Hoàn thiện cơ chế, chính sách về biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh

(BKTO) - Theo Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bộ Công Thương đặt mục tiêu đến năm 2030 giảm 30-40% phát thải khí nhà kính so với kịch bản phát triển thông thường của ngành năng lượng (BAU), 100% các cơ sở phát thải khí nhà kính phải kiểm kê khí nhà kính…

2(1).jpg
Cần hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật về biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh của ngành Công Thương. Ảnh minh họa: baochinhphu.vn

Bộ Công Thương cũng đặt ra mục tiêu giảm thiệt hại do tác động của biến đổi khí hậu; nâng cao năng lực thích ứng với thiên tai, các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu; rà soát các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, đầu tư công trình,hạ tầng cơ sở công nghiệp, thương mại, năng lượng; lồng ghép các vấn đề biến đổi khí hậu trong các quy hoạch, chiến lược.

Ông Tăng Thế Hùng, Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương) nhấn mạnh, ứng phó với biến đổi khí hậu là trách nhiệm của mọi tổ chức, cá nhân thuộc ngành Công Thương.

Do đó, ngành Công Thương các cấp từ Trung ương đến địa phương và các doanh nghiệp cần phải thực hiện các giải pháp nhằm giảm phát thải khí nhà kính gắn liền với bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.

Cùng với đó, phải khai thác và sử dụng tiết kiệm các nguồn năng lượng, chuyển đổi cơ cấu nguồn năng lượng theo hướng giảm sự phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch; từng bước kiểm soát phát thải khí nhà kính đối với các nguồn phát thải khí nhà kính lớn, gây ô nhiễm, suy thoái môi trường, tạo điều kiện cho các ngành sản xuất xanh phát triển.

Để đạt được mục tiêu đề ra trong Kế hoạch hành động, Bộ Công Thương đã và đang triển khai các giải pháp về quản lý, khoa học công nghệ, tăng cường hợp tác quốc về và triển khai các giải pháp về đào tạo, tăng cường nguồn nhân lực kết hợp các hoạt động về tuyên truyền, phổ biến, đào tạo, nâng cao năng lực triển khai các nhiệm vụ ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh.

Đặc biệt, Bộ Công Thương đang hoàn thiện cơ chế chính sách pháp luật về biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh của Ngành; triển khai các hoạt động kiểm kê, xây dựng, quản lý vận hành hệ thống cơ sở dữ liệu về khí nhà kính.

Đồng thời phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các Bộ, ngành có liên quan triển khai các chương trình, nhiệm vụ về ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh; hoàn thiện các quy định, quy trình kiểm kê, kiểm soát phát thải khí nhà kính cho các ngành công nghiệp.

Đối với ngành Công Thương, có nhiều giải pháp cụ thể, thiết thực để ứng phó với biến đổi khí hậu, thúc đẩy các mô hình sản xuất kinh doanh theo hướng tăng trưởng xanh. Chẳng hạn như giải pháp giảm mức tiêu hao nguyên, nhiên vật liệu của các ngành sản xuất: dệt may, thép, nhựa, hóa chất, rượu - bia - nước giải khát, giấy...

Tuy nhiên, các chuyên gia khuyến cáo, giải pháp được lựa chọn phải dựa trên nền tảng khoa học và công nghệ, ứng dụng công nghệ số và chuyển đổi số, phát triển kết cấu hạ tầng bền vững để nâng cao chất lượng tăng trưởng, phát huy lợi thế cạnh tranh và giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường; nâng cao khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu.

Cùng chuyên mục
Hoàn thiện cơ chế, chính sách về biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh