Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho tổ chức và hoạt động của Kiểm toán Nhà nước - Dấu ấn 25 năm

(BKTO) - Từ một cơ quan được thành lập theo Nghị định của Chính phủ trở thành cơ quan Hiến định - sự hoàn thiện về khuôn khổ pháp lý trong tổ chức và hoạt động của KTNN trong tiến trình 25 năm qua là tiền đề quyết định sự trưởng thành từng bước vững chắc của ngành KTNN.



         
   
Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Đặng Thế Vinh
   
Những dấu mốc ý nghĩa

KTNN Việt Nam được thành lập theo Nghị định số 70-CP ngày 11/7/1994 của Chính phủ. Điều lệ tổ chức, hoạt động của KTNN được ban hành theo Quyết định số 61/TTg ngày 24/01/1995 của Thủ tướng Chính phủ. Khi thành lập, KTNN là một cơ quan hoàn toàn mới, không có tổ chức tiền thân. Ngay sau khi được thành lập, KTNN vừa hình thành bộ máy tổ chức vừa xây dựng cơ sở vật chất, tuyển dụng và đào tạo cán bộ, kiểm toán viên, xây dựng chuẩn mực, quy trình kiểm toán và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ kiểm toán do Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ giao.

Ngày 13/8/2003, Chính phủ ban hành Nghị định số 93/2003/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của KTNN. Đồng thời, để đảm bảo cơ sở pháp lý cho hoạt động của KTNN, Quốc hội đã bổ sung các quy định liên quan đến hoạt động của KTNN trong một số Luật, như: Luật NSNN (năm 1996), Luật DNNN (năm 1995), Luật Ngân hàng Nhà nước (năm 1997), Luật Ban hành văn bản (1996)... Đây là các văn bản pháp lý đặt nền tảng quan trọng cho việc quy định địa vị pháp lý, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của KTNN.

Ngày 14/6/2005, tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XI, Quốc hội thông qua Luật KTNN đã khẳng định địa vị pháp lý của KTNN. Luật có hiệu lực từ ngày 01/01/2006 đã mở ra một thời kỳ phát triển mới của KTNN với vị thế là cơ quan chuyên môn về lĩnh vực kiểm tra tài chính nhà nước do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật. Hoạt động KTNN phục vụ việc kiểm tra, giám sát của Nhà nước trong quản lý, sử dụng ngân sách, tiền và tài sản nhà nước; góp phần thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng, thất thoát, lãng phí; phát hiện và ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật; nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách, tiền và tài sản của Nhà nước.

Đặc biệt, ngày 28/11/2013, tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII, Quốc hội đã thông qua Hiến pháp năm 2013 (sửa đổi Hiến pháp 1992), trong đó, địa vị pháp lý của KTNN và Tổng Kiểm toán Nhà nước được quy định tại Điều 118 như sau:

“1. Kiểm toán nhà nước là cơ quan do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, thực hiện kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công.

2. Tổng Kiểm toán nhà nước là người đứng đầu Kiểm toán nhà nước, do Quốc hội bầu. Nhiệm kỳ của Tổng Kiểm toán nhà nước do luật định. Tổng Kiểm toán nhà nước chịu trách nhiệm và báo cáo kết quả kiểm toán, báo cáo công tác trước Quốc hội; trong thời gian Quốc hội không họp, chịu trách nhiệm và báo cáo trước Ủy ban thường vụ Quốc hội.

3. Tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của Kiểm toán nhà nước do luật định”.

Đây là sự kiện chính trị - pháp lý trọng đại trong quá trình xây dựng và phát triển KTNN. Lần đầu tiên, địa vị pháp lý của KTNN và Tổng Kiểm toán Nhà nước được quy định trong Hiến pháp - đạo luật cơ bản của Nhà nước, tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho tổ chức và hoạt động của KTNN và là một mốc lịch sử trong tiến trình 25 năm xây dựng và phát triển của KTNN. Sự kiện này đã nâng tầm KTNN từ cơ quan do “luật định” thành “hiến định”, nâng cao vị thế, vai trò, trách nhiệm của KTNN trong kiểm toán hoạt động quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công.

Để thi hành Hiến pháp, tại Nghị quyết số 64/2013/QH13 của Quốc hội đã đặt ra yêu cầu sửa đổi, bổ sung Luật KTNN năm 2005. Luật KTNN năm 2015 được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 24/6/2015, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2016, đã cụ thể hóa quy định tại Điều 118 của Hiến pháp năm 2013. Trong đó, Luật đã sửa đổi, bổ sung nhiều nội dung mới, như: đối tượng kiểm toán của KTNN; chức năng của KTNN; nguyên tắc hoạt động; nhiệm vụ, quyền hạn của KTNN...

Tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII, Quốc hội đã thông qua Hiến pháp (sửa đổi), trong đó hiến định địa vị pháp lý của KTNN. Ảnh: TTXVN

Trên cơ sở Hiến pháp và Luật KTNN, hằng năm, Tổng Kiểm toán Nhà nước đã ban hành Chương trình Xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và Chương trình Xây dựng văn bản quản lý của KTNN. Từ năm 2014 đến nay (tháng 6/2019), Tổng Kiểm toán Nhà nước đã ban hành hơn 30 văn bản quy phạm pháp luật để quy định chi tiết thi hành Luật KTNN, như: Hệ thống Chuẩn mực kiểm toán (39 chuẩn mực); quy trình kiểm toán của KTNN, các quy trình kiểm toán trong một số lĩnh vực... Trong đó, Hệ thống Chuẩn mực kiểm toán đã đưa ra các quy định pháp lý hướng dẫn về yêu cầu, nguyên tắc, thủ tục kiểm toán và xử lý các mối quan hệ phát sinh trong hoạt động kiểm toán cho cả 3 loại hình kiểm toán là kiểm toán tài chính, kiểm toán hoạt động và kiểm toán tuân thủ, là cơ sở, nền tảng cho tổ chức và hoạt động kiểm toán; đồng thời góp phần tích cực trong việc quản lý, điều hành các hoạt động của Ngành theo hướng minh bạch, công khai, chuyên nghiệp và chính quy hóa, tạo cơ sở để nâng cao chấ́t lượng, hiệu quả công tác, đặc biệt để nâng cao chất lượng kiểm toán và kiểm soát, quản lý đạo đức nghề nghiệp của kiểm toán viên.

Định hướng hoàn thiện cơ sở pháp lý cho tổ chức và hoạt động của KTNN trong giai đoạn tới

Để tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho tổ chức và hoạt động của KTNN, hướng đến xây dựng cơ quan KTNN xứng tầm một thiết chế hiến định độc lập, một trong những nhiệm vụ đặt ra trước mắt đối với KTNN là sửa đổi, bổ sung Luật KTNN năm 2015. Việc sửa đổi, bổ sung Luật nhằm đáp ứng yêu cầu của công cuộc đổi mới, nhất là trong thời đại công nghệ 4.0, gắn với việc hội nhập quốc tế đòi hỏi nâng cao hơn nữa năng lực, hiệu lực và hiệu quả hoạt động của KTNN. Đồng thời, sau hơn 3 năm thi hành, Luật KTNN bộc lộ một số vướng mắc, bất cập đòi hỏi phải nghiên cứu sửa đổi, bổ sung.

Nhằm đáp ứng yêu cầu đặt ra tại Nghị quyết số 18-NQ/TW và tháo gỡ vướng mắc, bất cập từ thực tiễn hoạt động kiểm toán, Dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN tập trung sửa đổi một số vấn đề: quy định rõ nội hàm cơ quan, tổ chức có liên quan đến hoạt động KTNN; bổ sung quyền kiến nghị, khiếu nại đối với báo cáo kiểm toán cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc sử dụng, quản lý tài chính công, tài sản công; bổ sung quy định thực hiện nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng theo quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng; quy định quyền xác minh để làm rõ vụ việc có dấu hiệu tham nhũng theo quy định của pháp luật phòng, chống tham nhũng; bổ sung căn cứ ban hành quyết định kiểm toán khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật; bổ sung nhiệm vụ giám định tư pháp về tài chính công, tài sản công trong các vụ án tham nhũng; bổ sung thẩm quyền ký thông tư liên tịch của Tổng Kiểm toán Nhà nước; đề nghị mở rộng phạm vi ban hành quyết định quy phạm pháp luật của Tổng Kiểm toán Nhà nước; bổ sung quy định về trách nhiệm phối hợp trong công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán để hạn chế trùng lặp, chồng chéo giữa hoạt động thanh tra, kiểm tra với hoạt động KTNN; bổ sung quy định chế tài đối với các hành vi vi phạm Luật KTNN của đơn vị được kiểm toán và của tổ chức, cá nhân có liên quan; bổ sung quy định về trách nhiệm của Trưởng đoàn kiểm toán và thành viên trong trường hợp đã tiến hành kiểm toán trước đó nếu xác định cố ý bao che, bỏ qua sai phạm.

Cùng với sửa đổi, bổ sung Luật KTNN, để tạo điều kiện cho KTNN thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao, trong thời gian tới, KTNN sẽ đề xuất và chủ động phối hợp trong sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật có liên quan như: Luật Ban hành văn bả̉n quy phạm pháp luật; Luật Xử lý vi phạm hành chính; Luật Giám định tư pháp. Ngoài ra, KTNN tiếp tục nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung một số Luật và văn bản về: đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP), hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT), hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT), Luật Cán bộ công chức, Luật Khiếu nại... để đảm bảo các quy định trong hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất với quy định của Luật KTNN.

Về hệ thống văn bản thuộc thẩm quyền ban hành của Tổng Kiểm toán Nhà nước liên quan đến tổ chức và hoạt động của KTNN, KTNN tiếp tục nghiên cứu, xây dựng và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật và văn bản quản lý của Ngành để hoàn thiện cơ sở pháp lý cho hoạt động của KTNN, trong đó tập trung vào việc cụ thể hóa các quy định của Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN sau khi được Quốc hội thông qua; hướng dẫn phương pháp tiếp cận kiểm toán dựa trên trọng yếu, rủi ro theo từng lĩnh vực kiểm toán; tổ chức, quản lý hoạt động kiểm toán; đồng thời chú trọng đẩy mạnh công tác pháp chế, tuyên truyền, phổ biến pháp luật về KTNN.

ThS. ĐẶNG THẾ VINH
Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước
Theo Báo Kiểm toán số 27+28 ra ngày 4-7-2019
Cùng chuyên mục
Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho tổ chức và hoạt động của Kiểm toán Nhà nước - Dấu ấn 25 năm