Hoàn thiện thể chế để thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển bền vững

(BKTO) - Hiện nay, khoảng 65% khó khăn của các doanh nghiệp bất động sản đến từ những vướng mắc liên quan đến chính sách, pháp lý. Do đó, việc tiếp tục hoàn thiện thể chế, sửa đổi những bất cập trong các quy định pháp luật hiện hành sẽ “mở đường” cho sự phục hồi của thị trường bất động sản và thúc đẩy thị trường phát triển bền vững.

Đây là một trong những nội dung được trao đổi, thảo luận tại Diễn đàn Bất động sản Mùa Xuân thường niên lần III, do Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam (Reatimes) và Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam (VIRES) phối hợp tổ chức vào ngày 10/3, tại Hà Nội.

81bcd6412848f516ac59.jpg
Quang cảnh Diễn đàn. Ảnh: Reatimes

Chia sẻ tại Diễn đàn, PGS,TS. Nguyễn Quang Tuyến - Trưởng Khoa Pháp luật Kinh tế, Đại học Luật Hà Nội - cho biết, từ nửa cuối năm 2022 đến nay, thị trường bất động sản rơi vào tình trạng khá ảm đạm, trầm lắng, ảnh hưởng không tốt đến sự ổn định kinh tế vĩ mô cũng như tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế. Trong đó, hai “điểm nghẽn” lớn nhất được nhận diện là rào cản chính hạn chế sự phát triển của thị trường bất động sản là nút thắt về vốn và vướng mắc, bất cập về cơ chế chính sách, pháp lý.

Nói thêm về vấn đề này, ông Vũ Tiến Lộc - Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, theo một khảo sát gần đây của VIRES, hiện 65% khó khăn của các doanh nghiệp bất động sản đến từ những vướng mắc liên quan đến chính sách, pháp lý; 20% từ nguồn vốn (cũng chủ yếu do những bất cập trong các chính sách về tài chính) và 15% từ các yếu tố thị trường - doanh nghiệp.

Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh cũng đã đưa ra con số gần tương tự khi kết quả khảo sát chỉ ra rằng có tới gần 70% khó khăn của các doanh nghiệp bất động sản liên quan đến pháp lý. Khi tồn tại những vướng mắc về cơ chế chính sách, pháp lý thì dòng vốn chảy vào thị trường bất động sản cũng ách tắc. Tình trạng phổ biến trên thị trường bất động sản hiện nay là doanh nghiệp bị tắc cả “đầu vào” và “đầu ra”.

Cũng theo ông Lộc, đối mặt với nhiều khó khăn “chồng chất”, nhiều doanh nghiệp địa ốc đã không thể trụ vững, buộc phải rời bỏ khỏi thị trường. “Theo số liệu thống kê của các cơ quan chức năng, năm 2022, số doanh nghiệp bất động sản tuyên bố phá sản, giải thể tăng gần 40% so với năm 2021. Tuy nhiên, đây chỉ là “phần nổi của tảng băng”, các doanh nghiệp còn lại đang duy trì hoạt động cũng rơi vào tình cảnh vô cùng khốn đốn, đó mới chính là “phần chìm của tảng băng” rất đáng quan ngại” - ông Lộc nhấn mạnh.

Từ thực trạng thị trường bất động sản đang gặp rào cản lớn về pháp lý, các chuyên gia cho biết, từ cuối năm 2022 đến nay, Chính phủ đã có nhiều động thái mạnh mẽ, vào cuộc rất tích cực, thông qua việc ban hành các chỉ thị, nghị quyết, công điện… nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản. Theo đó, Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương rà soát các khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai thực hiện các dự án bất động sản, cũng như thực hiện giải quyết, tháo gỡ ngay các nội dung thuộc thẩm quyền của các Bộ, ngành, địa phương. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng chỉ đạo các Bộ, ngành rà soát, đề xuất sửa đổi theo thẩm quyền các quy định pháp luật liên quan đến lĩnh vực xây dựng, bất động sản còn chồng chéo, bất cập gây cản trở đến việc triển khai thực hiện dự án bất động sản…

Do đó, theo các chuyên gia, các Bộ, ngành, địa phương cần quyết liệt thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ để nhanh chóng tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về pháp lý, giúp thúc đẩy thị trường bất động sản sớm hồi phục.

Nhấn mạnh đến vấn đề này, ông Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam chia sẻ, hiện nay rất nhiều dự án bị đình trệ là do sự chậm trễ của chính quyền địa phương trong việc thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến thẩm định, phê duyệt, cấp phép… cho dự án. Nhiều dự án chỉ chờ các cơ quan chức năng thực hiện xong các thủ tục hành chính là có thể khởi công ngay. Do đó, các địa phương cần rốt ráo xử lý vấn đề này để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư, xây dựng dự án, tạo nguồn cung sản phẩm bất động sản dồi dào cho thị trường.

Đưa thêm đề xuất, ông Đính cho biết, trong giai đoạn khó khăn vừa qua, nhiều doanh nghiệp địa ốc đã bộc lộ những yếu kém, hạn chế, nên nhiều dự án của doanh nghiệp không đủ khả năng tiếp tục triển khai, dẫn đến gia tăng nhu cầu mua bán và sáp nhập (M&A), chuyển nhượng dự án. Tuy nhiên, một số quy định về M&A cũng còn nhiều vướng mắc. Do đó, các cơ quan chức năng cần có những giải pháp tháo gỡ về cơ chế, chính sách để các chủ đầu tư không đủ năng lực triển khai xây dựng dự án có thể thực hiện hoạt động chuyển nhượng dự án.

Bên cạnh những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản của Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương, về phía doanh nghiệp, ông Đính cho rằng, các doanh nghiệp địa ốc cần có các phương án tái cấu trúc một cách tổng thể để phù hợp với bối cảnh của thị trường và nguồn lực của doanh nghiệp. Đặc biệt, doanh nghiệp cần cơ cấu lại phân khúc, dòng sản phẩm đầu tư phù hợp với nhu cầu thực của thị trường, qua đó nâng cao khả năng thanh khoản, duy trì dòng tiền cho doanh nghiệp.

Trong khuôn khổ Diễn đàn Bất động sản Mùa Xuân thường niên lần III đã diễn ra Lễ vinh danh thương hiệu bất động sản dẫn đầu năm 2022-2023. Lễ vinh danh nhằm tôn vinh những nhà phát triển, nhà cung cấp dịch vụ bất động sản uy tín và chuyên nghiệp; vinh danh các dự án bất động sản chất lượng trên các loại hình, phân khúc.

Cùng chuyên mục
Hoàn thiện thể chế để thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển bền vững