Công khai, minh bạch, quy định rõ trách nhiệm
Góp ý hoàn thiện Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi), đại biểu Quốc hội Phạm Thị Kiều (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông) chỉ rõ, Dự thảo Luật quy định nguyên tắc Quỹ BHXH được quản lý tập trung, thống nhất, công khai, minh bạch, được sử dụng đúng mục đích và được hạch toán độc lập theo các quỹ thành phần, các nhóm đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định và chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định. Tuy nhiên, Dự thảo Luật chưa quy định cụ thể về cơ chế công khai, minh bạch Quỹ, trách nhiệm của cơ quan BHXH trong hoạt động bảo toàn Quỹ. “Nguồn hình thành Quỹ BHXH chủ yếu từ nguồn đóng góp của người sử dụng lao động và người lao động. Nhưng 2 đối tượng này lại được nắm bắt rất ít thông tin về tình hình hoạt động của Quỹ. Do đó, đề nghị Cơ quan soạn thảo nghiên cứu, bổ sung quy định cụ thể để nguyên tắc công khai, minh bạch Quỹ BHXH được thực sự đi vào cuộc sống” - đại biểu Phạm Thị Kiều nêu ý kiến.
Liên quan đến vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ từng nhấn mạnh, Quỹ BHXH là quỹ ngoài ngân sách lớn nhất, chỉ sau ngân sách nhà nước. Do đó, trách nhiệm của Chính phủ, các ngành liên quan trong quản lý Quỹ là rất lớn. Vì vậy, bên cạnh những kết quả tích cực, cần khắc phục những hạn chế lặp đi lặp lại đó là tình trạng trốn đóng, nợ đóng, trục lợi, hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra thấp… Chủ tịch Quốc hội đề nghị phải rà soát lại trách nhiệm về quản lý nhà nước trong quản lý Quỹ, trong công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật, tránh tiêu cực, trục lợi; tăng cường hơn nữa kỷ cương trong quản lý Quỹ.
Bên cạnh trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, đại biểu Quốc hội Tráng A Dương (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Giang) đề nghị Dự thảo Luật bổ sung quy định về trách nhiệm của người sử dụng lao động trong việc phối hợp với cơ quan BHXH thực hiện thu hồi số tiền hưởng BHXH không đúng quy định của người lao động, nộp về Quỹ BHXH.
Bên cạnh đó, Dự thảo Luật cần bổ sung quy định giao Chính phủ quy định thứ tự hạch toán, phân bổ tiền đóng bảo hiểm và tiền lãi chậm đóng bảo hiểm vào các quỹ thành phần của Quỹ BHXH, trong trường hợp người sử dụng lao động đóng bảo hiểm không kịp thời. Quy định này để đảm bảo giải quyết chế độ chính sách xã hội cho người lao động theo đúng quá trình đóng BHXH, không phụ thuộc vào người sử dụng lao động, nhất là trong trường hợp doanh nghiệp giải thể, phá sản, người sử dụng lao động bỏ trốn…
Theo Báo cáo tài chính năm 2021 và Dự toán thu, chi Quỹ BHXH 3 năm (2022-2024), kết dư Quỹ BHXH năm 2021 là 100.178 tỷ đồng, số dư Quỹ BHXH chuyển năm sau là 962.808 tỷ đồng. Dự kiến giai đoạn 2022-2024, Quỹ BHXH tiếp tục thặng dư: Năm 2022 là 66.893 tỷ đồng, năm 2023 là 76.111 tỷ đồng và năm 2024 là 81.736 tỷ đồng.
Kết quả kiểm toán năm 2022 của Kiểm toán nhà nước
Cân nhắc mở rộng danh mục đầu tư Quỹ
Liên quan đến công tác quản lý, đầu tư Quỹ BHXH, Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách BHXH đặt ra yêu cầu: “Đa dạng hóa danh mục, cơ cấu đầu tư Quỹ BHXH theo nguyên tắc an toàn, bền vững, hiệu quả;... nghiên cứu từng bước mở rộng sang các lĩnh vực có khả năng sinh lời cao, từng bước và có lộ trình đầu tư một phần tiền nhàn rỗi của Quỹ thông qua ủy thác đầu tư tại thị trường trong nước và quốc tế bảo đảm an toàn, bền vững”.
Thể chế hóa chủ trương trên, Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) đã bổ sung mục riêng về đầu tư Quỹ BHXH, trong đó quy định cụ thể hơn về: Các nguyên tắc đầu tư; danh mục đầu tư (cả thị trường trong nước và quốc tế) và phương thức đầu tư (tự đầu tư hoặc ủy thác đầu tư) quản lý hoạt động đầu tư. Trong đó, về quản lý hoạt động đầu tư, Dự thảo Luật quy định: Quỹ BHXH được đầu tư và hạch toán độc lập theo từng quỹ thành phần. Hoạt động đầu tư Quỹ phải được kiểm soát, quản lý rủi ro và trích lập dự phòng rủi ro theo quy định. Kiểm toán nhà nước thực hiện kiểm toán hằng năm đối với hoạt động đầu tư Quỹ. Chính phủ quy định cụ thể quy trình kiểm soát, quản lý rủi ro đầu tư, trích lập dự phòng rủi ro.
Việc quy định cụ thể lộ trình đa dạng hóa các loại tài sản đầu tư và cơ cấu đầu tư cần sự linh hoạt trong điều kiện từng thời kỳ, phù hợp với mục tiêu và năng lực đầu tư của cơ quan BHXH. Vì vậy, Dự thảo Luật quy định: Chính phủ quy định tiêu chí danh mục đầu tư, cơ cấu đầu tư và phương thức đầu tư từ Quỹ BHXH, đảm bảo nguyên tắc đầu tư.
Đồng tình quan điểm sửa đổi này, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương) nêu rõ, hoạt động đầu tư của Quỹ BHXH hiện nay được thực hiện theo quy định của Luật BHXH năm 2014, về cơ bản được thực hiện an toàn và đảm bảo được giá trị thông qua đầu tư tăng trưởng. Tuy nhiên, việc đầu tư hiện tại chưa mang lại hiệu quả cao, chưa tạo nguồn thu cao cho Quỹ do danh mục đầu tư chưa đa dạng. Theo đại biểu, với nhu cầu đảm bảo an sinh xã hội ngày càng cao, việc sử dụng, quản lý Quỹ BHXH đặt ra yêu cầu cần hiệu quả và mang lại giá trị tăng trưởng cao hơn nữa. Vì vậy, bà Nga đề nghị cần tiếp tục rà soát, cân nhắc mở rộng danh mục đầu tư của Quỹ BHXH để đảm bảo khai thác an toàn, hiệu quả, bền vững nguồn tài chính của Quỹ BHXH.
TS. Bùi Sỹ Lợi - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội - cũng cho rằng, cần có giải pháp tính toán đầu tư Quỹ hiệu quả hơn, cụ thể là nên dành một phần Quỹ kết dư đầu tư thí điểm các công trình quan trọng quốc gia do Quốc hội và Chính phủ xem xét, quyết định trên cơ sở hiệu quả và không thể rủi ro./.