Việc xây dựng đội ngũ luật sư có đủ khả năng giải quyết TCTMQT đang được triển khai và đạt những kết quả nhất định.Ảnh: T.S
Theo thống kê của Liên đoàn Luật sư Việt Nam, từ khi được thành lập (tháng 5/2009) đến nay, các luật sư đã tham gia bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, cung cấp dịch vụ pháp lý cho các cá nhân, tổ chức trong 77.129 vụ án hình sự, 65.263 vụ án dân sự, 5.486 vụ án kinh tế và hàng nghìn vụ án khác. Số lượng luật sư cả nước đã tăng từ hơn 5.300 người (tháng 5/2009) lên 9.436 người (tính đến ngày 31/3/2015) cùng với hơn 3.500 người tập sự hành nghề luật sư. Theo GS.TS Lê Hồng Hạnh - Viện trưởng Viện Pháp luật và kinh tế ASEAN, nước ta với trên 90 triệu dân mà chỉ có hơn 9.400 luật sư hành nghề là quá ít - bình quân 1 luật sư phải phục vụ 11.000 dân; trong khi tỷ lệ này tại Singapore là 1/1.000, Thái Lan là 1/1.526... Chưa kể, chất lượng hoạt động của luật sư còn nhiều hạn chế.
Thực tế, trong hoạt động tư vấn pháp luật, chủ yếu các luật sư tư vấn về dân sự, đất đai, còn số lượng luật sư chuyên sâu trong các lĩnh vực đầu tư, kinh doanh, thương mại (sở hữu trí tuệ, tài chính ngân hàng, hàng không, bảo hiểm…) rất ít, chiếm tỷ lệ trên dưới 1%. Đặc biệt, số lượng luật sư hiểu biết về pháp luật quốc tế đủ khả năng tham gia giải quyết các TCTMQT còn thấp hơn nữa; chỉ có khoảng trên 10 tổ chức hành nghề luật sư chuyên sâu về đầu tư, kinh doanh và thương mại có yếu tố nước ngoài.
Sau khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), đặc biệt là trong xu hướng hội nhập kinh tế sâu rộng hiện nay, làn sóng thương mại và đầu tư nước ngoài vào nước ta tăng lên cùng với tính chất phức tạp của các vụ TCTMQT. Bên cạnh những cơ hội mới được mở ra, nền kinh tế nước ta cũng phải đối mặt với không ít những khó khăn, thách thức, trong đó có vấn đề pháp lý. Thực tiễn vừa qua, đã có không ít các trường hợp tổ chức, DN trong nước vướng vào các vụ TCTMQT. Tuy nhiên, số luật sư am hiểu luật pháp quốc tế hoặc có kinh nghiệm hành nghề để tham gia đàm phán, giải quyết TCTMQT hiện được cho là không đáp ứng yêu cầu. Nhiều vụ việc tranh chấp đã xảy ra như: sự cố tàu Cần Giờ (thuộc Công ty liên doanh Vận tải thủy Sea Sài Gòn) bị Tòa án Tanzania bắt giữ năm 2004, Tổng công ty Hàng không Việt Nam thua kiện tại Italy năm 2006... là hậu quả của tình trạng ngại trang bị kiến thức pháp luật quốc tế thông qua luật sư trong giới DN cũng như thể hiện sự yếu và thiếu của đội ngũ luật sư trong nước.
Nắm vững luật để tự tin “ra biển lớn”
Vừa qua, thông tin Việt Nam thắng liên tiếp 2 vụ kiện đầu tư quốc tế (vụ một công dân Mỹ khởi kiện Chính phủ Việt Nam ra Trọng tài quốc tế về Dự án xây dựng Khu du lịch nghỉ dưỡng South Fork tại tỉnh Bình Thuận năm 2013 và vụ nhà đầu tư Pháp DialAsie kiện Chính phủ Việt Nam trong Dự án Bệnh viện quốc tế Thận và lọc thận tại TP.Hồ Chí Minh năm 2014) đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của giới luật sư trong nước và quốc tế. Bởi lẽ, sau rất nhiều vụ việc TCTMQT mà Việt Nam bị xử thua, việc giải quyết thành công 2 vụ kiện trên đã mở ra hy vọng mới cho việc giải quyết các vụ việc TCTMQT sau này, cũng như tiếp tục đặt ra yêu cầu cấp thiết phải hình thành đội ngũ luật sư am hiểu luật pháp quốc tế.
Còn nhớ năm 2008, Bộ Tư pháp triển khai Đề án “Đào tạo cấp tốc luật sư và chuyên gia pháp luật phục vụ yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế giai đoạn 2008-2010”. Sau khi đào tạo, các luật sư và chuyên gia này sẽ được sử dụng và tư vấn trong những dự án lớn của Chính phủ. Đây cũng được xác định là nòng cốt để từng bước hình thành và phát triển đội ngũ luật sư, chuyên gia pháp luật đạt tiêu chuẩn quốc tế của Việt Nam. Tuy nhiên, Đề án đã không đạt được hiệu quả như mong muốn. Đến nay, vấn đề đào tạo đội ngũ luật sư chất lượng cao vẫn đang là thách thức lớn…
Nêu giải pháp tháo gỡ, GS.TS Lê Hồng Hạnh đề xuất, thay vì lập ra những chương trình, đề án thiếu tính khả thi như vừa qua, Bộ Tư pháp nên thu hút nguồn học viên tốt nghiệp ở nước ngoài về nước. Trên cơ sở đó mới tổ chức đào tạo ngắn hạn nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng của luật sư cho phù hợp với tình hình hội nhập quốc tế.
Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 đã xác định vai trò quan trọng của đội ngũ luật sư cũng như yêu cầu nâng cao chất lượng hành nghề luật sư, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp…Hiện nay, Đề án “Phát triển đội ngũ luật sư phục vụ hội nhập kinh tế quốc tế từ năm 2010 - 2020” với mục tiêu xây dựng các tổ chức hành nghề luật sư chuyên sâu trong lĩnh vực đầu tư, kinh doanh, thương mại có yếu tố nước ngoài; xây dựng đội ngũ luật sư có đủ khả năng tư vấn các vấn đề liên quan đến hội nhập kinh tế quốc tế đang được triển khai và đạt những kết quả nhất định.
Việt Nam đã và đang tham gia một cách tích cực vào tiến trình hội nhập quốc tế thông qua việc ký kết các hiệp định đối tác kinh tế với các nước. Riêng hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) vẫn trong tiến trình đàm phán và dự kiến sẽ được ký kết trong năm 2015. Cùng với những cơ hội được mở ra, nền kinh tế trong nước cũng phải đối diện với không ít thách thức, nhất là các vụ việc TCTMQT. Do đó, thực tiễn đòi hỏi phải phát triển đội ngũ luật sư cả về số lượng và chất lượng mới có thể đáp ứng được yêu cầu về cải cách tư pháp và hội nhập kinh tế quốc tế.
NGUYỄN LỘC