Hải Dương tập trung phát huy thế mạnh của các sản phẩm OCOP

(BKTO) - Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) là chương trình phát triển kinh tế nông thôn quan trọng, nhưng để sản phẩm OCOP của các địa phương ở Hải Dương có chỗ đứng tốt hơn nữa trong thị trường thì cần khắc phục nhiều bất cập còn tồn tại hiện nay.

Còn nhiều rào cản để nâng tầm sản phẩm OCOP

336035053_555732649982669_2648369220140674539_n.jpg
Sản phẩm rau sạch của HD-Green có mặt trên hệ thống siêu thị BRG tuy nhiên sức tiêu thụ chưa cao. Ảnh: ST

Toàn tỉnh Hải Dương hiện có 138 sản phẩm OCOP đạt 3 sao, 94 sản phẩm đạt 4 sao và 2 sản phẩm đang đề nghị 5 sao. Có thể thấy, Chương trình OCOP là một chủ trương hợp lòng dân, được nhân dân đồng tình ủng hộ, tạo ra thay đổi lớn cho bộ mặt kinh tế nông thôn. Dù vậy, các tổ chức, cá nhân có sản phẩm tham gia Chương trình OCOP còn gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận thị trường, ứng dụng công nghệ, thay đổi mẫu mã sản phẩm, xúc tiến thương mại… nên chưa đủ điều kiện phát triển với số lượng lớn. Theo anh Mai Xuân Thịnh, Giám đốc Công ty Cổ phần Nông nghiệp Hữu cơ HD-GREEN cho biết: “Nhiều khách hàng hiện không biết chứng nhận OCOP là gì, vì sao sản phẩm rau có chứng nhận OCOP lại đắt hơn các sản phẩm cùng loại. Vì vậy, dù được bày trên kệ nhìn bắt mắt nhưng sức tiêu thụ của các sản phẩm vẫn rất khiêm tốn”.

Trước hết, có những khó khăn mang tính chất chủ quan, đó là quy mô, năng lực quản trị các tổ chức kinh tế tham gia chương trình OCOP còn nhỏ và yếu, thiếu kiến thức về kinh tế thị trường và phát triển sản phẩm theo chuỗi giá trị. Sự hiểu biết của một số cán bộ địa phương và chủ thể sản xuất về quản lý chất lượng sản phẩm còn hạn chế, nhiều nội dung vẫn phụ thuộc vào tư vấn. Một số sản phẩm chủ lực gặp khó trong công nghệ chế biến, bảo quản để nâng cao giá trị, kéo dài thời gian tiêu thụ...

Về mặt khách quan, diện tích đất sản xuất nông nghiệp trên địa bàn ngày càng bị thu hẹp nên việc phát triển sản phẩm đảm bảo đạt tiêu chuẩn OCOP về diện tích, khả năng cung ứng cho thị trường với số lượng lớn, ổn định, lâu dài là rất khó. Hiện tại, các cơ sở kinh doanh, chế biến còn rất ít, nhỏ lẻ, người dân chủ yếu bán các sản phẩm thô. Bên cạnh đó, người dân, tổ chức kinh tế phần lớn là nông dân, trình độ hạn chế, do vậy, việc tiếp cận công nghệ và cải tiến, áp dụng công nghệ còn yếu.

Số lượng sản phẩm OCOP tăng nhanh theo từng năm, nhưng chưa bền vững. Một số địa phương còn chạy theo thành tích, tập trung vào những sản phẩm đã được hình thành từ trước, trong đó có sản phẩm không có lợi thế để phát triển, chủ thể chưa chủ động tham gia chương trình. Hoạt động xúc tiến thương mại tuy được nhiều địa phương triển khai nhưng còn manh mún, thiếu đồng bộ, quản lý chất lượng, tiêu chuẩn còn hạn chế....

Đa phần các sản phẩm OCOP của tỉnh có đặc điểm chung là sản xuất đại trà, quy mô nhỏ, thị trường hẹp, hệ thống đóng gói, bao bì, nhãn mác chưa được quan tâm đúng mức. Mặt khác, các sản phẩm này vẫn cần được đầu tư nâng cao hơn nữa về chất lượng, quản lý sản xuất theo hướng an toàn thực phẩm, đầu tư cải tiến và ứng dụng khoa học công nghệ vào khâu chế biến, cải thiện bao bì, tổ chức các mô hình liên kết mở rộng sản xuất nhằm nâng cao chất lượng, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân địa phương. Đây là trở ngại lớn cho các sản phẩm OCOP khi tham gia vào hệ thống phân phối hiện đại.

Phối hợp nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn

z4607796151526_258dd53936df197768369f39fb8c1a4d.jpg
Gian hàng OCOP tỉnh Hải Dương tham gia Hội chợ thương mại quốc tế Việt Nam. Ảnh: Khánh Linh

Để nâng tầm sản phẩm OCOP, tháo gỡ khó khăn cho các chủ thể, tỉnh Hải Dương đã thực hiện nhiều giải pháp phát triển thương mại cho sản phẩm như truyền thông, xúc tiến thương mại điện tử sản phẩm OCOP, xây dựng website bán hàng trực tuyến, xây dựng, thiết lập mã QRCode; xây dựng các cửa hàng giới thiệu sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh. Ngoài hỗ trợ sản xuất, hỗ trợ mẫu mã bao bì để xây dựng thương hiệu sản phẩm thì việc quảng bá, hỗ trợ xúc tiến thương mại để tiêu thụ sản phẩm OCOP thông qua các hội chợ, triển lãm cũng cần được đẩy mạnh như thường xuyên tham gia hay tổ chức Hội chợ sản phẩm OCOP vào các dịp Lễ, Tết; khuyến khích các tổ chức hội, đoàn thể tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại cho sản phẩm OCOP của hội viên.

Bện cạnh đó, để khắc phục khó khăn, các chủ thể cần chủ động hơn nữa trong phát triển vùng nguyên liệu địa phương, xây dựng chuỗi giá trị nhằm kiểm soát chất lượng đầu vào; đổi mới công nghệ, xây dựng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến; đào tạo nghề cho lao động và nâng cao năng lực của cộng đồng sản xuất, xây dựng câu chuyện sản phẩm và đẩy mạnh các hoạt động quảng bá, giới thiệu, xúc tiến thương mại để mở rộng thị trường tiêu thụ.

Chuẩn hóa, nâng cao chất lượng sản phẩm đặc sản ở mỗi vùng quê, mỗi địa phương; chú trọng quảng bá, kết nối thị trường; hỗ trợ nâng cao năng lực sản xuất của các hộ cũng như doanh nghiệp, hợp tác xã. Đó là những vấn đề cần làm tốt để các sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh Hải Dương vươn xa./.

UBND tỉnh Hải Dương đã ban hành Kế hoạch “Thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm tỉnh Hải Dương giai đoạn 2023 - 2025”. Trong đó, tỉnh Hải Dương đặt ra mục tiêu mỗi năm có ít nhất 50 sản phẩm đạt được chứng nhận OCOP từ 3 sao trở lên, trong đó phải có ít nhất 1 sản phẩm được công nhận đạt chuẩn 5 sao.

Tỉnh cũng đang nỗ lực củng cố và nâng cấp 10% số sản phẩm OCOP hiện có, tập trung hơn vào việc phát triển sản phẩm OCOP gắn với thương hiệu sản phẩm và đồng thời phát triển dịch vụ du lịch nông thôn.

Cùng chuyên mục
Hải Dương tập trung phát huy thế mạnh của các sản phẩm OCOP