Luật hóa các nguyên tắc về tiêu chuẩn, quy chuẩn đường cao tốc

(BKTO) - Đại biểu Quốc hội đề nghị Luật hoá các nguyên tắc về tiêu chuẩn, quy chuẩn đường cao tốc, nhằm khắc phục những bất cập, khó khăn trong bảo đảm an toàn giao thông đường cao tốc.

Tiếp tục chương trình Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 5, chiều 26/3, các đại biểu Quốc hội thảo luận về Dự án Luật Đường bộ.

dsc_5715.jpg
Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: VPQH

Quy định tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đường cao tốc là cần thiết

Thảo luận tại Hội nghị, đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn (Đoàn Hải Dương) cho biết, hiện Chính phủ đang trình sửa đổi tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đường cao tốc. Qua khảo sát của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho thấy, còn nhiều bất cập trong việc áp dụng quy chuẩn, tiêu chuẩn trong lĩnh vực đường bộ.

Theo đại biểu, hiện chúng ta chưa áp dụng nên chưa biết vận hành tiêu chuẩn, quy chuẩn đường bộ cao tốc có mang lại hiệu quả tích cực hay không? Vì vậy cần đánh giá kỹ lưỡng, tham khảo kinh nghiệm quốc tế, để làm sao áp dụng vào Luật Đường bộ mang lại hiệu quả, phù hợp với xu hướng phát triển của thế giới.

dsc_5853.jpg
Đại biểu Quốc hội Lê Hoàng Anh phát biểu thảo luận. Ảnh: VPQH

Đại biểu Lê Hoàng Anh (Đoàn Gia Lai) cũng cho rằng, cho đến thời điểm hiện nay, chưa có quy chuẩn, tiêu chuẩn đường cao tốc đã tạo ra nhiều bất cập, gây khó khăn cho việc triển khai các giải pháp bảo đảm an toàn giao thông đường cao tốc. Do đó, đại biểu đề nghị luật hóa các nguyên tắc bắt buộc trong Luật, sau đó Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải mới ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn cụ thể.

“Tôi đề nghị cần có 6 điểm quy định cụ thể trong Luật: Bắt buộc phải có dải phân cách cứng; phải có làn khẩn cấp; phải có điểm dừng đỗ; tốc độ các phương tiện di chuyển phải cao nhất trong các cấp kỹ thuật; khổ làn không thấp hơn 3,75m; quy định số làn cụ thể” - đại biểu Lê Hoàng Anh nói.

Còn theo đại biểu Trần Văn Lâm (Đoàn Bắc Giang), quy định tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đường cao tốc là rất cần thiết song cần quan tâm đến điều khoản chuyển tiếp khi áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn mới. Bởi trên thực tế khi áp dụng quy chuẩn theo Dự thảo Luật thì một số tuyến đường hiện nay sẽ không còn là cao tốc nữa.

Ví dụ, Dự thảo Luật quy định đường cao tốc là có dải phân cách hai chiều xe riêng biệt. Nhưng hiện nay, một số tuyến cao tốc không có dải phân cách hai chiều xe thì không còn gọi là đường cao tốc nữa. Vậy phải quy định việc chuyển tiếp thế nào? - đại biểu dẫn thực tế.

Giải phóng mặt bằng theo quy mô quy hoạch đem lại nhiều lợi ích

Liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng khi xây dựng đường cao tốc, đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn đồng tình với phương án Chính phủ trình là việc giải phóng mặt bằng theo quy mô, quy hoạch thay vì giải phóng mặt bằng theo phân kỳ đầu tư.

"Điều này sẽ hiệu quả hơn và có tính chiến lược lâu dài. Tuy nhiên, Chính phủ cần làm rõ quản lý phần giải phóng mặt bằng nhưng chưa triển khai như thế nào? Nguồn kinh phí thực hiện và trách nhiệm cụ thể của các cơ quan liên quan ra sao?" – đại biểu nêu quan điểm.

dsc_5741.jpg
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Ngọc Sơn phát biểu thảo luận. Ảnh: VPQH

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp) cũng cho rằng, trong điều kiện hiện nay, có tuyến chúng ta chỉ đầu tư được 2 làn xe, nếu sau này muốn nới rộng ra thì lại phải giải phóng mặt bằng, như thế rất mất thời gian. Theo đại biểu, giải phóng mặt bằng chỉ chiếm khoảng 10-20% tổng mức đầu tư một dự án đường cao tốc, nên giải phóng mặt bằng ngay thì sẽ phù hợp hơn là giải phóng theo phân kỳ đầu tư.

Trong khi đó, đại biểu Trần Văn Lâm đề nghị cần cân nhắc thêm và cần tính toán đến hiệu quả kinh tế. Bởi, theo đại biểu, khi dự án giải phóng mặt bằng hết, rồi để mặt bằng trống, mấy chục năm sau đầu tư tiếp thì có hiệu quả hay không?

Theo số liệu thực tế của 12 dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông đã được chấp thuận giải phóng mặt bằng theo quy mô quy hoạch cho thấy: tỷ lệ diện tích phần chưa đầu tư chiếm khoảng 10-20% tổng diện tích giải phóng mặt bằng; nếu chỉ thực hiện giải phóng mặt bằng theo quy mô phân kỳ (B=17m) so với giải phóng mặt bằng theo quy mô quy hoạch (B=32,5m) thì chi phí chỉ giảm được khoảng 10-20%, tương ứng giảm khoảng 2-3% tổng mức đầu tư dự án.

Liên quan đến vấn đề này, Báo cáo một số nội dung lớn về giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật của Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội nêu rõ, Ban soạn thảo đã đánh giá làm rõ ưu, nhược điểm của phương án bồi thường một lần theo quy mô quy hoạch và phương án bồi thường nhiều lần theo tiến độ phân kỳ đầu tư.

Theo báo cáo của Ban soạn thảo, về cơ bản việc giải phóng mặt bằng theo quy mô quy hoạch sẽ làm tăng tổng mức đầu tư dự án ở giai đoạn phân kỳ nhưng xét về tổng thể thì mang lại nhiều lợi ích cả về mặt kinh tế, xã hội và về tổ chức thực hiện dự án. (chi phí giải phóng mặt bằng một lần theo quy mô quy hoạch thấp hơn nhiều lần so với giải phóng mặt bằng theo tiến độ đầu tư). Đối với điểm hạn chế về quản lý, sử dụng phần đất chưa đầu tư xây dựng tại giai đoạn phân kỳ, có thể áp dụng một số giải pháp như trồng cây xanh để tạo cảnh quan, tận dụng phần đất này.

Vì vậy, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh nhất trí với quy định của Dự thảo Luật Chính phủ trình, song chỉnh sửa quy định này tại khoản 4 Điều 47 Dự thảo Luật tiếp thu, chỉnh lý để thể hiện rõ hơn theo hướng “công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư được thực hiện theo quy mô làn xe quy hoạch mạng lưới đường bộ”.

Cùng chuyên mục
Luật hóa các nguyên tắc về tiêu chuẩn, quy chuẩn đường cao tốc