Gỡ “rào cản” để phát triển khu công nghiệp theo hướng sinh thái, bền vững

(BKTO) - Việc chuyển đổi và xây dựng mới các khu công nghiệp (KCN) theo hướng sinh thái, bền vững mang lại nhiều lợi ích đáng kể, không chỉ về mặt kinh tế mà còn về môi trường và xã hội. Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều rào cản gây cản trở các KCN trong việc chuyển đổi mô hình phát triển đòi hỏi cần được tháo gỡ.

khu-cong-nghiep.jpg
Phát triển các KCN theo hướng sinh thái, bền vững mang lại nhiều lợi ích về kinh tế, môi trường và xã hội. Ảnh minh họa: S.T

Nhiều rào cản hạn chế phát triển khu công nghiệp sinh thái

Bà Vương Thị Minh Hiếu - Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý Khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, KCN sinh thái là một mô hình mới và được coi là một trong những giải pháp thực hiện kinh tế tuần hoàn được quy định tại pháp luật về bảo vệ môi trường; đồng thời, được lồng ghép vào nhiều chiến lược, chương trình liên quan đến tăng trưởng xanh, phát triển bền vững của quốc gia. Bên cạnh đó, với số lượng các KCN tương đối lớn, việc thúc đẩy phát triển các KCN theo hướng sinh thái, bền vững sẽ đóng góp đáng kể vào nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu và hiện thực hóa các cam kết về giảm phát thải khí nhà kính của Việt Nam với cộng đồng quốc tế.

Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều rào cản gây cản trở các KCN trong việc chuyển đổi mô hình phát triển theo hướng sinh thái, bền vững.

Hiện nay, cả nước có 418 KCN, trong đó có 298 KCN đã đi vào hoạt động, với tổng diện tích khoảng 92,2 nghìn héc-ta. Tỷ lệ lấp đầy của các KCN đã đi vào hoạt động đạt khoảng 72,5%.

Chia sẻ về những rào cản, bà Trần Thị Tố Loan - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn đầu tư Sao Đỏ cho biết, đầu tiên là vấn đề về nguồn vốn, tài chính. Chi phí cho việc thực hiện các giải pháp chuyển đổi từ KCN truyền thống sang KCN sinh thái đòi hỏi nguồn vốn đầu tư lớn hoặc các giải pháp kỹ thuật tiên tiến trong khi nguồn lực của doanh nghiệp có hạn.

Bên cạnh đó, các quy định liên quan đến việc xây dựng, phát triển các KCN sinh thái còn thiếu và chưa thống nhất gây cản trở cho các KCN trong việc chuyển đổi mô hình phát triển.

Đơn cử, trong Nghị định 35/2022/NĐ-CP quy định về quản lý KCN và khu kinh tế có giới thiệu về mô hình KCN sinh thái, khi nói về việc KCN tham gia vào hoạt động sản xuất sạch hơn, sử dụng tài nguyên một cách hiệu quả hơn, có đưa ra một chỉ tiêu cụ thể đó là phải có 20% doanh nghiệp trong KCN phải thực hiện các biện pháp sản xuất sạch hơn. Tuy nhiên, trong quy định này lại không hướng dẫn cụ thể thế nào là “sạch hơn”.

“Để thay đổi một mô hình phát triển đòi hỏi các doanh nghiệp phải đầu tư một nguồn tài chính rất lớn để thay đổi hệ thống công nghệ, dây chuyền, trong khi đó lại không có quy định cụ thể thì rất khó để khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi”- bà Loan nhấn mạnh.

Ngoài ra, để sử dụng hiệu quả tài nguyên, cần tái sử dụng tài nguyên nhưng thực tế qua quá trình thu hút đầu tư, bản thân các KCN gặp khó khăn khi thu hút các dự án tái chế, do các quy định pháp luật chưa có những quy định cụ thể về việc KCN có được thu hút các ngành nghề đó không. Chưa kể, nếu thu hút các ngành nghề đó thì các KCN phải thay đổi toàn bộ hệ thống giấy tờ như báo cáo đánh giá tác động tài nguyên, môi trường, các loại giấy phép về môi trường… điều này cũng gây tốn kém thời gian, chi phí của doanh nghiệp.

Một ví dụ khác là quy định về nước thải. Theo quy định, toàn bộ nước thải trong KCN đều phải xả thải ra ngoài môi trường thông qua hệ thống quan trắc và xử lý tự động, nghĩa là không được tái sử dụng trong KCN. Trong khi hiện nay, với các công nghệ xử lý nước thải mới, các KCN đã xử lý nước thải cấp A, tức là ít nhất có thể sử dụng vào việc tưới tiêu trong KCN, tuy nhiên vẫn rất khó khăn trong việc áp dụng…

Tăng ưu đãi để tạo “lực đẩy” phát triển khu công nghiệp sinh thái

Chia sẻ tại Diễn đàn “Thúc đẩy phát triển bền vững KCN Việt Nam” mới diễn ra, các chuyên gia đánh giá, dù có nhiều đóng góp vào thành tựu phát triển kinh tế của Việt Nam, song sự phát triển của các KCN nhìn chung chưa tạo được sự cân bằng giữa kinh tế, xã hội và môi trường. Do đó, cần thúc đẩy chuyển đổi mạnh mẽ các KCN theo hướng sinh thái, bền vững.

20240328_092416.jpg
Diễn đàn "Thúc đẩy phát triển bền vững KCN Việt Nam" do Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp, thuộc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức vào ngày 28/3, tại Hà Nội. Ảnh: D.T

Đưa khuyến nghị về giải pháp, theo các chuyên gia, trước hết cần hoàn thiện cơ chế, chính sách; hướng dẫn từ các Bộ, ngành, đặc biệt đối với các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật để thực hiện các mạng lưới cộng sinh công nghiệp, tái sử dụng chất thải và nước thải trong KCN.

Bên cạnh đó, cần nâng cao nhận thức, quyết tâm chính trị của các cấp trong việc thúc đẩy sử dụng hiệu quả tài nguyên, năng lượng, đổi mới công nghệ, thực hiện kinh tế tuần hoàn trong KCN; đồng thời cần có sự cam kết và sự hợp tác chặt chẽ của nhà đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng KCN và các nhà đầu tư thứ cấp trong KCN.

Đặc biệt, theo ông Lê Minh Nghĩa - Chủ tịch Hiệp hội Tư vấn tài chính Việt Nam (VFCA), để khuyến khích doanh nghiệp tự thực hiện việc chuyển đổi và xây dựng mới KCN sinh thái thì việc bổ sung các chính sách ưu đãi về tài chính cho các KCN sinh thái là rất cần thiết.

Theo ông Nghĩa, hiện nay, nguồn vốn dành cho phát triển các KCN sinh thái vẫn còn rất hạn chế. Nếu không có nguồn vốn đầu tư kịp thời thì rất khó để mô hình KCN sinh thái phát triển được trong thực tế. Điều này cũng có thể khiến cho Việt Nam bỏ lỡ làn sóng đầu tư xanh đang ngày càng trở thành xu hướng trọng tâm của các nhà đầu tư quốc tế.

Đồng quan điểm, ông Lê Thành Quân - Vụ trưởng Vụ Quản lý Khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chia sẻ thêm, chi phí cho việc thực hiện các giải pháp chuyển đổi hoặc xây dựng mới KCN sinh thái đòi hỏi nguồn vốn đầu tư lớn, trong khi đó nguồn lực tài chính của các doanh nghiệp Việt Nam còn hạn chế. Do đó, cần đẩy mạnh huy động thêm nguồn lực từ các tổ chức quốc tế, hiệp hội doanh nghiệp, quỹ tài chính khí hậu, đối tác chuyển đổi năng lượng cũng như các ngân hàng thương mại, tổ chức tài chính xanh… để huy động thêm nguồn lực thực hiện phát triển KCN sinh thái.

Từ năm 2015-2019, với nguồn vốn hỗ trợ từ Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ (SECO) và và Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF), Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên Hợp Quốc (UNIDO) triển khai thí điểm mô hình KCN sinh thái tại Ninh Bình, Đà Nẵng và Cần Thơ. Kết quả, đã có trên 72 doanh nghiệp thực hiện hơn 900 giải pháp tiết kiệm năng lượng và sản xuất sạch hơn, tiết kiệm 76 tỷ đồng/năm và huy động được khoảng 207 tỷ đồng từ khu vực tư nhân, cắt giảm được 32 kilôtấn khí CO2 hàng năm, bước đầu đem lại hiệu quả về mặt kinh tế, xã hội và môi trường.

Trong giai đoạn 2020-2023, với sự hỗ trợ từ SECO, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và UNIDO tiếp tục hỗ trợ 3 KCN tại TP. Hồ Chí Minh (KCN Hiệp Phước), Hải Phòng (KCN Đình Vũ) và Đồng Nai (KCN Amata) chuyển đổi theo hướng KCN sinh thái theo khung quốc tế, đây là tiền đề để nhân rộng mô hình này trên cả nước.

Cùng chuyên mục
Gỡ “rào cản” để phát triển khu công nghiệp theo hướng sinh thái, bền vững