Quảng Nam: Đẩy mạnh giải ngân vốn thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia

(BKTO) - Thời gian qua, việc thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia tại địa bàn 9 huyện miền núi của tỉnh Quảng Nam gặp không ít khó khăn; trong đó, việc giải ngân vốn các Chương trình chậm so yêu cầu, tỷ lệ giải ngân còn rất thấp. Vì vậy, trong những tháng cuối năm 2023, các sở, ngành liên quan, các huyện miền núi sẽ tập trung đẩy mạnh công tác giải ngân vốn thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh.

may-tre-dan-xk-quang-nam-4_(1).jpg
Các Chương trình mục tiêu quốc gia đã góp phần tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh Quảng Nam. Ảnh: TS

Giai đoạn 2021-2025, kế hoạch vốn đầu tư phát triển hỗ trợ cho 9 huyện miền núi chiếm tỷ lệ 78,2% so với tổng số vốn đầu tư phát triển kế hoạch trung hạn giai đoạn 2021-2025 hỗ trợ thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh.

Tổng nguồn vốn đầu tư phát triển hỗ trợ trực tiếp để thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn 9 huyện miền núi của tỉnh giai đoạn 2021-2025 là 3.443,804 tỷ đồng; trong đó, ngân sách trung ương 2.982,269 tỷ đồng, ngân sách tỉnh 461,535 tỷ đồng.

Riêng giai đoạn 2021-2023, tổng nguồn vốn hỗ trợ thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia cho 9 huyện miền núi là 3.006,168 tỷ đồng. Năm 2023, tổng các nguồn vốn hỗ trợ thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia cho 9 huyện miền núi là 1.730,356 tỷ đồng.

Qua hơn 2 năm triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025, cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn và miền núi ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, các xã đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đã được quan tâm tăng cường đầu tư, diện mạo nông thôn và khu vực miền núi được thay đổi một cách căn bản, cơ bản đáp ứng nhu cầu phục vụ sản xuất và đời sống của người dân.

Các Chương trình đã góp phần tăng thu nhập và xóa đói giảm nghèo ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh. Đến nay, số hộ nghèo trên địa bàn 9 huyện miền núi là 23.278 hộ, đạt tỷ lệ 26,64% (giảm 3.403 hộ nghèo, tương ứng tỷ lệ giảm 4,31% so với số hộ nghèo năm 2021 theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025, vượt 122,5% so với chỉ tiêu Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh giao).

Đặc biệt, có 29 xã được công nhận đạt chuẩn xã nông thôn mới, đạt tỷ lệ 31,18%. Hiện nay, có 2 xã đang chờ Quyết định công nhận đạt chuẩn, nâng tổng số xã nông thôn mới trên địa bàn 9 huyện miền núi lên 31 xã (đạt tỷ lệ 33,34%).

Tuy nhiên, dù đã có nhiều cố gắng nhưng việc thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia tại địa bàn 9 huyện miền núi còn chậm so với yêu cầu, tỷ lệ giải ngân còn rất thấp. Trong đó, kế hoạch vốn năm 2022 được phép kéo dài mới chỉ giải ngân được 32,62% kế hoạch vốn. Nguồn vốn năm 2023 mặc dù được UBND tỉnh phân bổ sớm ngay từ đầu năm nhưng đến nay mới chỉ phân bổ được 73,1% và giải ngân 9,18% kế hoạch vốn.

Để đẩy mạnh triển khai các Chương trình mục tiêu quốc gia, tại buổi làm việc của Ban Thường vụ Tỉnh ủy với các địa phương miền núi trên địa bàn tỉnh diễn ra ngày 14/8, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Nam Phan Việt Cường yêu cầu các sở, ngành liên quan, các huyện miền núi quyết liệt tập trung cho công tác giải ngân vốn. Đặc biệt, sẽ kiểm điểm đối với địa phương nào giải ngân chậm, không theo kịp tiến độ kế hoạch đề ra, để thu hồi vốn.

Đồng thời, các địa phương cần linh hoạt trong công tác quản lý, chỉ đạo triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia; tăng cường kiểm tra tồn đọng, vướng mắc; có kế hoạch cụ thể, chi tiết, phân công nhiệm vụ rõ ràng.

Theo Kế hoạch kiểm toán năm 2023, Kiểm toán nhà nước thực hiện kiểm toán Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 tại Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và 12 địa phương, trong đó có tỉnh Quảng Nam.

Cuộc kiểm toán tập trung đánh giá việc quản lý và sử dụng kinh phí; việc tuân thủ chính sách, chế độ, pháp luật của nhà nước; công tác quản lý, chỉ đạo, phối hợp thực hiện; tình hình thực hiện mục tiêu Chương trình; tính kinh tế, hiệu lực, hiệu quả của Chương trình.

Kết quả kiểm toán được coi là nguồn thông tin quan trọng để phục vụ cho hoạt động giám sát của Quốc hội đối với các Chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó có Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững./.

Cùng chuyên mục
Quảng Nam: Đẩy mạnh giải ngân vốn thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia