Hỗ trợ hiệu quả cho quản lý thu - chi ngân sách, thu thuế của địa phương

VIẾT CHUNG (thực hiện) | 18/09/2023 08:00

(BKTO) - Để hoạt động của Kiểm toán nhà nước (KTNN) ngày càng hỗ trợ hiệu quả hơn cho công tác quản lý thu, chi ngân sách, quản lý thu thuế tại địa phương, cần mở rộng quy mô hoạt động của KTNN để thực hiện kiểm toán được nhiều hơn nguồn tài chính công, tài sản công… - Phó Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Vĩnh Phúc Đỗ Thị Hồng Nhung nhấn mạnh khi trả lời phỏng vấn của Báo Kiểm toán.

mrs-nhung.jpg
Phó Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Vĩnh Phúc Đỗ Thị Hồng Nhung. Ảnh: Huy Thành

Là cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương về lĩnh vực thu, chi ngân sách, lĩnh vực thuế, xin bà cho biết kết quả thực hiện của địa phương trong những tháng qua?

Trong 6 tháng đầu năm 2023, tốc độ tăng trưởng GRDP (giá so sánh 2010) ước tăng 1,69% so cùng kỳ, trong đó ngành nông nghiệp và thủy sản tăng 6,59%, các ngành dịch vụ tăng 9,66%, các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa được quan tâm, an sinh xã hội được đảm bảo, quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

Dự toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc năm 2023 là 32.398 tỷ đồng, thực hiện 6 tháng 15.136 tỷ đồng, đạt 46,7% dự toán (nếu tính cả các khoản được gia hạn theo quy định khoảng 1.000 tỷ đồng thì thu ngân sách 6 tháng đầu năm đạt 50% dự toán). Trong đó, thu nội địa dự toán 27.398 tỷ đồng, thực hiện 6 tháng 12.610 tỷ đồng, bằng 46% dự toán.

Đáng chú ý, thu doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài dự toán là 21.244 tỷ đồng, thực hiện 6 tháng là 9.484 tỷ đồng, đạt 44,6% dự toán, bằng 71,8% so với cùng kỳ. Số thu đạt thấp so với dự toán và giảm so với cùng kỳ chủ yếu là do hai công ty Honda và Toyota giảm sản lượng và số thuế phải nộp so với cùng kỳ.

Thu tiền sử dụng đất được dự toán 1.800 tỷ đồng, thực hiện 6 tháng là 629 tỷ đồng, đạt 35% dự toán. Số thu tiền sử dụng đất đạt thấp so với dự toán là do thị trường bất động sản trầm lắng, việc đấu giá đất gặp nhiều khó khăn và các doanh nghiệp chậm triển khai các dự án đô thị nên chưa thực hiện nộp tiền sử dụng đất của các dự án đô thị vào ngân sách nhà nước.

Thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu dự toán 5.000 tỷ đồng, thực hiện 6 tháng 2.526 tỷ đồng, đạt 50,5% dự toán. Như vậy, kết quả thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước của địa phương cơ bản đạt tiến độ so với dự toán được Thủ tướng Chính phủ giao.

Còn dự toán chi ngân sách của địa phương là 19.282 tỷ đồng, thực hiện 6 tháng là 8.105 tỷ đồng, đạt 42% dự đoán, bằng 119% so với cùng kỳ. Trong đó, giải ngân vốn đầu tư công đạt 3.273 tỷ đồng, bằng 42,6% kế hoạch. Chi ngân sách địa phương cơ bản đáp ứng nhu cầu chi theo dự toán và các nhiệm vụ chi phát sinh của địa phương, ưu tiên bố trí kinh phí chi khắc phục hậu quả của thiên tai, tăng chi sự nghiệp y tế, giáo dục, đảm bảo xã hội và an ninh, quốc phòng.

thue.jpg
Dự toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc năm 2023 là 32.398 tỷ đồng, thực hiện 6 tháng 15.136 tỷ đồng, đạt 46,7% dự toán. Ảnh minh họa: Tạp chí Tài chính

Qua kết quả kiểm toán hàng năm, KTNN cho biết nhiều đơn vị còn sai sót trong việc hạch toán kế toán, kê khai nghĩa vụ với ngân sách nhà nước. Từ phía Sở Tài chính, bà nhận định thế nào về tình trạng này?

Trên địa bàn tỉnh vẫn còn các đơn vị sai sót trong việc hạch toán kế toán, kê khai nghĩa vụ với ngân sách nhà nước. Tình trạng không kê khai, kê khai sai, kê khai thiếu, kê khai không trung thực làm giảm số thuế phải nộp cho ngân sách nhà nước của một bộ phận người nộp thuế vẫn còn xảy ra.

Nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, tránh thất thu ngân sách, cần phải thực hiện nhiều giải pháp để chấn chỉnh tình trạng hạch toán, kê khai thuế không đầy đủ.

Thứ nhất, tiếp tục rà soát, nghiên cứu trình các cấp có thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật thuế theo hướng bao quát được hết nguồn thu, nâng cao hiệu quả quản lý thuế cho cơ quan thu, phòng chống gian lận, trốn thuế, thất thu và nợ đọng thuế, thực hiện quản lý thuế điện tử; đẩy mạnh việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin và trí tuệ nhân tạo trong công tác quản lý thuế, tạo môi trường thuận, lợi rõ ràng minh bạch cho người nộp thuế thực hiện nghĩa vụ với ngân sách nhà nước.

Thứ hai, hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện hạch toán kê khai đầy đủ nghĩa vụ tài chính với nhà nước.

Thứ ba, đẩy mạnh kiểm tra, giám sát kê khai thuế của người nộp thuế ngay từ đầu năm, tập trung kiểm tra các tờ khai, những lĩnh vực kinh doanh tiềm ẩn rủi ro, đặc biệt là những doanh nghiệp được hưởng các chính sách gia hạn, miễn giảm tiền thuế để đôn đốc người nộp thuế nộp đầy đủ tiền thuế, tiền thuê đất được gia hạn vào ngân sách nhà nước đúng thời hạn theo quy định...

Thứ tư, nâng cao chất lượng và đổi mới phương thức thực hiện thanh tra, kiểm tra trong điều kiện ứng dụng công nghệ thông tin; tổ chức đôn đốc thu đầy đủ kịp thời các khoản thu phát sinh, các khoản phải thu theo kết quả của các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán vào ngân sách nhà nước; tăng cường công tác rà soát, kiểm tra hóa đơn điện tử theo Chỉ thị 01/CT-TCT ngày 11/4/2023 của Tổng cục Thuế để ngăn chặn gian lận trong việc sử dụng hóa đơn nhằm chống thất thu cho ngân sách.

Thứ năm, tiếp tục duy trì và tăng cường hoạt động của Ban chỉ đạo chống thất thu, thu hồi nợ đọng thuế; các ngành, các cấp ở địa phương phối hợp chặt chẽ với cơ quan thuế trong công tác quản lý thu, chống thất thu ngân sách.

Thời gian qua, Sở Tài chính đã có những động thái nào để đôn đốc, thúc đẩy các đơn vị thực hiện nghiêm túc các kết luận, kiến nghị kiểm toán, thưa bà?

Trong thời gian qua, Sở Tài chính rất quan tâm chú trọng đến việc thực hiện các kiến nghị của KTNN trên địa bàn. Sở Tài chính đã tham mưu với UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các đơn vị nghiêm túc thực hiện các kết luận, kiến nghị kiểm toán.

Căn cứ Chỉ thị số 22/CT-TTg ngày 26/3/2023 của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành Chỉ thị số 19/CT-UBND ngày 03/7/2023 về tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính, trong đó yêu cầu các Sở, ngành, địa phương tổ chức đôn đốc chỉ đạo thực hiện và báo cáo kết quả xử lý các kiến nghị, kết luận kiểm toán, tập trung làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, cá nhân liên quan để đề ra giải các giải pháp và phối hợp với KTNN xử lý dứt điểm các kiến nghị, kết luận còn tồn đọng từ các năm trước.

Sở Tài chính đề nghị các đơn vị rà soát, xác định những kết luận, kiến nghị kiểm toán đang thực hiện, chưa thực hiện; nguyên nhân các kết luận, kiến nghị chưa được thực hiện hoàn thành (chủ quan, khách quan) để đề xuất giải pháp cụ thể.

Sở Tài chính cũng phối hợp với KTNN tổ chức hội nghị hướng dẫn các cơ quan, đơn vị thực hiện các kết luận, kiến nghị kiểm toán; chủ động nghiên cứu, hướng dẫn các đơn vị thực hiện các kiến nghị kiểm toán; thường xuyên đôn đốc, đề nghị các đơn vị báo cáo kết quả thực hiện kiến nghị; phân công bộ phận theo dõi, đôn đốc, tổng hợp các kiến nghị kiểm toán.

Bà có đề xuất gì để hoạt động kiểm toán của KTNN ngày càng hỗ trợ hiệu quả hơn cho công tác quản lý thu, chi ngân sách, quản lý thu thuế tại địa phương, thưa bà?

Để hoạt động kiểm toán của KTNN ngày càng hỗ trợ hiệu quả hơn cho công tác quản lý thu, chi ngân sách, quản lý thu thuế tại địa phương, tôi đề xuất một số nội dung.

Một là, mở rộng quy mô hoạt động của KTNN để thực hiện kiểm toán được nhiều hơn nguồn tài chính công, tài sản công.

Hai là, tập trung kiểm toán đánh giá hiệu lực, hiệu quả cơ chế chính sách, chú trọng phát hiện các vướng mắc, những nội dung chưa phù hợp với thực tiễn, kẽ hở trong cơ chế, chính sách, pháp luật, những điểm nghẽn, rào cản ảnh hưởng đến phát triển kinh tế để kiến nghị với cấp có thẩm quyền hoàn thiện đồng bộ hệ thống pháp luật.

Ba là, thường xuyên tiến hành kiểm tra việc thực hiện các kết luận, kiến nghị của KTNN để có biện pháp xử lý những hành vi không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ các kết luận, kiến nghị kiểm toán của KTNN.

Cùng chuyên mục
  • Bảo đảm tiến độ chương trình xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật
    8 tháng trước Hoạt động của Ngành
    (BKTO) - Đến cuối tháng 8/2023, Kiểm toán nhà nước (KTNN) đã ban hành 21 văn bản, 11 văn bản đã xây dựng xong và đang gửi lấy ý kiến hoặc đang tổng hợp ý kiến góp ý, 19 văn bản đang xây dựng dự thảo theo chương trình xây dựng văn bản của Ngành.
  • Khánh thành công trình hỗ trợ Trường Mầm non Púng Luông
    8 tháng trước Hoạt động của Ngành
    (BKTO) - Chiều 16/9, Công đoàn Kiểm toán nhà nước (KTNN) và Đoàn thanh niên KTNN phối hợp cùng Đoàn thanh niên 3 cơ quan: Bộ Giao thông vận tải, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ban Kinh tế Trung ương, Ủy ban Kiểm tra tỉnh Yên Bái, UBND huyện Mù Cang Chải tổ chức Lễ Khánh thành Công trình “Hỗ trợ trường học vùng cao huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái”.
  • Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Nguyễn Tuấn Anh dẫn đầu Đoàn công tác tham dự Cuộc họp của Ban điều hành ASOSAI
    8 tháng trước Kiểm toán
    (BKTO) - Nhận lời mời của Chủ tịch Ủy ban Kiểm toán và Thanh tra Hàn Quốc; Chủ tịch Ủy ban Kiểm toán của Kiểm toán nhà nước (KTNN) Thái Lan, từ ngày 19-22/9/2023, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Nguyễn Tuấn Anh sẽ dẫn đầu Đoàn công tác của KTNN Việt Nam tham dự Cuộc họp Ban điều hành lần thứ 59 của Tổ chức các Cơ quan Kiểm toán tối cao châu Á (ASOSAI) tại Hàn Quốc.
  • Nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công đoàn để chăm lo tốt hơn cho người lao động
    8 tháng trước Kết quả kiểm toán
    (BKTO) - Trên cơ sở kết luận, kiến nghị của Kiểm toán nhà nước (KTNN), Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam đã chỉ đạo các cấp công đoàn nghiêm túc chấn chỉnh, tiếp thu và thực hiện đầy đủ các kiến nghị của KTNN; đồng thời hướng dẫn các đơn vị tăng cường công tác quản lý tài chính, tài sản công đoàn theo đúng quy định pháp luật.
  • Bài 2: Phải “gỡ” từ… cơ chế!
    8 tháng trước Hoạt động của Ngành
    (BKTO) - Thực tế cho thấy, một nguyên nhân gốc rễ dẫn tới việc chậm trễ, không thực hiện các kết luận, kiến nghị của KTNN thời gian qua là do những bất cập, vướng mắc từ cơ chế, chính sách. Tại Phiên giải trình “Việc thực hiện các kết luận, kiến nghị của KTNN đến hết niên độ ngân sách nhà nước năm 2021”, các ý kiến đồng thuận rằng, để thúc đẩy việc thực thi đầy đủ hơn các kết luận, kiến nghị kiểm toán, cần phải bắt đầu từ cơ chế…
Hỗ trợ hiệu quả cho quản lý thu - chi ngân sách, thu thuế của địa phương