Bảo đảm thuận lợi cho hoạt động đấu thầu và hiệu quả quản lý nhà nước

(BKTO) - Sáng 24/5, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về Dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi). Việc có nên mở rộng phạm vi áp dụng của Luật đối với công ty con của doanh nghiệp nhà nước (DNNN) tiếp tục là nội dung được các đại biểu thảo luận, tranh luận sôi nổi với những quan điểm trái chiều.

manh-1.jpg
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý
Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi). Ảnh: VPQH

Hai phương án lựa chọn

Liên quan đến nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh cho biết, tại Dự thảo Luật trình Quốc hội, Chính phủ đã đề xuất chỉ áp dụng Luật Đấu thầu đối với hoạt động lựa chọn nhà thầu của DNNN thuộc đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 88 Luật Doanh nghiệp, đồng thời bãi bỏ điểm c khoản 1 Điều 1 Luật Đấu thầu hiện hành để không áp dụng Luật này đối với hoạt động lựa chọn nhà thầu thuộc các dự án có sử dụng vốn nhà nước, vốn của DNNN từ 30% trở lên hoặc dưới 30% nhưng trên 500 tỷ đồng trong tổng mức đầu tư của dự án.

Tuy nhiên, vấn đề này còn những ý kiến khác nhau. Ý kiến thứ nhất, nhất trí việc bãi bỏ quy định áp dụng Luật Đấu thầu đối với các dự án đầu tư có sử dụng vốn nhà nước, vốn của DNNN. Chính phủ đề nghị giữ phương án này.

Ý kiến thứ hai cho rằng, nếu quy định như Dự thảo, Chính phủ trình sẽ thu hẹp đáng kể đối tượng dự án sử dụng vốn nhà nước phải đấu thầu, tạo “khoảng trống” pháp luật trong quản lý vốn nhà nước, dẫn tới toàn bộ các dự án đầu tư của công ty con của các tập đoàn, tổng công ty, DNNN khác… sẽ không phải đấu thầu theo quy định của luật này.

Nhóm ý kiến này đề nghị quy định đối tượng áp dụng đối với dự án đầu tư của DNNN và doanh nghiệp có trên 50% vốn thuộc sở hữu của DNNN, nhằm quản lý chặt chẽ nguồn vốn đầu tư của Nhà nước vào DNNN và nguồn vốn của DNNN đầu tư, góp vốn vào các doanh nghiệp khác.

Ngoài ra, một số ý kiến đề nghị tương tự như loại ý kiến thứ hai, nhưng chỉ bổ sung đối tượng là doanh nghiệp có vốn của doanh nghiệp nhà nước 100% vốn điều lệ.

“Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị các đại biểu Quốc hội cho ý kiến cụ thể lựa chọn hai phương án nêu trên” - ông Lê Quang Mạnh nói.

Còn những ý kiến trái chiều

Thảo luận tại phiên họp, đại biểu Lê Thị Song An (Đoàn Long An) đồng tình với phương án 2, tức là mở rộng phạm vi điều chỉnh tới các công ty con của DNNN. Theo đại biểu, phương án này vừa đảm bảo tính khả thi, tính pháp lý, vừa tránh việc lạm dụng các cơ chế khác để né tránh các quy định của Luật Đấu thầu, bảo toàn các nguồn vốn đầu tư của Nhà nước.

an.jpg
Đại biểu Quốc hội Lê Thị Song An phát biểu thảo luận. Ảnh: VPQH

Mặc dù phương án này sẽ đưa rất nhiều đối tượng chịu sự điều chỉnh của Luật, nhưng sẽ giúp cho quá trình lựa chọn nhà thầu công khai, minh bạch hơn, góp phần nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động đấu thầu, lựa chọn nhà thầu và quản lý sử dụng vốn tài sản nhà nước; phòng, chống hiệu quả gian lận, tiêu cực, tham nhũng trong lĩnh vực đấu thầu.

Đồng quan điểm, đại biểu Đỗ Thị Việt Hà (Đoàn Bắc Giang) cho rằng, trong thực tế, có nhiều DNNN đã sử dụng vốn của mình để thành lập các công ty con để phục vụ cho mục đích sản xuất, kinh doanh. Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nêu, qua khảo sát của Ủy ban Tài chính - Ngân sách đối với 13 tập đoàn, tổng công ty cho thấy, số dự án thực hiện đấu thầu ở công ty mẹ chỉ chiếm 17%, còn lại 83% được thực hiện ở các công ty con…

“Với quan điểm, ở nơi đâu có sử dụng vốn, tiền ngân sách nhà nước thì ở đó phải có cơ chế phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Do vậy, với những doanh nghiệp mà ở đó có quyền chi phối thuộc về DNNN thì vẫn phải áp dụng cơ chế đấu thầu như dự án sử dụng vốn nhà nước để đảm bảo tính công khai, minh bạch, phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực. Đồng thời, sẽ quản lý được chặt chẽ nguồn vốn đầu tư của DNNN và nguồn vốn của DNNN đầu tư, góp vốn vào các doanh nghiệp khác…” - đại biểu phân tích.

Cũng theo đại biểu Hà, những quy định về đấu thầu hiện nay rất rõ ràng, minh bạch; quy trình, thủ tục hành chính đã thông thoáng, dễ thực hiện, thời gian tổ chức đấu thầu đã được giảm nên việc áp dụng Luật Đấu thầu để thực hiện các gói thầu không mất nhiều thời gian, thuận lợi cho quá trình thực hiện đấu thầu. Do đó, sẽ không làm giảm khả năng linh hoạt hay bỏ lỡ cơ hội kinh doanh, khả năng chớp thời cơ của DNNN.

Trong khi đó, đại biểu Phan Đức Hiếu (Đoàn Thái Bình) đề nghị không mở rộng phạm vi áp dụng Luật Đấu thầu đối với công ty con của DNNN.

Theo đại biểu, nếu mở rộng phạm vi áp dụng đối với các DN này đồng nghĩa với việc mở rộng thêm 4 nhóm đối tượng áp dụng Luật Đấu thầu, đây là phạm vi rất rộng. “Luật Đấu thầu không phải là công cụ duy nhất quản lý DNNN, bên cạnh đó còn có các cơ chế giám sát khác, do đó không nên mở rộng phạm vi áp dụng Luật Đấu thầu đối với công ty con của DNNN” - đại biểu Hiếu nói.

Cùng quan điểm, tranh luận tại phiên họp, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (Đoàn TP. Hồ Chí Minh) đề nghị: “Để cho các doanh nghiệp hoạt động theo quy định của pháp luật. Ai tham nhũng, tiêu cực thì có cơ quan thanh tra, kiểm tra, điều tra... điều tra bằng các công cụ, phương tiện khác, chứ không thể dùng Luật Đấu thầu để khắc phục được tất cả các tiêu cực, tham nhũng”.

Đại biểu Tạ Văn Hạ (Đoàn Quảng Nam) cho rằng cần khuyến khích việc tham gia các hoạt động đấu thầu song không có nghĩa là các hình thức lựa chọn nhà cung cấp khác là không ưu việt. Do đó, cần quy định để đảm bảo không thất thoát tiền của Nhà nước, công khai, minh bạch nhưng cũng đảm bảo quyền định đoạt tài sản, tính linh hoạt, chủ động trong thực hiện và khuyến khích xã hội hóa.

dung.jpg
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng giải trình các vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. Ảnh: VPQH

Phát biểu giải trình nội dung này, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định, phương án do Chính phủ trình không làm thu hẹp phạm vi áp dụng của Luật và vẫn đảm bảo quản lý chặt chẽ việc sử dụng vốn nhà nước.

Viện dẫn quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2020, đối tượng doanh nghiệp được xác định là DNNN đã được mở rộng, không chỉ bao gồm doanh nghiệp 100% vốn nhà nước mà còn có cả doanh nghiệp trong đó Nhà nước nắm giữ từ 50% vốn điều lệ trở lên, Bộ trưởng nhấn mạnh: Dự thảo Luật đã quy định tất cả các hoạt động lựa chọn nhà thầu mà có sử dụng vốn ngân sách nhà nước thì đều thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật này, tức là khi đã sử dụng vốn nhà nước thì DNNN hay không phải DNNN đều phải thực hiện đấu thầu theo quy định của Luật.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng khẳng định, phương án Chính phủ trình đã phù hợp với các quan điểm của Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, vừa bảo đảm thông thoáng, thuận lợi cho hoạt động đấu thầu của DNNN, và đảm bảo hiệu quả quản lý nhà nước tại các doanh nghiệp này.

Cùng chuyên mục
  • Đề xuất tăng hơn 288 tỷ đồng đầu tư Dự án Hồ chứa nước Ka Pét
    11 tháng trước Đầu tư
    (BKTO) - Tổng mức đầu tư sau điều chỉnh là 874,089 tỷ đồng (tăng 288,442 tỷ đồng so với tổng mức đầu tư ban đầu được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 93/2019/QH14.
  • Tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công lĩnh vực văn hóa
    11 tháng trước Đầu tư
    (BKTO) - Văn hóa, thể thao và du lịch (VHTTDL) hiện là một trong những lĩnh vực có tốc độ giải ngân vốn đầu tư công thuộc nhóm thấp nhất cả nước. Trước thực trạng đó, các ý kiến cho rằng, toàn Ngành, đặc biệt là Bộ VHTTDL cần nỗ lực hơn nữa trong việc thực hiện các giải pháp để đẩy nhanh giải ngân nguồn vốn theo kế hoạch được giao.
  • Doanh nghiệp Việt Nam - Liên minh châu Âu tăng cường hợp tác xuất khẩu nông sản
    11 tháng trước Đầu tư
    (BKTO) Vừa qua, Thứ tưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Trần Thanh Nam đã có buổi gặp mặt và làm việc với ông Gabor Fluit Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu (Eurocham) tại Việt Nam. Nhân dịp buổi làm việc, hai bên đã chia sẻ góc nhìn và đưa ra các ý kiến đề xuất nhằm thúc đẩy xây dựng chuỗi liên kết xuất khẩu nông sản giữa doanh nghiệp Việt Nam và Liên minh châu Âu.
  • Tập trung giải ngân, gắn với nâng cao hiệu quả đầu tư công
    11 tháng trước Đầu tư
    (BKTO) - Kết thúc quý I/2023, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) đạt mức cao so với bình quân của cả nước. Ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng công trình, Bộ NNPTNT - đã chia sẻ với Báo Kiểm toán về kết quả đáng khích lệ này, cũng như giải pháp để nâng cao chất lượng, hiệu quả dự án đầu tư công trong thời gian tới.
  • Xây dựng chính sách thu hút đầu tư hấp dẫn, cạnh tranh, minh bạch
    11 tháng trước Đầu tư
    (BKTO) - Cùng với việc khuyến nghị áp dụng chính sách Thuế tối thiểu toàn cầu, nhiều chuyên gia nhấn mạnh, Việt Nam cần nhìn nhận chính sách ưu đãi đầu tư là vấn đề cần tập trung trong thời gian tới để có giải pháp tốt nhất nhằm tăng tính hấp dẫn của môi trường đầu tư, đảm bảo vị thế cạnh tranh của Việt Nam trong thu hút đầu tư.
Bảo đảm thuận lợi cho hoạt động đấu thầu và hiệu quả quản lý nhà nước