VINATEX - Quản trị tài chính minh bạch, đầu tư phát triển theo hướng bền vững

HỒNG THOAN thực hiện | 28/04/2023 11:08

(BKTO) - Phát triển bền vững là xu thế tất yếu, không có lựa chọn khác với doanh nghiệp (DN) dệt may Việt Nam. Cùng với việc đảm bảo việc làm và thu nhập cho người lao động là việc sử dụng tài chính minh bạch, an toàn, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững. Trước thực tế đầy thách thức này, ông Lê Tiến Trường - Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) - đã chia sẻ với Báo Kiểm toán những định hướng, giải pháp nhằm vượt qua thách thức.

1(1).jpg
Ông Lê Tiến Trường - Chủ tịch Hội đồng quản trị Vinatex

Năm 2023, nền kinh tế nói chung và DN nói riêng gặp rất nhiều khó khăn, thách thức. Trong bối cảnh đó, việc triển khai các kế hoạch sản xuất kinh doanh của Vinatex đã đạt được kết quả như thế nào, thưa ông?

Ngay trong quý I/2023, nhập khẩu hàng dệt may của Mỹ đã giảm 15% so với cùng kỳ, thị trường EU và Anh cũng tương tự. Mọi dự báo về tổng cầu dệt may năm 2023 đều thấp hơn năm 2022 từ 10-20%, kịch bản xấu nhất còn thấp hơn cả năm 2020. Việc Trung Quốc mở cửa trở lại làm cho tổng cung tăng đột biến, khiến giá các sản phẩm dệt may giảm từ 20% trở lên, thậm chí tới 50%. Sợi - ngành chủ lực của Vinatex - cũng gặp nhiều khó khăn do cầu thấp, Trung Quốc cũng giảm nhập khẩu trên 40%. Từ quý III/2022, ngành sợi của Việt Nam và các quốc gia cạnh tranh đều đang kinh doanh dưới giá thành. Quý IV/2022, Vinatex đã không có lợi nhuận dù cả năm vẫn đạt lợi nhuận trên 1.200 tỷ đồng, gấp 1,7 lần năm 2019, nhưng là thành quả của 6 tháng đầu năm. Kết thúc quý I/2023, Tập đoàn vẫn hoàn thành 24% kế hoạch doanh thu và 20% kế hoạch lợi nhuận cả năm.

Tập đoàn đặt mục tiêu năm 2023, doanh thu không tăng trưởng và hiệu quả chỉ bằng 60% kết quả năm 2022. Mục tiêu ưu tiên là đảm bảo việc làm cho người lao động với thu nhập như năm 2022 và giữ vững thị phần trong các chuỗi cung ứng lớn của thế giới. Dự báo thị trường còn nhiều biến động bất ngờ nên Tập đoàn sẽ phải nỗ lực rất nhiều.

Hoạt động của ngành dệt may, trong đó có Vinatex, có tác động nhất định đến tình hình kinh tế, lao động, việc làm… của đất nước. Vậy Tập đoàn đã và sẽ làm gì để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh góp phần ổn định việc làm, đảm bảo thu nhập cho người lao động, thưa ông?

Trong khó khăn, giảm giá thành là cơ sở để có thể có đơn hàng; nâng cao năng suất, giảm chi phí trung gian để tồn tại được dưới sức ép thị trường, nhất là khi Việt Nam không có lợi thế tương đối so với các quốc gia xuất khẩu dệt may khác. Vì VNĐ đã tăng giá trị 1% trong quý I/2023, trong khi các quốc gia khác giảm giá nội tệ từ 5-10%, Trung Quốc duy trì tỷ giá NDT/USD ở mức thấp hơn trước dịch 11%. Lãi suất vay vốn của Việt Nam cao hơn các nước từ 3-7% cũng là áp lực lên DN. Giải pháp về quản trị của Vinatex trong 3 năm qua là tập trung chuyển đổi số, đưa dữ liệu quản lý lên không gian chung để so sánh, làm theo những gì tốt nhất và phản ứng nhanh nhất, cũng như giảm nhân sự trung gian… Giải pháp về thị trường là tổ chức sản xuất linh hoạt, làm mọi mặt hàng, làm đơn hàng nhỏ, kỹ thuật khó ít DN làm được; thắt chặt chi phí nhưng tập trung đầu tư các thiết bị tự động có khả năng tiết kiệm lao động, nâng cao chất lượng. Tuy vậy, DN vẫn rất cần sự hỗ trợ từ Nhà nước như: Giảm lãi suất, không chuyển nhóm nợ, duy trì hạn mức vốn vay, tạm hoãn thuế thu nhập DN, phí công đoàn… và đặc biệt là tiếp tục cải cách hành chính.

2.jpg
Sợi là ngành sản xuất kinh doanh chủ lực của Vinatex

Cùng với việc đảm bảo việc làm và thu nhập cho người lao động, việc sử dụng tài chính minh bạch, an toàn, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững cũng là thách thức không nhỏ. Vinatex đang và sẽ xử lý hài hòa các vấn đề này như thế nào, thưa ông?

Phát triển bền vững là xu thế tất yếu, không có lựa chọn khác với DN dệt may Việt Nam. Tuy nhiên, để dịch chuyển sang sản xuất xanh cần nguồn vốn rất lớn trong khi điều kiện kinh doanh lại đang khó khăn, nên vừa phải có giải pháp duy trì “sức khoẻ” DN mà vẫn từng bước đáp ứng yêu cầu của chuỗi cung ứng. Quan điểm của Tập đoàn là đầu tư mới phù hợp năng lực tài chính nhưng phải theo hướng sản xuất xanh, kinh tế tuần hoàn, trên cơ sở lựa chọn đúng công nghệ, thiết bị và tận dụng sự tham gia của các đối tác trong chuỗi cung ứng.

Đồng thời, ngành dệt may thế giới cũng đang đi đầu trong áp dụng tiêu chuẩn ESG (environment-social-governing), trong đó đề cao quản trị minh bạch. Từ năm 2022, Vinatex đã áp dụng hệ thống đánh giá Z-score về “sức khoẻ” tài chính DN, số hoá và xây dựng nền tảng quản trị số với cốt lõi là phần mềm tài chính - kế toán. Đây là những bước đi quan trọng để quản trị sát nhất nguồn lực hiện có, phân bổ và hoạch định cho phát triển bền vững trong tương lai.

Lâu nay, khi đề cập đến các cuộc thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, nhiều DN thường có tâm lý e ngại nhưng cũng không ít DN cho rằng kiểm toán không đơn thuần chỉ ra các sai phạm mà còn tư vấn để DN có được một nền tài chính minh bạch, lành mạnh. Đối với DN ngành dệt may, ông suy nghĩ như thế nào về vấn đề này?

Vinatex là DN cổ phần nhà nước chi phối nhưng hoàn toàn sản xuất kinh doanh trong môi trường cạnh tranh với các đối thủ trong nước và quốc tế. Để đáp ứng các yêu cầu của WTO, từ năm 2005 đến nay, Vinatex không còn nhận được đặt hàng, vốn ưu đãi hay các chương trình phát triển từ Chính phủ. Mặt khác, hoạt động trong chuỗi cung ứng nên Vinatex còn chịu sự đánh giá thường xuyên của các bên thứ 2 (khách hàng, nhà cung cấp) và bên thứ 3 (tổ chức đánh giá độc lập do các khách hàng thuê) về tài chính, quản trị, môi trường, công nghệ, chính sách lao động.

Chính với đặc thù này, Vinatex luôn tiếp cận các cuộc đánh giá của các tổ chức như kiểm toán là các đợt sát hạch nhằm khẳng định các điểm phù hợp của DN là chính yếu, cùng với đó là xác định các hạn chế, tồn tại để có biện pháp khắc phục, phòng ngừa. Kiểm toán, đánh giá của các bên liên quan là hoạt động mang tính thường xuyên, là trách nhiệm giải trình của DN với các đối tác và với xã hội. Tất nhiên, DN luôn mong muốn các cuộc đánh giá diễn ra gọn, tập trung, đưa ra các gợi ý cải tiến cho DN mà quá trình đánh giá các hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn diễn ra hiệu quả, kịp thời.

Thưa ông, một bài toán của các DN dệt may hiện nay là nâng cao năng suất lao động, giúp sử dụng tiết kiệm nhân công và cải thiện thu nhập người lao động. Xin ông cho biết, để hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, Vinatex sẽ giải quyết vấn đề nâng cao năng suất lao động như thế nào?

Giải bài toán năng suất luôn là chìa khoá quan trọng nhất để đạt được hiệu quả và nâng cao năng lực cạnh tranh. Áp lực lớn hơn lên DN lúc này là cùng lúc phải giải bài toán đa mục tiêu, gồm: Thay đổi theo công nghệ 4.0; đầu tư theo hướng kinh tế tuần hoàn và bối cảnh thị trường khó khăn kéo dài trong khi nguồn lực tài chính hạn chế. Tất cả các mục tiêu này đều phải hội tụ lại để giải quyết được vấn đề giá thành sản phẩm cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.

Trên cơ sở dự báo thị trường, phân tích tiềm lực tài chính, nhân lực, công nghệ, thị trường, chúng tôi đã đề ra chiến lược xây dựng Vinatex là một điểm đến cung ứng giải pháp xanh trọn gói cho ngành dệt may, mà khởi đầu từ sản phẩm dệt kim. Vinatex lựa chọn công nghệ xanh, tự động hoá cao, sử dụng ít lao động, có khả năng sản xuất bằng nguồn nguyên liệu tái chế, tuần hoàn.

Vì vậy, trong 4 năm 2019-2023, tổng số lao động của Vinatex gần như không đổi ở mức 65.000 lao động nhưng lợi nhuận tăng từ 650 tỷ đồng lên 1.500 tỷ đồng năm 2021 và 1.211 tỷ đồng năm 2022. Doanh thu cũng tăng bình quân trên 10% năm. Sau 5 năm, lợi nhuận trên đầu người đã tăng trên 2,5 lần, doanh thu trên đầu người tăng 50%. Đây là cơ sở để năm 2022 Vinatex trả lương bình quân đạt 9,7 triệu đồng/người/tháng, trong khi lương bình quân của ngành dệt may chỉ là 6,5 triệu đồng và của khối sản xuất công nghiệp cả nước chỉ trên 6 triệu đồng. Mức thu nhập trên đảm bảo cho nguồn lực lao động của Vinatex tương đối ổn định.

Xin trân trọng cảm ơn ông!./.

Cùng chuyên mục
VINATEX - Quản trị tài chính minh bạch, đầu tư phát triển theo hướng bền vững