Quy mô nợ công giảm, cơ cấu nợ được cải thiện rõ rệt
Thực hiện các chủ trương, định hướng, giải pháp của Bộ Chính trị, Nghị quyết của Quốc hội đã đặt ra cho giai đoạn 2016- 2020 là: nợ công không quá 65% GDP, nợ Chính phủ không quá 55% GDP, Bộ Tài chính đã chủ trì tham mưu với Chính phủ để thực hiện đồng bộ các giải pháp tái cơ cấu NSNN, nợ công, như: kiểm soát bội chi NSNN, kiểm soát chặt chẽ các khoản vay nợ công, hạn chế tối đa cấp bảo lãnh chính phủ cho các khoản vay mới, khống chế hạn mức cấp bảo lãnh đối với 02 ngân hàng chính sách để đảm bảo kiểm soát quy mô nợ công trong phạm vi được Quốc hội cho phép; tái cơ cấu nợ công, đặc biệt là với nợ trong nước để kéo dài kỳ hạn, giảm áp lực trả nợ và chi phí vay; thực hiện nghiêm quy định chỉ sử dụng vốn vay cho đầu tư phát triển, không cho chi thường xuyên; hoàn thiện khuôn khổ pháp lý và bộ máy quản lý nợ công.
Nhờ đó, từ năm 2016, việc quản lý nợ công của nước ta đã đạt được những kết quả quan trọng cả về quy mô nợ công, về cơ cấu và việc xây dựng thể chế.
Nợ công ước tính đạt khoảng 61% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) |
Nợ Chính phủ tiếp tục được kiểm soát thông qua việc kiểm soát các khoản vay mới từ nước ngoài và kiểm soát bội chi NSNN nhằm tạo điều kiện kiểm soát và tiến tới giảm dần nợ công.
Các khoản vay có bảo lãnh Chính phủ liên tục giảm từ mức 10,9% và 10,3% GDP trong các năm 2015, 2016 xuống còn khoảng 8,7% GDP vào thời điểm hiện nay.
Nợ chính quyền địa phương được kiểm soát chặt chẽ theo quy định của Luật NSNN và Luật Quản lý nợ công, dư nợ của chính quyền địa phương được kiểm soát trong khoảng 0,6% GDP.
Cơ cấu nợ công trong nước/nước ngoài đã được cải thiện rõ rệt theo hướng tăng tỷ trọng nợ trong nước. Hiện nay, tỷ trọng nợ trong nước chiếm khoảng 60% tổng nợ công, giúp giảm rủi ro tỷ giá đối với danh mục nợ của Chính phủ nói riêng và nợ công nói chung.
Cơ cấu kỳ hạn của trái phiếu chính phủ (TPCP) cũng được cải thiện rõ rệt, từ việc tập trung phần lớn vào kỳ hạn ngắn từ 1-3 năm trong giai đoạn 2011- 2015 (43,2%) sang từ 5 năm trở lên (96,2%). Hiện, các loại TPCP có kỳ hạn 1-3 năm chỉ chiếm 3,8% tổng dư nợ TPCP. Kỳ hạn còn lại bình quân của danh mục TPCP tăng dần, hiện nay là khoảng 6,7 năm, tăng hơn 2 lần so với năm 2014.
Lãi suất phát hành TPCP bình quân liên tục giảm từ mức 12% năm 2011 xuống còn khoảng 4,5% hiện nay.
Về vấn đề hoàn thiện thể chế, chính sách, công cụ và bộ máy quản lý nợ công, Luật Quản lý nợ công có hiệu lực từ ngày 01/7/2018 đã thể chế hóa chủ trương, quan điểm của Đảng đối với công tác quản lý nợ công. Bộ Tài chính đã soạn thảo, trình Chính phủ ban hành toàn bộ văn bản hướng dẫn thi hành luật gồm 6 Nghị định của Chính phủ và các Thông tư.
Bộ Tài chính cũng đã chủ động tiếp nhận, thực hiện chức năng quản lý nợ công liên quan đến công tác huy động vốn vay, gồm: chủ trì đàm phán, ký kết hiệp định, thỏa thuận khung, thỏa thuận vay cụ thể nước ngoài để thống nhất đầu mối, kiểm soát các khoản vay mới.
Cùng với những kết quả khả quan chung về tăng trưởng kinh tế trong những năm qua, việc thực hiện nhất quán chủ trương tái cơ cấu NSNN đã từng bước giảm nợ công, năm 2018, Việt Nam đã được 2 trong 3 tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế đồng loạt nâng hạng tín nhiệm lên một bậc với triển vọng tích cực. Đây cũng là điều kiện để Chính phủ, các doanh nghiệp giảm chi phí huy động vốn vay nước ngoài và thúc đẩy hơn nữa việc thu hút FDI vào Việt Nam.
Tái cơ cấu nợ công đồng bộ với các giải pháp phát triển thị trường vốn trong nước
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, để tiếp tục kiểm soát chặt chẽ nợ công, đảm bảo an toàn bền vững trong phạm vi được Quốc hội quyết định và theo tinh thần của Nghị quyết 07-NQ/TW của Bộ Chính trị về chủ trương, giải pháp cơ cấu lại NSNN, quản lý nợ công để đảm bảo nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững. Trước mắt, trong các năm 2019, 2020, Bộ Tài chính tiếp tục bám sát chủ trương, nghị quyết của của Bộ Chính trị, Quốc hội và chỉ đạo của Chính phủ, trên cơ sở phát huy những kết quả tích cực để tham mưu, thực hiện các giải pháp nhằm đảm bảo nợ công trong giới hạn cho phép, tiếp tục cơ cấu nợ công theo hướng bền vững, tạo tiền đề cho việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2021-2025, tập trung chủ yếu vào các biện pháp, như:
Tiếp tục kiểm soát bội chi NSNN dưới 4% theo đúng tinh thần Nghị quyết 07 và Nghị quyết 25/2016/QH14 của Quốc hội về kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2016-2020, tăng tích lũy cho đầu tư phát triển và dành một phần để trả nợ nhằm giảm áp lực huy động vốn vay mới, tạo điều kiện giảm dần nợ công.
Kiểm soát chặt chẽ các khoản vay mới; chỉ vay cho bù đắp bội chi để đầu tư phát triển, không vay cho chi thường xuyên; kiên quyết không sử dụng vốn vay cho các dự án đầu tư có hiệu quả kinh tế xã hội thấp hoặc không rõ ràng; không chuyển vốn vay, khoản vay có bảo lãnh thành vốn cấp phát NSNN.
Tiếp tục thực hiện kiểm soát chặt chẽ việc cấp bảo lãnh Chính phủ, hạn chế cấp bảo lãnh mới và khống chế hạn mức bảo lãnh đối với hai ngân hàng chính sách.
Thực hiện tái cơ cấu nợ công đồng bộ với các giải pháp phát triển thị trường vốn trong nước; tận dụng tối đa nguồn vốn vay ODA vay ưu đãi nước ngoài trong khi chủ động đa dạng hóa nguồn huy động vốn vay trong điều kiện Việt Nam đã trở thành nước có thu nhập trung bình.
Cùng với việc thực hiện thu - chi NSNN trong phạm vi dự toán, thực hiện vay nợ, giải ngân vốn vay trong phạm vi kế hoạch và hạn mức vay nợ, hạn mức bảo lãnh được cấp có thẩm quyền phê duyệt và trong khuôn khổ kế hoạch tài chính trung hạn và kế hoạch đầu tư công trung hạn.
Đảm bảo trả nợ đầy đủ, đúng hạn đối với nợ của Chính phủ, nợ của chính quyền địa phương; tăng cường kiểm tra giám sát, đôn đốc để đảm bảo việc trả nợ đối với vay về cho vay lại và các khoản nợ có bảo lãnh của Chính phủ.
Tiếp tục triển khai đồng bộ Luật Quản lý nợ công, Luật NSNN; thực hiện tốt vai trò đầu mối trong quản lý nợ công nói chung và trong công tác huy động vốn vay nước ngoài nói riêng theo quy định của Luật Quản lý nợ công; tổ chức tốt công tác quản lý nợ công đề từng bước tiếp cận với thông lệ tốt về quản lý nợ công.
THÙY ANH