Hỗ trợ doanh nghiệp phải đúng và trúng mục tiêu chính sách

THÙY ANH (thực hiện) | 28/04/2023 14:28

(BKTO) - Trong bối cảnh doanh nghiệp (DN) gặp nhiều khó khăn, rất cần những chính sách hỗ trợ DN kịp thời. Các chương trình hỗ trợ phải đúng và trúng mục tiêu để DN duy trì được hoạt động, tiếp tục tạo công ăn, việc làm cho người lao động (NLĐ) và nguồn thu ngân sách. Đây là trao đổi của ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - với phóng viên Báo Kiểm toán.

dau-anh-tuan.jpg
Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban Pháp chế VCCI Đậu Anh Tuấn. Ảnh sưu tầm

Thưa ông, trong quý I/2023, số DN rút lui khỏi thị trường nhiều hơn số DN gia nhập. Từ con số này, ông nhận định như thế nào về “sức khỏe” của DN và tình hình lao động, việc làm trong nước?

Số DN rút lui khỏi thị trường lớn hơn số DN gia nhập thị trường trong quý I/2023 là con số rất đáng suy nghĩ. Điều này thể hiện mức độ khó khăn của môi trường kinh doanh - nền kinh tế vừa bước qua đại dịch Covid-19 nhưng đã phải đối mặt với những khó khăn mới từ tình hình kinh tế toàn cầu và trong nước. Không chỉ hơn 60.000 DN đã chính thức rời khỏi thị trường trong quý I, số lượng DN đang trên bờ vực phá sản, giải thể, thu hẹp quy mô hoạt động hiện tại có thể cũng rất lớn.

DN khó khăn sẽ tác động trực tiếp lên tình hình lao động, việc làm của cả nước. Hiện tại, không ít DN tại các trung tâm kinh tế lớn đã phải cho nhiều công nhân nghỉ việc. Giảm việc làm là điều tất yếu khi đơn hàng sụt giảm, doanh số không duy trì được. Nếu điều này diễn ra trong một thời gian ngắn thì DN còn có thể cầm cự nhưng nếu kéo dài thì xu hướng cắt giảm việc làm chắc chắn sẽ còn xảy ra. Điều này sẽ tạo hệ lụy lớn đến công ăn, việc làm cho NLĐ và về dài hạn sẽ ảnh hưởng mọi mặt đến an sinh xã hội, an ninh trật tự…

Để DN và thị trường việc làm phục hồi bền vững, đảm bảo cuộc sống cho NLĐ, theo ông, các chính sách hỗ trợ cần được tiếp tục triển khai như thế nào?

Để DN và thị trường lao động phục hồi bền vững, điều quan trọng là đẩy mạnh thực hiện các nhóm giải pháp hỗ trợ DN. Trước hết là những nhóm giải pháp hỗ trợ về thuế, phí và các nghĩa vụ tài chính phải nộp. Chính sách tài khóa về giãn, hoãn thuế và các nghĩa vụ tài chính đã phát huy tác dụng trong 3 năm vừa qua được kỳ vọng sẽ tiếp tục hỗ trợ tích cực trong năm 2023. Một số chính sách do Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành cũng là “liều thuốc” quan trọng để hỗ trợ DN tiếp cận vốn. Hy vọng rằng tiếp tục có nhiều nhóm chính sách hỗ trợ DN tích cực hơn trong thời gian tới.

Trong bối cảnh DN gặp khó khăn, rất cần những chính sách hỗ trợ kịp thời để các DN duy trì được hoạt động, tiếp tục tạo được công ăn, việc làm cho NLĐ và nguồn thu ngân sách. Các chính sách hỗ trợ DN khi được thiết kế phải rõ ràng, đơn giản, ít phải hướng dẫn thực hiện, tạo thuận lợi nhất khi triển khai. Trong các nhóm chính sách về tài khóa, chính sách giảm 2% thuế giá trị gia tăng dù có gặp một số khó khăn nhỏ giai đoạn đầu về mặt hàng giảm thuế nhưng nhìn chung được thực hiện thành công, đóng góp rất lớn vào kích cầu tiêu dùng, kích thích tăng trưởng năm 2022. Ngược lại, chính sách hỗ trợ 2% lãi suất vay vốn qua ngân hàng thương mại phải đi qua hệ thống thực thi và phát sinh trách nhiệm của các cơ quan rất lớn, nguy cơ lạm dụng chính sách cũng cao như giai đoạn cách đây 10 năm (2012-2013). Nhiều DN và ngân hàng cũng e ngại về rủi ro khi tuân thủ chương trình hỗ trợ này. Cho đến nay, dù mục tiêu rất tích cực nhưng chương trình này được đánh giá là chưa thành công.

Như vậy, điều quan trọng là chương trình hỗ trợ DN phải đúng và trúng mục tiêu chính sách. DN khi sử dụng các chương trình hỗ trợ với tinh thần tuân thủ đúng quy định pháp luật, công khai, minh bạch. Muốn vậy, DN phải nắm vững, am hiểu các quy định pháp luật.

“Cơ quan kiểm toán đóng vai trò rất quan trọng trong đảm bảo quản lý, sử dụng nguồn tài chính an toàn, hiệu quả, minh bạch, duy trì sự tuân thủ pháp luật. Do vậy, hoạt động kiểm toán ảnh hưởng lớn tới việc thực hiện các chương trình hỗ trợ DN có sử dụng nguồn ngân sách nhà nước” - ông Đậu Anh Tuấn

Thực tiễn cho thấy, việc sử dụng nguồn tài chính minh bạch, hiệu quả sẽ giúp DN phát triển bền vững và cũng là yếu tố quan trọng để đảm bảo công ăn việc làm cho NLĐ, nhất là trong bối cảnh khó khăn hiện nay. Ông có quan điểm như thế nào về vấn đề này?

Chính sách về tài khóa rất quan trọng để hỗ trợ DN vượt qua khó khăn và nhanh chóng phục hồi. Điều này đã được chứng minh rất rõ trong hơn 2 năm xảy ra dịch Covid-19. Nhưng khi sử dụng nguồn tài chính từ ngân sách, yêu cầu về minh bạch, hiệu quả rất quan trọng. Một mặt nó đảm bảo nguồn lực của Nhà nước được chi tiêu hiệu quả nhất, có tác động tích cực nhất, đặc biệt trong bối cảnh nguồn lực của Nhà nước Việt Nam còn rất hạn chế. Thứ hai, nó cũng giúp bảo vệ sự an toàn cho DN trong hoạt động dài hạn sau này. Khi DN được thụ hưởng các chính sách hỗ trợ mà không phát sinh rủi ro pháp lý nào, quá trình hồi phục sẽ bền vững.

Bối cảnh khó khăn, bất ổn hiện nay và giai đoạn dịch Covid-19 là “liều thuốc thử” về khả năng quản trị rủi ro, thích ứng của DN Việt Nam. Khả năng thích ứng, luôn có sự xoay xở và sẵn sàng thay đổi là yếu tố cực kỳ quan trọng mà DN Việt Nam cần phải có. DN nào có thực lực về tài chính, quản trị rủi ro tốt thì dù gặp khó khăn, đối mặt với vô vàn bất ổn, khả năng vượt qua sẽ rất cao.

Cùng với việc sử dụng hiệu quả các nguồn lực tài chính, theo ông, làm gì để DN phát triển bền vững, tận dụng được các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết và tạo ra nhiều việc làm cho NLĐ?

Việt Nam hiện đã tham gia 15 FTA, có hiệu lực với 53 đối tác thương mại ở 4 châu lục, trở thành một trong những nền kinh tế hội nhập FTA tích cực nhất trong khu vực châu Á. Tác động được kỳ vọng nhất từ các FTA với một nền kinh tế định hướng xuất khẩu (XK) như Việt Nam là các lợi ích thuế quan đối với hàng hóa XK. Tuy nhiên, thống kê cho thấy tốc độ tăng trưởng kim ngạch XK trung bình năm đi các thị trường FTA luôn thấp hơn tốc độ tăng trưởng XK chung; tỷ lệ tận dụng ưu đãi thuế quan FTA đang có xu hướng giảm (từ mức kỷ lục 39,7% năm 2017 giảm dần xuống mức 32,7% năm 2021) và biến động mạnh giữa các năm cho thấy các DN chưa có chiến lược ổn định trong việc tận dụng các ưu đãi.

Kết quả điều tra khảo sát của VCCI giai đoạn 2020-2022 chỉ ra một số nguyên nhân phổ biến khiến DN chưa tận dụng được ưu đãi thuế từ các FTA gồm: Chưa có giao dịch với đối tác FTA (60-69%), không biết lợi ích từ FTA để tận dụng (23-30%), không đáp ứng điều kiện về quy tắc xuất xứ (10-12%), không đáp ứng được các tiêu chuẩn về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, điều kiện kỹ thuật của thị trường XK (5-7%).

Trong thời gian tới, đặc biệt năm 2023, XK của Việt Nam dự kiến sẽ khó khăn do lực cầu có xu hướng giảm mạnh trong khi chi phí sản xuất lại tăng cao. Trước tình hình này, các ưu đãi thuế theo FTA có thể là một công cụ đặc biệt quan trọng giúp XK Việt Nam có lợi thế về giá trong cạnh tranh ở các thị trường FTA. Do đó, để tăng tỷ lệ tận dụng ưu đãi thuế quan FTA của DN, cần xây dựng và triển khai một Chương trình truyền thông lớn để quảng bá thương hiệu sản phẩm (hàng hóa, dịch vụ) Việt Nam ở nước ngoài (tương đương với Chương trình Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam ở trong nước). Cần thiết kế và triển khai các giải pháp hỗ trợ tổng thể cả về đất đai, thuế, môi trường, lao động… để phát triển các khu công nghiệp hỗ trợ cho các ngành XK đang phụ thuộc lớn vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu (đặc biệt là dệt may). Xây dựng và triển khai Chương trình hỗ trợ các ngành nông, thủy sản XK trọng điểm đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật (TBT), vệ sinh an toàn thực phẩm (SPS) của các thị trường nước ngoài.

Xin trân trọng cảm ơn ông!./.

Cùng chuyên mục
Hỗ trợ doanh nghiệp phải đúng và trúng mục tiêu chính sách