Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và nghiên cứu khoa học: Đóng góp tích cực đối với sự trưởng thành của Ngành

(BKTO) - GS,TS. Đoàn Xuân Tiên - Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước, trả lời phỏng vấn của Báo Kiểm toán



         
   
Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Đoàn Xuân Tiên
   
Thưa Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước, là người trực tiếp chỉ đạo công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ (ĐTBDCB) và nghiên cứu khoa học (NCKH) của KTNN, ông đánh giá như thế nào về kết quả của công tác này trong 25 năm qua?

- Trước hết, về công tác ĐTBDCB, phải khẳng định rằng, 25 năm qua, cùng với việc xây dựng, phát triển hệ thống tổ chức bộ máy ngày càng lớn mạnh; chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động ngày càng cao, KTNN đã xây dựng được đội ngũ công chức, kiểm toán viên (KTV) có bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức nghề nghiệp trong sáng, chuyên nghiệp, tinh thông nghiệp vụ chuyên môn, tương xứng với yêu cầu nghề nghiệp kiểm toán, dần đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, góp phần quan trọng vào việc hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị của Ngành. Đó là minh chứng cho thấy sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo KTNN cũng như lãnh đạo các đơn vị trong toàn Ngành đối với công tác ĐTBDCB.

Trong những năm qua, toàn Ngành đã xác định công tác ĐTBDCB là một trong những nhiệm vụ hàng đầu vừa có tính chiến lược, vừa là nhiệm vụ thường xuyên lâu dài trong thực hiện Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2030. Điều này được thể hiện qua việc KTNN luôn quan tâm xây dựng và hoàn thiện các quy định về ĐTBDCB, tạo cơ sở pháp lý cho công tác này như: Quy chế mới về ĐTBDCB, Quy định về giảng viên kiêm chức... Công tác xây dựng kế hoạch ĐTBDCB đã có sự đổi mới, cải tiến, tạo tính chủ động trong kế hoạch kiểm toán và kế hoạch ĐTBDCB.

Mặt khác, KTNN đã thực hiện phân cấp mạnh hơn cho các đơn vị trong hoạt động ĐTBDCB. Mỗi năm, toàn Ngành thực hiện ĐTBDCB, tập huấn, tọa đàm, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm cho 3.000 - 5.000 lượt công chức, KTV về các chương trình ĐTBDCB ngạch, quản lý nhà nước, kỹ năng lãnh đạo, quản lý các cấp, kỹ năng kiểm toán chuyên sâu theo các lĩnh vực kiểm toán… Đồng thời, KTNN đã nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiện chương trình ĐTBDCB với hệ thống chương trình tương đối đầy đủ. Đội ngũ giảng viên luôn được quan tâm, xây dựng và kiện toàn, tăng cường giảng viên có năng lực, giàu kinh nghiệm thực tiễn từ các đơn vị của Ngành.

Mỗi năm, KTNN đã cử hàng trăm lượt công chức, KTV tham gia các khóa đào tạo, hội thảo quốc tế; tham gia vào các hoạt động, các nhóm chuyên môn của Tổ chức quốc tế Các cơ quan Kiểm toán tối cao (INTOSAI), Tổ chức Các cơ quan Kiểm toán tối cao châu Á (ASOSAI); mời chuyên gia từ các cơ quan kiểm toán tối cao trên thế giới đến giảng dạy về các lĩnh vực kiểm toán mới. Cùng với đó, cơ sở vật chất từng bước được xây dựng, đến nay, KTNN đã xây dựng được trụ sở một số chi nhánh ĐTBDCB. Kinh phí cho ĐTBDCB cũng tăng lên đáng kể, tổng kinh phí cho công tác này giai đoạn 2009-2019 là hơn 76,7 tỷ đồng (tăng 11,7 lần so với giai đoạn 1994-2009).

Về công tác NCKH, 25 năm qua, KTNN đã chú trọng cả nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng cũng như áp dụng kinh nghiệm quốc tế vào hoạt động thực tiễn. Về cơ bản, các đề tài nghiên cứu đã đúng định hướng, hoàn thành mục tiêu, nội dung nghiên cứu và kết quả tương đối tốt. Đến nay, KTNN đã thực hiện 461 đề tài các cấp, bao gồm: 2 đề tài cấp Nhà nước, 200 đề tài cấp Bộ, 259 đề tài cấp Cơ sở. Kết quả nghiên cứu của nhiều đề tài được ứng dụng vào hoạt động thực tiễn của KTNN.

Công tác NCKH đã có sự đổi mới, cải tiến phù hợp đối với mỗi giai đoạn, đáp ứng những yêu cầu đặt ra trong thực tiễn hoạt động của KTNN. Cụ thể, giai đoạn đầu mới thành lập, các đề tài NCKH của KTNN chủ yếu tập trung vào nghiên cứu cơ bản để cung cấp những luận cứ khoa học cho hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ. Gần đây, các đề tài chuyển dần sang nghiên cứu ứng dụng, như: nghiên cứu các vấn đề về Luật KTNN, Chiến lược phát triển KTNN; chuẩn mực, quy trình kiểm toán, mô hình, tổ chức, quản lý, phương thức tổ chức, ứng dụng các phương pháp kiểm toán mới, các lĩnh vực kiểm toán mới, xây dựng các phần mềm ứng dụng công nghệ thông tin...

Hằng năm, KTNN tổ chức nhiều hội thảo khoa học chất lượng với các chủ đề được nhiều người quan tâm, tạo ra diễn đàn trao đổi, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm và đề xuất các giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động kiểm toán, đáp ứng các yêu cầu của Đảng và Nhà nước.

Trong công tác thông tin khoa học, những năm gần đây, nhiều ấn phẩm, kết quả nghiên cứu đã được xuất bản, công bố nhằm phục vụ các kỳ họp Quốc hội, đồng thời phổ biến rộng rãi tới các đối tượng quan tâm.

Có thể nói, công tác ĐTBDCB và NCKH của KTNN trong 25 năm qua có nhiều đóng góp tích cực và ý nghĩa đối với sự trưởng thành của Ngành, góp phần xây dựng KTNN trở thành cơ quan kiểm tra tài chính công, tài sản công có trách nhiệm, uy tín và gia tăng giá trị, xứng đáng với niềm tin của Đảng, Quốc hội và nhân dân.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác ĐTBDCB và NCKH của KTNN còn có điều gì khiến ông vẫn băn khoăn, trăn trở?

- Điều mà tôi còn trăn trở đối với công tác ĐTBDCB là đội ngũ giảng viên của KTNN vẫn còn hạn chế cả về số lượng và chất lượng. Một số giảng viên kiêm chức có kiến thức chuyên môn, kinh nghiệm, nhưng phương pháp giảng dạy còn chưa thu hút được học viên. Hệ thống chương trình tài liệu ĐTBDCB còn chưa đồng bộ; nội dung đào tạo, bồi dưỡng còn nặng về lý thuyết, chưa xây dựng được nhiều bài tập tình huống gắn với thực tiễn. Phương pháp ĐTBDCB chậm đổi mới, thời lượng dành cho việc thực hành, trao đổi, thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm và rèn luyện kỹ năng còn ít. Một số đơn vị chưa quan tâm đúng mức đến công tác ĐTBDCB dẫn đến việc xác định nhu cầu ĐTBDCB chưa sát thực tế. Ý thức tự ĐTBDCB của một số công chức chưa cao, thái độ tham gia các lớp ĐTBDCB còn chưa thực sự nghiêm túc.

Công tác NCKH chưa đóng vai trò tiên phong để dự báo, định hướng, dẫn dắt những vấn đề mới phát sinh, những vấn đề cần đổi mới, đột phá và sáng tạo. Chất lượng của nhiều đề tài chưa cao, hiệu quả ứng dụng các kết quả nghiên cứu còn thấp. Đội ngũ nghiên cứu ít tâm huyết.

♦ Là người từng có nhiều năm gắn bó với sinh viên, ông có kinh nghiệm gì để các KTV thực sự cảm thấy hứng khởi đối với việc tiếp thu kiến thức như thời họ còn ở trên giảng đường đại học?

- Ngoài việc tiếp tục đổi mới nội dung chương trình, phương thức tổ chức ĐTBDCB, trước hết, người Thầy phải “thổi hồn” vào những bài giảng, giờ giảng; phải “truyền thêm năng lượng và cảm hứng” bằng chính trách nhiệm, sự nhiệt tình, tâm huyết với kiến thức, kinh nghiệm sâu rộng, phương pháp sáng tạo, sự tự trọng và lòng yêu ngành, yêu nghề cho các học viên, KTV cả trong học tập và trong công việc. Còn các học viên, KTV cần nhận thức được giá trị của việc học, phải xác định học cho mình, học để làm giàu kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng và phương pháp, học sẽ làm gia tăng giá trị của bản thân, từ đó tự giác, chủ động, tích cực và trách nhiệm hơn với bản thân và với Ngành.

♦ Để khắc phục những hạn chế trên, góp phần thực hiện thành công Chiến lược phát triển KTNN, trong thời gian tới, công tác ĐTBDCB và NCKH của KTNN cần phải chú trọng vào những vấn đề gì, thưa ông?

- Nhằm khắc phục những hạn chế, đồng thời kế thừa, phát huy thành quả của 25 năm xây dựng và phát triển, qua đó góp phần nâng cao chất lượng công tác ĐTBDCB và NCKH, đáp ứng các mục tiêu đặt ra của KTNN trong thời gian tới, KTNN cần chú trọng thực hiện đồng bộ các giải pháp.

Ảnh minh họa

Trong công tác ĐTBDCB, KTNN cần tiếp tục hoàn thiện các quy chế, quy định về ĐTBDCB để đồng bộ, phù hợp với các quy định chung của Nhà nước và thực tiễn của Ngành; tiếp tục đổi mới công tác kế hoạch ĐTBDCB, gắn ĐTBDCB với việc quy hoạch, phát triển đội ngũ; ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác ĐTBDCB và NCKH.

Nội dung chương trình, phương pháp và hình thức ĐTBDCB cần được đổi mới theo hướng tinh giản, hiện đại, hệ thống, thiết thực, tăng thực hành, vận dụng kiến thức vào thực tiễn, chú trọng giáo dục nhân cách, đạo đức nghề nghiệp, lối sống, văn hóa giao tiếp ứng xử, tri thức pháp luật, công nghệ; gắn lý thuyết với thực hành, kỹ năng xử lý tình huống; chuyển mạnh quá trình ĐTBD từ thụ động sang tích cực tự học, tăng sự tương tác, chia sẻ, trao đổi, thảo luận, phát triển toàn diện năng lực, trình độ, kỹ năng, phương pháp và phẩm chất đạo đức người học.

Cùng với đó, KTNN cần tăng cường năng lực đội ngũ giảng viên về trình độ, kinh nghiệm, kỹ năng và phương pháp sư phạm, thay đổi nhận thức về vai trò của thầy và trò. Giảng viên phải làm chủ các phương pháp giảng dạy và học tập tích cực, ứng dụng công nghệ, phương tiện giảng dạy - học tập tiên tiến. Đồng thời, các đơn vị, công chức, viên chức, KTV cần nâng cao trách nhiệm và ý thức, coi công tác ĐTBD không chỉ có ý nghĩa chiến lược mà còn có ý nghĩa sống còn đối với việc chống tụt hậu và sự phát triển của KTNN.

Đối với công tác NCKH, KTNN cần tiếp tục củng cố và phát triển đội ngũ cán bộ NCKH, quy hoạch và đào tạo cán bộ khoa học mới theo hướng chuyên sâu để có thể chuyên môn hóa về nghiên cứu, giảng dạy, tạo lực lượng chủ chốt cho công tác khoa học và đào tạo của KTNN; phải gắn NCKH với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030 và tầm nhìn 2035. Công tác NCKH phải phục vụ cho thực tiễn hoạt động chuyên môn của Ngành, nghiên cứu tập trung vào các nội dung mang tính cấp thiết và có giá trị ứng dụng cao. Trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn cầu, hoạt động NCKH của KTNN cần phải đi trước một bước để dự báo, định hướng những vấn đề mới phát sinh; đồng thời phải đổi mới phương thức ứng dụng kết quả nghiên cứu vào thực tiễn để đáp ứng những yêu cầu đặt ra trong hoạt động kiểm toán nhà nước và công tác quản lý của Ngành.

♦ Xin trân trọng cảm ơn Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước!

LƯU HƯỜNG (thực hiện)
Theo Báo Kiểm toán số 27+28 ra ngày 4-7-2019
Cùng chuyên mục
Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và nghiên cứu khoa học: Đóng góp tích cực đối với sự trưởng thành của Ngành