Hà Giang xây dựng dự toán thu ngân sách chưa sát thực tế

(BKTO) - Theo Kiểm toán nhà nước (KTNN), việc xây dựng dự toán thu ngân sách của Hà Giang chưa sát thực tế, chưa thực hiện đúng, đầy đủ các biện pháp cưỡng chế nợ thuế…

dongvan.jpg.png
Năm 2023, KTNN kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách địa phương năm 2022 của Hà Giang. Ảnh: TS

Năm 2021: Lập dự toán thu ngân sách chưa sát thực tế

Qua kiểm toán ngân sách địa phương năm 2021 của tỉnh Hà Giang, KTNN đánh giá: UBND tỉnh Hà Giang đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tham mưu cho UBND tỉnh điều hành, quản lý ngân sách; các đơn vị, các huyện, thành phố quản lý thu NSNN năm 2021 cơ bản chấp hành các quy định của Luật NSNN.

Nguồn thu trên địa bàn được hưởng đáp ứng khoảng 19% nhu cầu chi ngân sách địa phương. Cùng với kinh phí Trung ương bổ sung, UBND tỉnh đã chỉ đạo, điều hành, quản lý ngân sách cơ bản bảo đảm thực hiện các nhiệm vụ kinh tế, chính trị của địa phương, tác động tích cực đến kết quả thực hiện các chỉ tiêu tổng hợp về phát triển kinh tế - xã hội năm 2021.

Đối với việc lập dự toán thu ngân sách, kết quả kiểm toán cho thấy, Cục Thuế tỉnh Hà Giang và Chi cục Thuế khu vực Quản Bạ - Yên Minh (huyện Yên Minh) lập dự toán thu ngân sách chưa dự kiến đầy đủ nguồn thu.

Chi cục Thuế khu vực Đồng Văn - Mèo Vạc (huyện Đồng Văn) chưa bao quát các khoản thu về đất (thu tiền sử dụng đất) và chưa đánh giá được số thu.

Chi cục Thuế Thành phố Hà Giang xây dựng dự toán thu chưa sát với thực tế, cụ thể: Chưa lập dự toán đối với số thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản (số ước thực hiện năm 2020 là 982 triệu đồng, số giao dự toán là 326 triệu đồng, số quyết toán 2021 là 11,297 tỷ đồng), chưa lập dự toán đối với số thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước do Trung ương quản lý (số ước thực hiện là 86 triệu đồng, số giao dự toán là 287 triệu đồng, số quyết toán 2021 là 384 triệu đồng).

Kết quả kiểm tra đối chiếu 6/6 xã, phường cho thấy dự toán giao thu của UBND Thành phố cho các xã, phường chưa sát khả năng thực tế nguồn thu trên địa bàn, hầu hết các chỉ tiêu thực hiện đều đạt và vượt so với dự toán giao.

Năm 2023, KTNN kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách địa phương năm 2022 của Hà Giang; kiểm toán chuyên đề toàn Ngành việc quản lý, sử dụng Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tại Hà Giang; việc quản lý, sử dụng các quỹ tài chính ngoài ngân sách do địa phương quản lý; Dự án Hạ tầng cơ bản phát triển toàn diện các tỉnh Đông Bắc tại Hà Giang; các dự án nhóm B tại tỉnh Hà Giang; dự án các công trình hạ tầng được Chính phủ Ailen tài trợ thuộc Chương trình 135 tại 5 tỉnh, trong đó có tỉnh Hà Giang.

Về công tác quản lý nợ thuế, KTNN chỉ ra rằng, Chi cục thuế khu vực Quản Bạ - Yên Minh (huyện Yên Minh), Chi cục thuế khu vực Hoàng Su Phì - Xín Mần (huyện Hoàng Su Phì) chưa hoàn thành chỉ tiêu thu nợ thuế năm 2021.

Tỷ lệ số thuế nợ (không bao gồm nợ khó thu)/tổng thu do ngành thuế quản lý tại Chi cục thuế khu vực Bắc Quang - Quang Bình (huyện Quang Bình) cao, chiếm 27,63% (hơn 23 tỷ đồng/83,429 tỷ đồng).

(Trong khi đó, ngành thuế phấn đấu đưa tỷ lệ nợ thuế đến ngày 31/12/2023 xuống dưới 5% tổng thu NSNN. Trong đó, nợ có khả năng thu không vượt quá 5% so với số thực thu ngân sách).

Qua chọn mẫu 1 doanh nghiệp tại Cục Thuế tỉnh Hà Giang, 2 doanh nghiệp tại Chi cục Thuế khu vực Quản Bạ - Yên Minh, KTNN nhận thấy 2 đơn vị này chưa thực hiện đúng, đầy đủ các biện pháp cưỡng chế nợ thuế đối với doanh nghiệp theo quy trình tại Quyết định số 751/QĐ-TCT của Tổng cục Thuế về quy trình cưỡng chế nợ thuế.

Chi cục Thuế khu vực Quản Bạ - Yên Minh chưa nhập liệu đầy đủ số liệu miễn, giảm thuế năm 2021 trên hệ thống quản lý thuế tập trung (TMS) dẫn đến số liệu báo cáo tổng hợp kết quả miễn, giảm thuế phản ánh chưa đầy đủ…

ha-giang-297-1.jpg
Năm 2023, nhiều địa bàn thuộc tỉnh Hà Giang có nguy cơ hụt thu ngân sách. Ảnh: TS

Xây dựng dự toán thu nội địa phải bao quát hết nguồn thu

Từ thực trạng trên, KTNN kiến nghị Cục Thuế tỉnh Hà Giang, Chi cục Thuế Thành phố Hà Giang, Chi cục Thuế khu vực Quản Bạ - Yên Minh, Chi cục Thuế khu vực Đồng Văn - Mèo Vạc chấn chỉnh, rút kinh nghiệm trong công tác lập dự toán thu; rà soát xây dựng dự toán thu nội địa các năm tới phải bao quát hết các nguồn thu trên địa bàn.

Đồng thời đôn đốc công tác thu nợ đảm bảo theo kế hoạch thu hồi nợ được giao.

Cục Thuế tỉnh Hà Giang, Chi cục Thuế khu vực Quản Bạ - Yên Minh chấn chỉnh rút kinh nghiệm trong công tác thực hiện quy trình cưỡng chế nợ thuế.

Cục Thuế tỉnh Hà Giang cần chỉ đạo Chi cục Thuế khu vực Quản Bạ - Yên Minh rà soát, nhập liệu bổ sung hệ thống TMS và phản ánh bổ sung trên báo cáo tổng hợp kết quả miễn giảm thuế đối với số tiền thuế đã miễn, giảm.

Chỉ đạo các chi cục thuế rà soát, nhập liệu bổ sung số nợ tổng hợp thiếu trên hệ thống TMS; điều chỉnh giảm số nợ thuế tổng hợp thừa trên hệ thống TMS…/.

Năm 2023, tổng thu NSNN trên địa bàn tỉnh Hà Giang được Trung ương (T.Ư) giao 2.226 tỷ đồng, Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh giao 3.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, đến đầu tháng 7/2023, thu NSNN trên địa bàn mới đạt 845,4 tỷ đồng, bằng 37,3% kế hoạch T.Ư giao và 28,2% kế hoạch tỉnh giao (giảm 20,9% so với cùng kỳ).

Trong tổng số 16 khoản thu, sắc thuế, chỉ có 3 khoản thu, sắc thuế đạt trên 50%, 3 khoản thu, sắc thuế đạt từ 40 - 45%, còn lại 10 khoản thu, sắc thuế đạt dưới 40% so với kế hoạch.

Giá trị thu tiền sử dụng đất trên địa bàn tỉnh mới thực hiện được hơn 38 tỷ đồng, đạt 12,6% dự toán T.Ư giao và 4,75% dự toán HĐND tỉnh giao...

Mặc dù ngay từ đầu năm, UBND tỉnh Hà Giang đã quyết liệt chỉ đạo các cấp, ngành tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp thu tiền sử dụng đất, song do ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố khách quan, chủ quan nên số thu tiền từ sử dụng đất còn hạn chế, chậm tiến độ.

Bên cạnh đó, nhiều địa bàn có nguy cơ hụt thu NSNN. Hiện nay, toàn tỉnh mới có 2/11 huyện, thành phố có kết quả thu NSNN đạt trên 40% so với kế hoạch là Bắc Quang (54,7%), Hoàng Su Phì (40,2%); các huyện còn lại mới đạt từ 12 - 28,6%.

Cùng chuyên mục
Hà Giang xây dựng dự toán thu ngân sách chưa sát thực tế