Hòa Bình đẩy mạnh phát triển doanh nghiệp và thu hút đầu tư

(BKTO) - Từ đầu năm đến nay, các hoạt động phát triển doanh nghiệp, kinh tế tập thể, xúc tiến đầu tư của tỉnh Hòa Bình đều được đẩy mạnh. Tỉnh tăng cường công tác phối hợp trong quá trình giải quyết các thủ tục hành chính, thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh và hỗ trợ tháo gỡ các khó khăn cho doanh nghiệp, nhà đầu tư.

638052179317630513.jpg
Toàn cảnh thành phố Hòa Bình. Ảnh sưu tầm.

Đạt nhiều kết quả tích cực đáng khích lệ

Mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng chính quyền và nhân dân tỉnh Hòa Bình đã thể hiện tinh thần quyết tâm cao, phát huy tinh thần năng động, sáng tạo, nỗ lực phấn đấu và đạt được những kết quả tích cực, khá toàn diện trên các lĩnh vực như phát triển doanh nghiệp, kinh tế tập thể và xúc tiến đầu tư.

Theo Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Hòa Bình, về hoạt động xúc tiến đầu tư, từ ngày 15/4/2023 đến 14/5/2023, tỉnh Hòa Bình đã tiếp nhận 19 lượt hồ sơ dự án đầu tư (bao gồm 09 hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư, 09 hồ sơ đề nghị điều chỉnh chủ trương đầu tư và 01 hồ sơ đề nghị chấp thuận nhà đầu tư). Phê duyệt chủ trương đầu tư 01 dự án mới với tổng vốn đăng ký khoảng 118 tỷ đồng; Quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư 01 dự án. Lũy kế đến thời điểm báo cáo, trên địa bàn tỉnh Hòa Bình có 727 dự án đang hoạt động, trong đó có 37 dự án đầu tư vốn nước ngoài với tổng vốn khoảng 608 triệu USD và 690 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn khoảng 181.392 tỷ đồng.

Về hoạt động Xúc tiến đầu tư tại các khu công nghiệp, tỉnh vừa tiếp nhận, điều chỉnh 01 dự án tăng vốn đăng ký đầu tư (tăng thêm 19 tỷ đồng). Lũy kế từ đầu năm đến hết tháng 5 năm nay, Ban Quản lý các khu công nghiệp tiếp nhận, cấp mới 02 dự án với tổng vốn đăng ký là 27,5 tỷ đồng; điều chỉnh 07 dự án; chấm dứt hoạt động 01 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài, vốn đăng ký 0,4 triệu USD. Tính đến nay, tổng số dự án đầu tư vào các khu công nghiệp của tỉnh là 107 dự án, trong đó 25 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài, tổng vốn đăng ký 519,33 triệu USD và 82 dự án đầu tư trong nước, tổng số vốn đăng ký 15.814 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, trong tháng 5 năm 2023, tỉnh đã cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thành lập mới 34 doanh nghiệp, vốn đăng ký 345 tỷ đồng và 25 đơn vị trực thuộc; số thay đổi được chấp thuận 132 lượt hồ sơ; số yêu cầu doanh nghiệp sửa đổi, bổ sung:86 lượt hồ sơ; số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động 11 doanh nghiệp, số hoạt động trở lại 7 doanh nghiệp. Số doanh nghiệp giải thể, thông báo giải thể tự nguyện 26 doanh nghiệp (trong đó 14 doanh nghiệp giải thể, 12 đơn vị trực thuộc chấm dứt hoạt động). Luỹ kế 14/5/2023 số doanh nghiệp thành lập mới 162 doanh nghiệp (vốn đăng ký 1.830,9 tỷ đồng) và 133 đơn vị trực thuộc; số thay đổi được chấp thuận 1.072 lượt hồ sơ; số yêu cầu doanh nghiệp sửa đổi, bổ sung 491 lượt hồ sơ; số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động 145 doanh nghiệp, số hoạt động trở lại 77 doanh nghiệp. Số doanh nghiệp giải thể, thông báo giải thể tự nguyện:119 doanh nghiệp (32 doanh nghiệp giải thể, 62 đơn vị trực thuộc chấm dứt hoạt động).

Nhiều chính sách, hành động thiết thực hỗ trợ doanh nghiệp

Triển khai quan điểm “Tỉnh Hòa Bình đồng hành với các doanh nghiệp để cùng phát triển”, tỉnh đã cụ thể hóa bằng nhiều chính sách, hành động thiết thực. Trong đó, tỉnh đã kêu gọi các nhà đầu tư đến khảo sát, nghiên cứu đầu tư tại tỉnh; chủ động làm việc với các Bộ, ban, ngành Trung ương để tranh thủ sự giúp đỡ về cơ chế, chính sách liên quan tới đầu tư; áp dụng Bộ chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp huyện và các sở, ngành để đánh giá năng lực của chính quyền trên góc độ điều hành và tạo lập môi trường thuận lợi cho các cơ sở kinh doanh và cho hoạt động của doanh nghiệp tại địa phương. Cùng với đó, cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã tích cực tìm các giải pháp đây nhanh tiến độ thực hiện các dự án, ổn định sản xuất kinh doanh.

Tháng 6 tới đây, UBND tỉnh Hòa Bình chủ trương chủ động nắm bắt tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, các doanh nghiệp chủ lực trong lĩnh may mặc, sản xuất liện điện tử, sản xuất vật liệu xây dựng... Khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất. Tăng cường công tác xúc tiến thương mại, công tác quản lý thị trường tạo điều kiện thúc đẩy thương mại nội địa và xuất khẩu. Duy trì và nâng cao hiệu quả việc tổ chức các hoạt động kết nối giao thương cho doanh nghiệp; vận động doanh nghiệp tích cực tham gia các chương trình, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Đồng thời, tỉnh cũng tập trung thực hiện các giải pháp nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh. Tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và địa phương (DDCI) để đánh giá năng lực của chính quyền cấp huyện và các sở, ngành của tỉnh./.

Cùng chuyên mục
Hòa Bình đẩy mạnh phát triển doanh nghiệp và thu hút đầu tư