Kết quả kiểm toán đã cung cấp nhiều thông tin tin cậy

(BKTO) - Lược ghi ý kiến của TS. BÙI SỸ LỢI - Phó Chủ nhiệm Ủy ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội



KTNN là cơ quan do Quốc hội thành lập và là công cụ hỗ trợ đắc lực cho hoạt động của Quốc hội, các Ủy ban của Quốc hội cũng như với mỗi đại biểu Quốc hội. Tại mỗi kỳ họp Quốc hội, những thông tin, số liệu từ báo cáo kiểm toán của KTNN luôn thu hút sự quan tâm đặc biệt của các đại biểu Quốc hội. Từ kết quả kiểm toán, đại biểu Quốc hội có thể thấy rõ đồng tiền ngân sách được thu, chi như thế nào, có đem lại hiệu quả không…

Kết quả kiểm toán đã góp phần làm minh bạch hóa các thông tin về tài chính, ngân sách quốc gia. Nhiều đại biểu Quốc hội đã sử dụng kết quả kiểm toán để tranh luận, thảo luận và chất vấn tại nghị trường. Nhiều vấn đề liên quan đến kết quả kiểm toán cũng được Tổng Kiểm toán Nhà nước giải trình, làm rõ trước Quốc hội. Đặc biệt, những thông tin từ KTNN là một trong những căn cứ quan trọng để Quốc hội xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước; đặc biệt là thông qua quyết toán NSNN hằng năm.

Tôi đánh giá cao sự phối hợp của KTNN đối với Ủy ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội thời gian qua. Qua công tác kiểm toán, KTNN đã có những phát hiện, cung cấp nhiều số liệu, thông tin tin cậy, hỗ trợ rất lớn cho Ủy ban trong công tác giám sát cũng như thẩm tra xây dựng pháp luật theo chức năng được giao; cụ thể như trong công tác giám sát Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững, công tác quản lý và sử dụng Quỹ Bảo hiểm xã hội, Quỹ Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm thất nghiệp; công tác khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế, đổi mới cơ chế tài chính của ngành y tế…

Để KTNN phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm trong kiểm tra, giám sát tài chính công, tài sản công; tích cực phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tôi cho rằng cần chú trọng những vấn đề sau:

Thứ nhất, KTNN cần không ngừng hoàn thiện và nâng cao năng lực hoạt động. Trong bối cảnh công nghệ thông tin phát triển cùng với yêu cầu ngày càng cao về công khai, minh bạch, hiệu quả trong quản lý, sử dụng ngân quỹ, tài sản nhà nước, KTNN cần thường xuyên đổi mới về nội dung và phương pháp kiểm toán, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kiểm toán; không ngừng mở rộng phạm vi kiểm toán để đảm bảo nguyên tắc ở đâu có tài chính công, tài sản công là ở đó phải được kiểm toán. Đặc biệt, KTNN cần chú trọng kiểm toán cơ chế, chính sách, kiến nghị thay thế, sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ các văn bản để phù hợp với thực tiễn hoạt động của các đơn vị được kiểm toán, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công.

Thứ hai, khuôn khổ pháp lý về tổ chức và hoạt động của KTNN cần tiếp tục được bổ sung, hoàn thiện theo đúng tinh thần đã được Hiến định - là cơ quan hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, nhằm tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho hoạt động của KTNN. Chính vì vậy, trong lần sửa đổi, bổ sung Luật KTNN lần này (vừa được trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 7 và dự kiến thông qua tại Kỳ họp thứ 8), tôi cho rằng cần đặt đúng chỗ về vị trí, thẩm quyền của KTNN, đảm bảo KTNN, Tổng Kiểm toán Nhà nước có đủ thầm quyền thực hiện nhiệm vụ được giao; đồng thời đảm bảo các kết luận, kiến nghị của KTNN phải được thực hiện nghiêm túc, đầy đủ nhằm đảm bảo tính hiệu lực, hiệu quả của hoạt động kiểm toán.

Nhân dịp kỷ niệm 25 năm thành lập, xin chúc ngành KTNN sẽ ngày càng phát triển vững mạnh và đóng góp tích cực, hiệu quả hơn nữa cho hoạt động của Quốc hội, các Ủy ban của Quốc hội.

NGUYỄN HỒNG (ghi)
Cùng chuyên mục
Kết quả kiểm toán đã cung cấp nhiều thông tin tin cậy