Hội nghị toàn quốc về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam được tổ chức ngày 22/12 là Hội nghị đầu tiên, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam. Đây có thể coi là “'hội nghị Diên Hồng” về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam. Tại đây, nhiều ý kiến của các chuyên gia, nhà quản lý được nêu ra.
Kiến trúc sư Hoàng Thúc Hào - Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam: Cần "đầu tư" niềm tin lớn vào văn nghệ sĩ, trí thức
Công nghiệp văn hóa suy cho cùng là vì con người, phát triển kinh tế-xã hội, giúp bảo vệ sự đa dạng sinh thái. Vấn đề là có những cốt lõi nào, giá trị nào ưu tiên trước, có khả năng cạnh tranh trước và cạnh tranh sau, luôn phải đảm bảo nguyên tắc sau cùng là hướng tới phát triển bền vững.
Trong kiến trúc có những công trình, cụm công trình có giá trị nhất định trong ngắn hạn, nhưng chưa chắc 30 năm sau nó đã phát huy được giá trị.
Những khu đô thị, công trình của Việt Nam được giới kiến trúc đánh giá cao. Ở Anh có những đô thị cổ, hay những công trình mới ở Pháp do những kiến trúc sư lớn trên thế giới, đều xây hiện đại nhưng tiếp thu những tinh hoa của kiến trúc La Mã, Hy Lạp…
Nhiều kiến trúc sư trên thế giới làm theo hướng hoài cổ. Việt Nam cũng có những công trình như Bảo tàng Lịch sử, Trụ sở Bộ Ngoại giao đến bây giờ vẫn là những hình mẫu kiến trúc.
Chúng ta có hàng nghìn làng nghề, 54 dân tộc, sở hữu kho tàng bản địa vô giá nói chung và cho kiến trúc nói riêng. Những công trình kiến trúc kết hợp gỗ và đất, những công trình xếp đá của đồng bào, trung tâm sáng tạo các làng nghề rất đẹp, được nhiều kiến trúc sư trẻ làm, đạt nhiều giải thưởng quốc tế.
Văn hóa thì sâu lắng, phải làm đến cùng. Không có tác phẩm văn học nghệ thuật lớn cũng như các phát minh khoa học công nghệ ra đời một cách đơn giản, đều phải trăn trở, làm đi làm lại rất nhiều lần.
Như việc tại giải VinFuture 2023 vừa qua, tất cả những sáng tạo đều rất khó khăn mới đạt được, thậm chí Giáo sư nghĩ ra vaccine Pfizer đã từng bị bác rất nhiều lần, nhưng vị Giáo sư này vẫn tin cách làm của mình đúng và sau này được thừa nhận.
Những tác phẩm văn học nghệ thuật lớn góp phần khơi dậy niềm tự hào văn hóa và con người Việt Nam, cái chính là ta có đủ khát khao, mãnh liệt để làm. Công nghiệp văn hóa cần một nền móng góp phần khơi dậy niềm tự hào về văn hóa và con người Việt Nam thì công nghiệp văn hóa Việt Nam mới cất cánh được. Nhà nước, cấp quản lý là "bà đỡ" bao dung, quan trọng nhất là "đầu tư" niềm tin lớn vào văn nghệ sĩ, trí thức, nhất là văn nghệ sĩ tiêu biểu.
Dân tộc, khoa học, đại chúng là chủ trương rất đúng. Nhà nước và các tổ chức chính trị-xã hội giúp kết nối mạng lưới toàn cầu, bởi văn nghệ sĩ trong nước nếu không cọ xát, giao tiếp văn nghệ sĩ quốc tế sẽ rất khó trong sân chơi toàn cầu.
Tôi xin nêu ví dụ, vừa rồi có dịch giả Nguyễn Bình sinh năm 2001, hiện đang theo học ngành Thiên văn học tại Đại học Arizona, Mỹ, dịch tác phẩm "Truyện Kiều", mất rất nhiều thời gian, nhưng tác phẩm của anh được các giáo sư Mỹ đánh giá là bản dịch mang tính học thuật nhất, xứng đáng trở thành một phần quan trọng trong việc nghiên cứu “Truyện Kiều”. Hay như chị Amy Lê, một người Mỹ gốc Việt, từng có một số triển lãm cá nhân tại trung tâm triển lãm nghệ thuật Henry, Seattle năm 2007, Bảo tàng Nhiếp ảnh đương đại, Chicago (2006) và Trung tâm nghệ thuật đương đại New York năm 2002… đều khiến chúng ta rất tự hào.
Bà Ngô Thị Bích Hạnh - Tổng Giám đốc Công ty BHD: Ăn trộm một cái xe máy thì bị đi tù nhưng ăn trộm một bộ phim 30-40 tỷ chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính
BHD muốn chia sẻ suy nghĩ về một số chính sách mà Nhà nước có thể hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp Việt Nam để có thể phát triển công nghiệp điện ảnh và nội dung số trở thành lĩnh vực quan trọng trong phát triển công nghiệp văn hóa tại Việt Nam từ góc nhìn của một doanh nghiệp đã hoạt động 27 năm trong lĩnh vực này.
Công nghiệp văn hóa tuy vẫn là một thứ rất mới với Việt Nam vì công nghiệp văn hóa phát triển ở Việt Nam khoảng 15 năm nay và về mặt chính sách và quản lý nhà nước, ngành này hiện tại chủ yếu được vận hành chỉ là quản lý văn hóa chứ chưa phải công nghiệp văn hóa.
Hiện tại tổng quan thị trường điện ảnh, các hệ thống rạp có phim Việt chiếm khoảng 30% thị phần, so với các nước trong khu vực thì tỷ lệ này khoảng 70-90%. Doanh thu phim Việt thì khoảng từ 18-33%, so với những nước như Hàn Quốc, Trung Quốc là 50-70%. Tỉ lệ bán vé trong những năm gần đây của Việt Nam tăng 20-40%. Việt Nam có khả năng lọt vào top 10 nước có doanh thu phòng vé lớn nhất thế giới. Khi Việt Nam lọt vào nhóm đó thì tỉ lệ phim sẽ chiếm bao nhiêu phần trăm hay vẫn là 70% dành cho nước ngoài? Chính sách của Nhà nước rất quan trọng hỗ trợ điện ảnh nước nhà phát triển.
Năm nay là cơ hội cho điện ảnh, công nghiệp sáng tạo nội dung châu Á. Người Việt Nam sẽ có cơ hội xem nhiều phim Việt Nam hơn khi công nghiệp văn hóa phát triển.
Các chính sách để văn hóa phát triển thì BHD thấy rằng phải coi trọng luật pháp và sản phẩm văn hóa. Sản phẩm văn hóa là tài sản trí tuệ nhưng bây giờ tài sản trí tuệ không thể mang ra vay vốn ngân hàng được, tài sản trí tuệ cũng không được bảo hộ. Liên quan đến vi phạm bản quyền, ăn trộm một cái xe máy thì bị đi tù nhưng ăn trộm một bộ phim 30-40 tỷ chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính.
Làm sao phải khơi thông nguồn vốn ngân hàng, vốn vay cho văn hóa. Rất mong Nhà nước có chính sách cho các doanh nghiệp văn hóa được vay với lãi suất như lãi suất cho vay nông nghiệp. Làm sao để các bộ phim không có tài sản hữu hình mà có thể đi vay để sản xuất được.
Để xây dựng được công nghiệp văn hóa thì phải xây dựng được cơ sở vật chất cho công nghiệp đó, ví dụ như rạp chiếu phim, phim trường. Rạp chiếu phim cần được giảm giá hoặc những địa điểm hơi xa thì được miễn tiền thuê đất, giảm tiền thuê đất, giảm tiền điện, nước cho doanh nghiệp làm văn hóa.
Ví dụ BHD thuê rạp chiếu phim ở các trung tâm thương mại thì phải cạnh tranh với các lĩnh vực khác, rất khó khăn. Một vé xem phim giá chỉ bằng cốc café thôi vì nó là văn hóa đại chúng, mọi người dân đều được tiếp cận, nếu giá thuê cao cạnh tranh với những hàng ăn, hàng xa xỉ thì không cạnh tranh được mà các doanh nghiệp cho thuê không giảm giá. Nên giảm giá tiền thuê đất, tiền điện, nước rất quan trọng.
Về thủ tục hành chính, để quay một cảnh phim, phải xin nhiều giấy phép, trong đó có giấy phép của Sở Văn hóa, giấy phép của phường, Công an phường, công ty cây xanh nếu quay ở công viên cây xanh, phim có hành động cháy nổ phải xin phép cơ quan phòng cháy, chữa cháy. Trong một ngày đoàn làm phim đi làm ở 3 địa điểm thì ngần ấy giấy phép phải làm, rất khó khăn.
Các nhà sáng tạo nội dung trên Facebook, Youtube, Tiktok... có đóng góp rất lớn cho giới trẻ, đóng góp thuế rất lớn nhưng hiện nay vẫn còn bất cập. Họ là những bạn trẻ 18-20 tuổi không thuộc một tổ chức nào cả, vậy Nhà nước cần định hướng cho người ta biết làm việc gì đúng.
Bên cạnh đó, bây giờ thuế xuất khẩu đi nước ngoài là 0% nhưng những nhà sáng tạo nội dung xuất khẩu nội dung sang Mỹ, ngoài nộp 35% thuế ở Mỹ, về Việt Nam vẫn phải nộp 10% thuế VAT trong khi người Việt Nam không hề xem nội dung đó.
Nếu các nhà sáng tạo nội dung không ký trực tiếp với nền tảng mà ký hợp đồng hợp tác qua các agency thì đại lý sẽ phải đóng thuế VAT 10% cho toàn bộ doanh thu của cả nhà sáng tạo nội dung và sau đó các nhà sáng tạo nội dung phải nộp thêm phần thuế VAT 5% của mình. Việc này sẽ giúp các cơ quan thuế cũng như Bộ Thông tin và Truyền thông dễ quản lý một số đầu mối chính thay vì khoảng hơn 20.000 nhà sáng tạo nội dung cá nhân như hiện nay…
Đạo diễn Hoàng Nhật Nam: Công nghiệp văn hóa dựa trên nghệ thuật biểu diễn và văn hóa du lịch là thế mạnh đầy tiềm năng
Tôi là một đạo diễn gắn với các hoạt động tổ chức biểu diễn, gắn liền với các show như show thực cảnh Tinh hoa Bắc Bộ, các lễ hội lớn như Festival Hoa Đà Lạt, các liên hoan phim Việt Nam, liên hoan phim quốc tế, tổng đạo diễn của nhiều cuộc thi hoa hậu trong nước và quốc tế, các chương trình truyền hình thực tế, giải trí trên truyền hình và các nền tảng mạng
xã hội, chương trình thời trang…
Hiện có hơn 5.400 làng nghề rải khắp các tỉnh, thành phố, đặc biệt ở thủ đô Hà Nội với đủ các ngành khác nhau. Số nghệ nhân được phong tặng ngày càng nhiều và họ đều cần được phát huy để đảm bảo phát triển mẫu mã mới và phát triển du lịch ở mỗi làng nghề và các địa phương.
Chúng tôi đã có một Đại hội lớn và đưa ra chủ đề: Kết nối cộng đồng làng nghề, bảo tồn văn hóa, phát triển du lịch, đổi mới sáng tạo, hội nhập quốc tế. Nếu như làng nghề không bám vào văn hóa và không nắm được du lịch thì làng nghề sẽ không hợp với sự hội nhập của chúng ta. Phần lớn các làng nghề hiện nay ngoài sản phẩm ra, còn có những hoạt động bổ trợ khác về văn hóa. Nơi nào làng nghề phát triển tốt, nơi đó an ninh trật tự tốt, ít có sai phạm, ít có thanh niên hư hỏng và tạo được việc làm cho thanh niên.
ÔNG LƯU DUY DẦN - CHỦ TỊCH HIỆP HỘI LÀNG NGHỀ VIỆT NAM
Đây là một cuộc chơi cũng lắm công phu và những công ty giải trí về văn hóa như chúng tôi trong những năm qua cũng rất cố gắng, rất chật vật, đôi khi phải "lấy lỗ làm lời", "lời" ở đây là về mặt quảng bá văn hóa, danh tiếng để có thể hy vọng khi nền kinh tế tốt hơn sẽ có những dự án hấp dẫn, giúp cho công ty được tốt hơn.
Tôi muốn nhấn mạnh ở đây những nội dung về nghệ thuật biểu diễn, du lịch văn hóa, thiết kế thời trang là những nội dung gắn với trải nghiệm của mình và Công ty Sen Vàng, đơn vị đã trải qua những hoạt động này.
Nói về xu hướng giải trí, chúng ta có thể dễ dàng tìm kiếm trên mạng để có nhiều thông tin hơn. Xu hướng là những thứ diễn ra tức thời, nhanh hơn chúng ta nghĩ, khi chúng ta bận rộn với một việc gì đó, một dự án, lúc trở lại chúng ta đã cảm thấy đôi khi mình chậm đi một nhịp, lạc hậu so với những chuyển biến xung quanh. Thế giới hiện nay phân định giữa thế giới thực và không gian mạng (thế giới ảo); ai cũng gắn với một chiếc điện thoại thông minh, có nhiều tính năng hơn cả một phương tiện, nó còn được xem là một người bạn.
Như vậy chúng ta thấy những nội dung video dạng ngắn là xu hướng giải trí, truyền thông có tác động mạnh những năm gần đây với nội dung rất phong phú và trải dài từ nghệ thuật biểu diễn, quảng cáo, đến du lịch văn hóa cũng như trải dài trên các nền tảng như Facebook Watch, Instagram, YouTube Shorts và không thể không nhắc đến TikTok.
Hiện nay Gen Z là thế hệ thường xuyên sử dụng những nền tảng này áp đảo hơn các nền tảng khác và xây dựng những video dạng ngắn rất hấp dẫn, có sức lan tỏa, sức tiêu thụ rất rộng lớn. Tuy nhiên, điều đó cũng hạn chế khả năng tư duy cũng như trí tưởng tượng phong phú của người dùng. Thông qua những nền tảng như thế này, tôi cũng thấy hiện tượng tấn công mạng, những hội nhóm tẩy chay, điều hướng dư luận có thể giết chết một cá nhân hoặc một tập thể, giết chết tương lai, danh tiếng và ảnh hưởng đến kinh tế của tổ chức, cá nhân rất nhiều.
Tôi cũng muốn nói đến trường hợp của Việt Nam trong công nghiệp văn hóa dựa trên nghệ thuật biểu diễn và văn hóa du lịch, là thế mạnh đầy tiềm năng.
Tôi là đạo diễn show Tinh hoa Bắc Bộ ở chùa Thầy (Hà Nội). Show diễn ra đời từ năm 2017, trải qua những năm khó khăn vì Covid-19, với 60 phút của chương trình, tôi nhận thấy tất cả khán giả, du khách quốc tế đều rất ấn tượng và cảm thấy tiếp cận được với văn hóa Việt Nam chỉ trong thời lượng rất ngắn.
Nhưng buổi diễn cũng gặp rất nhiều khó khăn và nhiều khi nghĩ đến phương án đóng chương trình với rất nhiều lý do khác nhau sau những năm bị ảnh hưởng Covid-19 như việc kiểm soát về con người, hư hao về trang thiết bị, tìm kiếm nguồn khách… Hiện nay show chỉ diễn ra một ngày thứ bảy, chúng tôi mong muốn được diễn nhiều hơn để buổi diễn có sức sống, lan tỏa được nhiều hơn.
Tiếp đến là việc kết hợp giữa văn hóa và thông qua các hình thức giải trí. Vừa qua, chúng tôi đã tổ chức thành công cuộc thi Hoa hậu Hòa bình Quốc tế. Trong 23 ngày, chúng tôi đã dẫn thí sinh qua rất nhiều di sản từ Hà Nội, Hạ Long đến Đà Nẵng, Huế, Hội An, TPHCM. Thí sinh được trải nghiệm, mặc những trang phục truyền thống, áo tứ thân, áo dài, áo bà ba, nấu những món ăn, sử dụng những nền tảng công nghệ livestream cá nhân của từng người để lan tỏa. Mỗi thí sinh của hơn 70 quốc gia đóng vai trò là những đại sứ. Tôi rất mong, các cuộc thi hoa hậu hiện nay đang bão hòa, nên có sự kiểm soát các cuộc thi uy tín, nghiêm túc; cấp phép và rà soát để không xảy ra những kiện tụng về xâm phạm bản quyền. Điều này làm cho doanh nghiệp rất mất thời gian, mất đi sức sống, thiệt hại về kinh tế trong khi có thể làm những việc khác to lớn hơn.
Chúng tôi cũng thực hiện rất nhiều dự án xây nhà tình thương, xây trường… hàng chục tỷ đồng, truyền cảm hứng. Tôi mong các thủ tục cấp phép và việc kiểm soát giúp phân định chất lượng hoạt động của các công ty, như vậy sẽ hỗ trợ tốt hơn cho những doanh nghiệp làm tốt.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thông Lê Minh Hoan: Còn nhiều dư địa dành cho các nhà sáng tạo nội dung
Nói về công nghiệp văn hóa, tôi muốn chia sẻ một vài câu chuyện về Hàn Quốc. Đảo Nami là trường quay "Bản tình ca mùa đông" đã là điểm đến du lịch nổi tiếng, thu hút lượng lớn khách du lịch. Bên cạnh đó là ảnh hướng tới xu hướng thời trang. Như vậy, lực hấp dẫn của văn hóa tạo ra hiệu ứng lớn. Phim Hàn Quốc đi tới đâu thì các sản phẩm của Hàn Quốc đi ra thế giới tới đó. Quảng cáo từ phim đã cộng hưởng để tạo ra nguồn kinh phí lớn, hiệu ứng tốt. Đó cũng là không gian phát triển cho các nhà làm văn hóa. Phim trường "Dae Chang Kum" tạo ra một quần thể du lịch để thu hút khách du lịch. Một phim trường của bộ phim về thần y tạo ra nghề bán thuốc cho làng.
Chúng ta có thể nhìn văn hóa ở khía cạnh bán hàng. Gần đây, tỉnh Phú Yên đã sử dụng phim "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh" để làm thương hiệu du lịch cho tỉnh và tương đối thành công. Đây chính là sức mạnh của văn hóa.
Đã đến lúc chúng ta phải định vị lại tính giải trí. Người Hàn Quốc đã đưa ra một khái niệm mới là nông nghiệp giải trí, ghép nông nghiệp và giải trí trở thành một thuật ngữ, một sản phẩm mang lại giá trị thương mại đặc sắc.
Tại Bắc Giang vừa qua, có sự kiện văn hóa - thời trang kết hợp với nông nghiệp trong mùa vải Lục Ngạn để kết nối bán hàng đã tạo ra sự lan tỏa tốt, thu hút được sự quan tâm và rất hiệu quả. Sự sáng tạo trong văn hóa, nông nghiệp - nông thôn còn nhiều dư địa dành cho các nhà sáng tạo nội dung. Chúng ta có thể áp dụng và phát huy sức mạnh này tại nhiều địa phương với đa dạng các sản phẩm làng nghề thông qua chuyển đổi số, các nền tảng. Chúng ta không nên xem nhẹ yếu tố giải trí mà phải coi đó là tiềm lực quan trọng.
Nhìn rộng ra, công nghiệp văn hóa không chỉ mang lại giá trị kinh tế mà là giá trị sâu xa trong quảng bá hình ảnh đất nước, địa phương và các sản phẩm mang đậm bản sắc. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần khai phá ra những không gian phát triển mới.