hoàng Văn Cường đề xuất nên kéo dài thời gian thực hiện chính sách giảm thuế GTGT

Theo đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn TP. Hà Nội), trong năm 2022, thu NSNN tăng 12,5%, đáp ứng kịp thời, đầy đủ các nhiệm vụ chi đầu tư phát triển, thực hiện chính sách an sinh xã hội, cải cách tiền lương và các nhiệm vụ cấp thiết khác. Vì vậy, việc giảm thuế GTGT để kích thích tiêu dùng, hỗ trợ DN là cần thiết để góp phần tăng trưởng kinh tế.

“Thời gian hỗ trợ giảm thuế không nên chỉ 6 tháng cuối năm 2023 mà nên kéo dài sang năm 2024 theo chiều hướng cân đối ngân sách, đánh giá hiệu quả chính sách” - đại biểu Cường đề xuất.

Đại biểu Nguyễn Thành Trung phân tích, thuế GTGT là loại thuế gián thu, người tiêu dùng là đối tượng được hưởng lợi từ việc giảm thuế.

Việc giảm thuế GTGT góp phần giảm giá thành hàng hóa, dịch vụ, kích cầu tiêu dùng, từ đó thúc đẩy sản xuất kinh doanh và tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động, qua đó cũng góp phần tạo thêm nguồn thu cho NSNN.

Thực tế đã chứng minh khi thực hiện giảm thuế GTGT theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 đã gián tiếp kích cầu tiêu dùng nội địa tăng cao. Thu NSNN năm 2022 vẫn đảm bảo và vượt thu lớn, tăng hơn 400 nghìn tỷ đồng so với dự toán và hơn 200 nghìn tỷ đồng so với số đã báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4 - đại biểu dẫn chứng.

Vì vậy, đại biểu đề nghị mở rộng phạm vi đối tượng được giảm thuế GTGT theo hướng giảm 2% đối với tất cả các nhóm hàng hoá đang áp dụng mức thuế suất 10% theo quy định của Luật thuế GTGT.

Cùng với chính sách giảm thuế GTGT, cần có các giải pháp, chính sách hỗ trợ các DN gặp khó khăn về dòng tiền, tiếp cận vốn thông qua chính sách tiền tệ như hạ lãi suất cho vay và đẩy mạnh hoạt động cho vay, giãn nợ ngân hàng.

Bên cạnh đó là các giải pháp kết hợp để giảm gánh nặng thanh toán như cắt giảm chi phí kinh doanh (giảm tiền thuê mặt bằng, tiền thuê đất, phí dịch vụ), gia hạn thời hạn nộp thuế.

Cũng trong Phiên thảo luận tại Tổ, các đại biểu Quốc hội đã đóng góp ý kiến về: Công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022; Phê chuẩn quyết toán NSNN năm 2021; Việc điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Hồ chứa nước Ka Pét; Quyết định chủ trương đầu tư Dự án đường giao thông từ Quốc lộ 27C đến đường tỉnh ĐT.656 tỉnh Khánh Hòa - kết nối với Lâm Đồng và Ninh Thuận; Việc giao danh mục và mức vốn cho các nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; giao, điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 và phân bổ kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2023 của chương trình mục tiêu quốc gia; Chủ trương đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho Ngân hàng Agribank.

Cùng chuyên mục
  • Bộ Công Thương đã duyệt giá tạm của 24 dự án điện chuyển tiếp
    một năm trước Kinh tế
    Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam, tính đến ngày 24/5, có 37/85 dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp gửi hồ sơ cho Công ty Mua bán điện (EPTC) thuộc EVN để phục vụ việc đàm phán hợp đồng mua bán điện và giá điện.
  • Khai mạc Diễn đàn và Hội chợ hàng Việt Nam xuất khẩu
    một năm trước Kinh tế
    (BKTO) - Ngày 25/5 tại TP. Hồ Chí Minh, Diễn đàn và Hội chợ hàng Việt Nam xuất khẩu năm 2023 (HCM City Export 2023) do Ủy ban nhân dân (UBND) TP. Hồ Chí Minh chủ trì phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức đã chính thức khai mạc. Sự kiện thu hút 250 gian hàng tham gia cùng 2.000 khách trong và ngoài nước tham dự.
  • Tháo gỡ các nút thắt đã được nhận diện
    một năm trước Kinh tế
    (BKTO) - “Để hoàn thành chỉ tiêu theo kế hoạch thì các Quý còn lại của năm 2023 phải tăng trưởng bình quân 7,5-8%. Đây là thách thức rất lớn trong điều hành, do vậy, Chính phủ cần phải có các giải pháp mạnh mẽ, tháo gỡ các nút thắt hiện nay đã được nhận diện” - đại biểu Quốc hội Nguyễn Minh Sơn - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội phát biểu tại phiên thảo luận tại tổ sáng 25/5.
  • Fitch cảnh báo hạ bậc xếp hạng tín nhiệm của Mỹ do rủi ro vỡ nợ
    một năm trước Kinh tế
    (BKTO) - Ngày 24/5, hãng xếp hạng tín nhiệm Fitch đã đưa Mỹ vào diện cần giám sát về nguy cơ bị hạ bậc xếp hạng tín nhiệm do rủi ro vỡ nợ trong bối cảnh chính phủ nước này vẫn đang bế tắc trong giải quyết vấn đề trần nợ công.
  • Nam Định: Phát động Tháng hành động vì trẻ em năm 2023
    một năm trước Địa phương
    (BKTO) - Ngày 25/5, Ủy ban nhân dân tỉnh Nam Định đã tổ chức Lễ phát động Tháng hành động vì trẻ em năm 2023 với chủ đề “Chung tay giảm thiểu tổn hại trẻ em”.
Giảm thuế, hạ lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó