Hải Dương ngày càng cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh

(BKTO) - Sau 2 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TU, môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh Hải Dương cơ bản ổn định, tính bình đẳng giữa các thành phần kinh tế được nâng lên, thời gian giải quyết thủ tục hành chính ở một số lĩnh vực được rút ngắn.

hai-duong.jpg
3 tháng cuối năm, tỉnh có 6 nhiệm vụ trọng tâm, 17 nhóm giải pháp cụ thể để phát triển kinh tế - xã hội. Ảnh: ST

Nhiều chuyển biến rõ nét đem lại kết quả tích cực

Tổng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn tỉnh Hải Dương giai đoạn 2021 - 2023 (tính đến tháng 9/2023) ước đạt 142.541 tỷ đồng; có 4.400 doanh nghiệp đăng ký thành lập, tăng 2,98%/năm (mục tiêu Nghị quyết tăng 15%/năm). Chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) của tỉnh có cải thiện cả về điểm số và thứ hạng so với cả nước. Hầu hết các chỉ số thành phần (7/10 chỉ số) đều có sự cải thiện về thứ hạng so với cả nước, trong đó có một số chỉ số có sự cải thiện khá lớn. Quy mô tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP theo giá so sánh 2010) ước đạt trên 76.600 tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ năm trước.

Tổng giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng khá, ước đạt trên 16.600 tỷ đồng, tăng 2,9%. Tổng giá trị sản xuất công nghiệp - xây dựng ước đạt 260.836 tỷ đồng, tăng 7,4% so với cùng kỳ. Chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 7,7%.

Tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ ước đạt trên 69.200 tỷ đồng, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm trước. Du lịch đạt kết quả khá, thu hút trên 1,2 triệu du khách, doanh thu du lịch ước đạt 604 tỷ đồng, tăng 90%.

Tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh đạt gần 13.995 tỷ đồng, đạt 79% dự toán năm, tương đương cùng kỳ năm trước. Thu nội địa ước đạt 11.717 tỷ đồng, đạt 77% dự toán năm, bằng 98,7% so với cùng kỳ.

Trong 9 tháng qua, tỉnh Hải Dương đã tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển, đầu tư có chọn lọc. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt 38,4 nghìn tỷ đồng, tăng 3,7% so với cùng kỳ năm trước.

Tỉnh đã tập trung tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Tính đến 18/9, tổng kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 là 7.438,3 tỷ đồng, vốn đã giải ngân 2.156,6 tỷ đồng, đạt 29%.

Về thu hút dự án đầu tư, Hải Dương đã thu hút 97 dự án đầu tư trong nước, với tổng vốn đăng ký là 1.989 tỷ đồng. Tỉnh đã cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh thành lập mới cho 1.865 doanh nghiệp, tăng 29,9% so với cùng kỳ với tổng số vốn đăng ký đạt 10.800 tỷ đồng; 52 dự án đầu tư mới với tổng vốn đăng ký 232,5 triệu USD; điều chỉnh 26 lượt dự án, với tổng vốn tăng thêm 116,5 triệu USD, 9 lượt dự án góp vốn mua cổ phần với giá trị vốn góp 1 triệu USD.

Phấn đấu hoàn thành các mục tiêu đề ra

Cùng với những kết quả đạt được, vẫn còn những yếu tố cản trở doanh nghiệp, chưa tạo được môi trường để doanh nghiệp phát triển bứt phá hoặc thu hút nhà đầu tư lớn, đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh. Chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) của Hải Dương có cải thiện nhưng chưa bền vững, nhất là đối với các chỉ số thành phần chiếm tỷ trọng lớn trong chỉ số tổng hợp. Năng lực cạnh tranh của tỉnh so với các tỉnh trong vùng đồng bằng sông Hồng chưa được cải thiện và có xu hướng tụt lại phía sau…

Hải Dương sẽ tiếp tục thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TU với quan điểm cải thiện môi trường đầu tư một cách thực chất, bền vững, lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm thước đo về hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước. Ba tháng cuối năm 2023 là giai đoạn nước rút để tỉnh Hải Dương về đích trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của năm. Nhiệm vụ những tháng cuối năm rất lớn, đòi hỏi quyết tâm, sự đoàn kết, đồng thuận cao của các sở ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh để phấn đấu hoàn thành các mục tiêu đề ra.

Theo Ủy ban nhân dân tỉnh, 3 tháng cuối năm, tỉnh có 6 nhiệm vụ trọng tâm, 17 nhóm giải pháp cụ thể để phát triển kinh tế - xã hội. Cụ thể, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; tiếp thu và hoàn thiện hồ sơ Quy hoạch tỉnh để trình Thủ tướng Chính phủ; thúc đẩy đầu tư của khu vực kinh tế ngoài nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước, thu hút vốn FDI gắn với phát triển kinh tế các ngành, lĩnh vực.

Tỉnh tập trung tháo gỡ vướng mắc, hỗ trợ hiệu quả cho các nhà đầu tư, các dự án đầu tư trên địa bàn; tiếp thu và hoàn thiện hồ sơ quy hoạch tỉnh, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đồng thời, đẩy nhanh giải phóng mặt bằng, tạo mặt bằng sạch cho các dự án đầu tư hạ tầng khu, cụm công nghiệp; các dự án đầu tư trong và ngoài nước triển khai thuận lợi. Cùng với đó, tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh phát triển sản xuất kinh doanh; thúc đẩy tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong các ngành, lĩnh vực; cải cách thủ tục hành chính, siết chặt kỷ luật, kỷ cương; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh./.

Cùng chuyên mục
Hải Dương ngày càng cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh