Gỡ rối chậm giải ngân vốn đầu tư công

(BKTO) - Ngày 21/8/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ký Công điện số 1042/CĐ-TTg chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương thực hiện nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2019. Theo đó, đến tháng 8/2019 vẫn còn 35.148 tỷ đồng kế hoạch đầu tư vốn NSNN năm 2019 (bằng 9,3% kế hoạch vốn được Quốc hội thông qua) chưa được Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Thủ tướng Chính phủ giao vốn trong khi yêu cầu phải hoàn thành trong tháng 5/2019.



Tình hình giải ngân vốn đầu tư công nguồn NSNN 7 tháng đầu năm 2019 cũng rất thấp, chỉ đạt 32,27% kế hoạch được Quốc hội thông qua, trong đó giải ngân vốn nước ngoài chỉ đạt 10,96% (thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2018 với các con số tương ứng là 37,64% và vốn nước ngoài đạt 22,63%). Có 35 Bộ, cơ quan T.Ư và 26 địa phương có tỷ lệ giải ngân 7 tháng đạt dưới 40%; trong đó 18 Bộ, cơ quan T.Ư và 1 địa phương dưới 20% kế hoạch được Quốc hội giao.

Tình hình thực hiện vốn đầu tư từ nguồn vốn NSNN 8 tháng năm 2019 vẫn chưa cải thiện khi tiếp tục đạt mức tăng thấp nhất trong các năm giai đoạn 2015-2019. Cụ thể, tốc độ tăng vốn đầu tư từ nguồn NSNN 8 tháng so với cùng kỳ năm trước: năm 2015 là 7,3%; năm 2016 là 12,7%; năm 2017 là 6,4%; năm 2018 là 10,4%; năm 2019 là 3,8%. Tỷ lệ vốn đầu tư thực hiện từ nguồn NSNN 8 tháng so với kế hoạch năm giai đoạn 2015-2019 lần lượt là: 62,8%; 56,5%; 53,6%; 51,8%; 53,1%.

Công điện cũng chỉ rõ ngoài một số nguyên nhân khách quan thì nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công hiện nay là do yếu tố chủ quan, nhất là những yếu kém trong công tác quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện, như: giao vốn chậm, dự kiến nhu cầu vốn chưa sát với khả năng thực tế giải ngân, công tác thiết kế thi công, đấu thầu lựa chọn nhà thầu chậm, việc giải phóng mặt bằng chưa được giải quyết dứt điểm, thanh, quyết toán còn chậm, công tác phối hợp và chỉ đạo điều hành ở một số Bộ, cơ quan T.Ư và địa phương chưa chủ động, thiếu quyết liệt; vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu chưa được đề cao. Trong đó, các nguyên nhân nổi bật làm cho các địa phương, chủ dự án loay hoay là việc định giá đất bị kéo dài, không cụ thể, ảnh hưởng tới công tác bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng.

Bên cạnh đó, khâu đăng ký nhu cầu vốn của các Bộ, địa phương không sát với khả năng cân đối nguồn vốn, chưa đảm bảo nguyên tắc ưu tiên bố trí thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản và thu hồi vốn ứng trước nên phải có văn bản xử lý nhiều lần khiến quy trình giao kế hoạch vốn bị kéo dài. Việc điều chỉnh kế hoạch vốn giữa các dự án còn chưa kịp thời gây khó khăn cho công tác giải ngân. Theo báo cáo của một số Bộ, thủ tục điều chỉnh kế hoạch vốn theo quy định là rất phức tạp qua nhiều cấp, dẫn đến thời gian điều chỉnh bị kéo dài. Đồng thời, công tác điều chỉnh kế hoạch vốn thiếu linh hoạt, xử lý theo đợt (thường phải đợi Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp chung cả nước), dẫn đến thời gian điều chỉnh kế hoạch vốn bị chậm. Khi có quyết định điều chỉnh kế hoạch thì gần thời điểm cuối năm nên các dự án không kịp triển khai và phải xin gia hạn dự án, gia hạn thời gian giải ngân, kéo theo nhiều thủ tục pháp lý. Đến lượt mình, khi dự án được điều chỉnh chậm thường lỡ thời gian triển khai, chậm trễ trong công tác đấu thầu và triển khai các bước tiếp theo của dự án hoặc gặp điều kiện thời tiết không thuận lợi để triển khai công tác thi công…

Rõ ràng, tất cả những vướng mắc như: định giá đất, thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản, điều chuyển vốn,... đều đã tồn tại trong nhiều năm qua vẫn chưa được khắc phục và tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công xảy ra đặc biệt trầm trọng trong 3 năm gần đây. Nguyên nhân cơ bản là đề cao tính trách nhiệm và chịu trách nhiệm cá nhân trong mỗi quyết định liên quan tới đầu tư công, thậm chí có thể bị xử lý kỷ luật nặng khi có sai phạm mà sai phạm lại rất dễ xảy ra khi hệ thống văn bản quy phạm pháp luật cũng như quy trình thực hiện hiện hành lại chưa rõ ràng về tính chất, mức độ, phạm vi chịu trách nhiệm, cả cá nhân và tập thể trong các quyết định về đầu tư công. Tốc độ giải ngân vốn đầu tư công chỉ được đảm bảo khi và chỉ khi có biện pháp xử lý đúng nguyên nhân cốt tử này.

TS. VŨ ĐÌNH ÁNH - Chuyên gia Kinh tế
Theo Báo Kiểm toán số 38 ra ngày 19-9-2019
Cùng chuyên mục
  • Nhận thức mới về thu hút và quản lý FDI
    5 năm trước Góc nhìn
    (BKTO) - Thay mặt Bộ Chính trị, ngày 20/8/2019, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết số 50-NQ/TW về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030 (dưới đây gọi tắt là Nghị quyết).
  • Giải ngân đầu tư công không chậm, nếu…
    5 năm trước Góc nhìn
    (BKTO) - Ngày 21/8, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ký, ban hành Công điện thúc đẩy tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, bởi lẽ trong 7 tháng đầu năm 2019, cả nước mới giải ngân vốn đầu tư công đạt gần 32,3% kế hoạch Quốc hội giao. Trong đó, 35 Bộ, cơ quan T.Ư và 26 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 40%; 18 Bộ, cơ quan ngang Bộ đạt tỷ lệ giải ngân dưới 20% kế hoạch (TP. HCM giải ngân được 26% và Hà Nội cũng chỉ đạt gần 25% kế hoạch).
  • Đẩy mạnh công tác xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng
    5 năm trước Góc nhìn
    (BKTO) - Nghị quyết số 42/2017/QH14 (Nghị quyết 42) về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (TCTD) được Quốc hội ban hành đã tạo khuôn khổ pháp lý thống nhất và đồng bộ về xử lý nợ xấu; tháo gỡ được phần nào khó khăn, vướng mắc của các TCTD trong việc xử lý nợ xấu và triển khai thành công Quyết định số 1058/QĐ-TTg ngày 19/7/2017 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020” (Quyết định 1058).
  • Tác động của chiến tranh thương mại  Mỹ - Trung đến Việt Nam
    5 năm trước Góc nhìn
    (BKTO) - Mỹ và Trung Quốc là hai nền kinh tế hàng đầu thế giới chi phối thương mại toàn cầu đồng thời cũng là hai đối tác thương mại quan trọng nhất của Việt Nam.
  • Động lực và kỳ vọng mới của du lịch Việt
    5 năm trước Góc nhìn
    (BKTO) - Năm 2018, du lịch Việt Nam đón gần 15,5 triệu lượt khách, tăng 19,9% so với năm 2017, phục vụ hơn 80 triệu lượt khách nội địa, tổng thu từ khách du lịch đạt hơn 620.000 tỷ đồng và là năm thứ 3 liên tiếp, du lịch Việt Nam liên tục thăng hạng trên bản đồ du lịch thế giới. Cũng năm này, lần đầu tiên Việt Nam được trao tặng Giải thưởng “Điểm đến du lịch hàng đầu châu Á” tại Lễ trao Giải thưởng Du lịch thế giới - World Travel Awards (WTA) khu vực châu Á và châu Úc năm 2018.
Gỡ rối chậm giải ngân vốn đầu tư công