Hai “ông lớn” ngành viễn thông hợp tác khai thác, dùng chung hạ tầng

(BKTO) - Dưới sự chứng kiến của Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (UBQLV), Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) và Tổng công ty Viễn thông MobiFone (MobiFone) vừa ký kết Thỏa thuận hợp tác nhằm phát huy tối đa thế mạnh, nâng cao hiệu quả hoạt động, góp phần mang lại lợi ích chung của hai doanh nghiệp.

Sự kiện được đánh giá có ý nghĩa quan trọng với VNPT và MobiFone, đánh dấu bước phát triển tiếp theo trong quan hệ hợp tác lâu dài giữa hai doanh nghiệp nằm trong hệ sinh thái của UBQLV.

05.jpg
Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Ngọc Cảnh và các đại biểu chứng kiến lễ ký kết. Ảnh: UBQLV

Theo ông Tô Dũng Thái - Chủ tịch Hội đồng thành viên VNPT, ý tưởng chia sẻ, hỗ trợ, khai thác, dùng chung hạ tầng viễn thông không mới, nhưng để đi đến hợp tác phát triển là cả một quá trình và trên thực tế, mỗi doanh nghiệp đều có những điều kiện, quy trình vận hành khác nhau.

Về phía MobiFone, ông Nguyễn Hồng Hiển - Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty cho biết, Thỏa thuận hợp tác nhằm phát huy tối đa thế mạnh của MobiFone và VNPT cũng như huy động nguồn lực để hỗ trợ nhau thực hiện tốt các chức năng nhiệm vụ, nâng cao hiệu quả hoạt động của mỗi bên, góp phần mang lại lợi ích chung cho hai doanh nghiệp.

Thỏa thuận hợp tác này có ý nghĩa không chỉ với hai doanh nghiệp mà còn với ngành viễn thông cũng như khối doanh nghiệp nhà nước trên chặng đường thực hiện chủ trương kết nối doanh nghiệp nhà nước để tối đa hóa sức mạnh, doanh thu và tối ưu hóa chi phí.

Ông Nguyễn Hồng Hiển cho rằng, Thỏa thuận hợp tác được ký kết tạo tiền đề cho việc nâng cao hiệu quả vốn đầu tư của Nhà nước thông qua UBQLV tại MobiFone và VNPT. MobiFone sẽ phối hợp chặt chẽ với VNPT để thúc đẩy Thỏa thuận hợp tác sớm đi vào thực tế và đạt kết quả cao nhất.

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch UBQLV Nguyễn Ngọc Cảnh nhấn mạnh, Thỏa thuận này đánh dấu bước hợp tác mới trong chiến lược chia sẻ cơ sở hạ tầng viễn thông giữa hai doanh nghiệp trụ cột trong lĩnh vực viễn thông, công nghệ thông tin và chuyển đổi số tại Việt Nam.

Đó là kết quả của một quá trình nghiên cứu, thảo luận kỹ lưỡng, thể hiện sự đồng thuận cao giữa hai doanh nghiệp; là sự kiện quan trọng đánh dấu một bước ngoặt mới trong quá trình hợp tác, phát triển của hai doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy ngành viễn thông Việt Nam tiến lên một tầm cao mới.

Đây cũng chính là bước triển khai cụ thể, thiết thực để thực hiện theo chủ trương chỉ đạo của Chính phủ nói chung và của UBQLV nói riêng trong việc tăng cường kết nối, thúc đẩy hợp tác, liên kết giữa các doanh nghiệp thuộc hệ sinh thái của UBQLV.

Theo Phó Chủ tịch Nguyễn Ngọc Cảnh, việc chia sẻ hạ tầng sẽ giúp mở rộng vùng phủ sóng; tiết kiệm chi phí đầu tư, vận hành, khai thác hạ tầng viễn thông; nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên viễn thông; thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ tiên tiến trong ngành viễn thông; tăng cường khả năng cạnh tranh của ngành viễn thông Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Để việc chia sẻ hạ tầng giữa VNPT và MobiFone đạt hiệu quả cao nhất, Phó Chủ tịch Nguyễn Ngọc Cảnh đề nghị hai doanh nghiệp cần đặc biệt quan tâm, tiếp tục phối hợp chặt chẽ, tăng cường trao đổi thông tin, thống nhất các giải pháp kỹ thuật, công nghệ, vận hành, quản lý hạ tầng dùng chung.

Hai doanh nghiệp cũng cần rà soát, hoàn thiện các quy định, quy trình liên quan đến việc chia sẻ hạ tầng, đảm bảo tính minh bạch, công khai, hiệu quả, đúng quy định của pháp luật.

Đồng thời, VNPT và MobiFone cần tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực để vận hành, khai thác hạ tầng dùng chung một cách hiệu quả; có các biện pháp bảo đảm an ninh mạng, an toàn thông tin cho hạ tầng dùng chung.

UBQLV sẽ luôn đồng hành, tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ hai doanh nghiệp hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ, đóng góp vào sự phát triển của ngành viễn thông Việt Nam, cũng như sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước - Phó Chủ tịch Nguyễn Ngọc Cảnh khẳng định.

Cùng chuyên mục
Hai “ông lớn” ngành viễn thông hợp tác khai thác, dùng chung hạ tầng