Theo đó, đến năm 2025: Hải Dương phấn đấu ít nhất có thêm 150 sản phẩm được công nhận đạt từ 3 sao trở lên, trong đó có ít nhất 03 sản phẩm đạt 5 sao; củng cố và nâng cấp khoảng 25% sản phẩm OCOP, ưu tiên phát triển sản phẩm OCOP gắn với thương hiệu sản phẩm, phát triển dịch vụ du lịch nông thôn; 25% các chủ thể OCOP xây dựng được chuỗi giá trị theo hướng kinh tế tuần hoàn, OCOP xanh gắn với vùng nguyên liệu ổn định; 30% làng nghề truyền thống có sản phẩm OCOP; Đẩy mạnh hoạt động quảng bá, giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm, có ít nhất 30% chủ thể OCOP tham gia vào các kênh bán hàng hiện đại và định hướng xuất khẩu; hỗ trợ 8 điểm quảng bá, giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm OCOP.
Tỉnh đang nỗ lực củng cố và nâng cấp 10% số sản phẩm OCOP hiện có, tập trung hơn vào việc phát triển sản phẩm OCOP gắn với thương hiệu sản phẩm và đồng thời phát triển dịch vụ du lịch nông thôn. Đồng thời đẩy mạnh hoạt động quảng bá, giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm tại các hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng OCOP, sàn giao dịch thương mại điện tử; hỗ trợ 03 điểm quảng bá, giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm OCOP.
Theo kế hoạch, UBND tỉnh Hải Dương đặt ra mục tiêu đạt con số 10% các chủ thể OCOP xây dựng chuỗi giá trị theo hướng kinh tế tuần hoàn, 10% OCOP xanh gắn với vùng nguyên liệu ổn định, 10% làng nghề truyền thống có sản phẩm OCOP…
Trước đó, chương trình OCOP tỉnh Hải Dương đã đạt được những kết quả tích cực, góp phần tạo bước đột phá, thúc đẩy sự phát triển kinh tế khu vực nông thôn, tạo sức bật phát triển kinh tế trên phạm vi toàn tỉnh. Bên cạnh đó, Chương trình OCOP cũng là giải pháp để Hải Dương thực hiện hiệu quả nhóm tiêu chí kinh tế, tổ chức sản xuất trong xây dựng nông thôn mới và bảo tồn những giá trị truyền thống tốt đẹp của địa phương.
Hiện tại, toàn tỉnh Hải Dương có 234 sản phẩm OCOP được chứng nhận và xếp hạng. Hơn 96% trong số đó hiện vẫn còn thời hạn, số lượng sản phẩm còn lại đã hết thời hạn được công nhận./.