Hoạt động của kiểm toán thúc đẩy thực hiện hiệu quả SDGs

(BKTO) - Việt Nam đã ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững với 17 mục tiêu chung và 115 mục tiêu cụ thể vào năm 2017. Đến nay, Việt Nam đã đạt được một số kết quả đáng kể nhờ sự đóng góp to lớn của các bên liên quan, trong đó có Kiểm toán nhà nước (KTNN).

Chung tay thực hiện thành công các mục tiêu

Việt Nam đã và đang phải đối mặt với nhiều thách thức trong việc thực hiện Các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs). Trong đó, đại dịch Covid-19 tác động nặng nề đến kinh tế cùng sức ép lớn về phát triển hạ tầng và xử lý ô nhiễm môi trường; tài nguyên thiên nhiên bị suy thoái nghiêm trọng; thiên tai, biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp; chênh lệch giàu nghèo, trình độ phát triển giữa một số vùng, miền và địa phương có xu hướng ngày càng tăng; hệ thống văn bản pháp luật chưa hoàn thiện, đồng bộ; tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp…

2(3).jpg
Phó Tổng Kiểm toán Đặng Thế Vinh tham dự Cuộc họp thường niên Nhóm Công tác ASOSAI về
các Mục tiêu phát triển bền vững tại Azerbaijan. Ảnh: M.Hà

Để giải quyết những khó khăn trên, một số hoạt động đã được triển khai nhằm nâng cao nhận thức, tăng cường năng lực và huy động sự tham gia của tất cả các bên liên quan. Việc tổ chức thực hiện SDGs tại Việt Nam dựa trên vai trò, đóng góp của toàn xã hội. Vai trò của Quốc hội trong việc thực hiện các chức năng lập hiến, lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đã từng bước tạo lập các cơ sở pháp lý quan trọng, vững chắc cho công cuộc đổi mới toàn diện đất nước. Trên cơ sở đó, các chiến lược, chính sách quan liên quan đến SDGs đã được triển khai thực hiện tại các bộ, ngành, địa phương, trong đó đã chú ý và lồng ghép tốt hơn các nhóm yếu thế như người nghèo, người dân tộc thiểu số, trẻ em, phụ nữ.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên cũng đã thúc đẩy khối đại đoàn kết toàn dân, chung tay thực hiện SDGs. Mặt trận đã động viên nhân dân phát huy dân chủ, hăng hái tham gia các phong trào thi đua yêu nước; thực hiện giám sát, phản biện xã hội; tham gia xây dựng Đảng, chính quyền, đấu tranh phòng, chống tham nhũng; mở rộng quan hệ hữu nghị giữa nhân dân Việt Nam với nhân dân các nước. Bên cạnh đó, cộng đồng doanh nghiệp ngày một lớn mạnh đã góp phần giải quyết nhiều việc làm với thu nhập cao hơn cho người lao động, nâng cao mức sống chung của toàn xã hội và tham gia vào quá trình chuyển dịch cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang các ngành phi nông nghiệp.

Tại Việt Nam, các tổ chức xã hội tham gia tích cực vào công cuộc cung cấp dịch vụ cho cộng đồng, phản biện, giám sát, đóng góp xây dựng chính sách, kết nối và huy động nguồn lực trong nước và quốc tế; từ đó đóng góp vào tiến trình hoàn thành SDGs. Các đối tác phát triển cũng đóng vai trò quan trọng trong cung cấp các nguồn vốn để đầu tư phát triển, hỗ trợ các dự án trồng rừng, phát triển ngành giáo dục, đào tạo tại Việt Nam, các chương trình mục tiêu của ngành y tế…

Ngoài ra, mạng lưới liên ngành, cơ quan như Hội đồng Quốc gia về phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh, Tổ công tác liên ngành về phát triển bền vững, Hội đồng doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững… giúp nâng cao khả năng phối - kết hợp giữa các đơn vị, tận dụng nguồn lực từ mọi thành phần, tổ chức, cá nhân.

Đóng góp của Kiểm toán nhà nước

Để góp phần thực hiện thành công SDGs, KTNN Việt Nam tích cực tham gia vào các diễn đàn toàn cầu, khu vực để chia sẻ bài học kinh nghiệm cũng như tăng cường hợp tác quốc tế để huy động nguồn lực thực hiện SDGs. Tại Cuộc họp thường niên Nhóm Công tác của Tổ chức Các cơ quan Kiểm toán tối cao châu Á (ASOSAI) về các Mục tiêu phát triển bền vững diễn ra từ ngày 23-25/5/2023 tại Thủ đô Baku (Azerbaijan), KTNN Việt Nam đã nhấn mạnh vai trò quan trọng đặc biệt của các bên liên quan đối với kết quả việc thực hiện SDGs. KTNN Liên bang Nga đã đồng tình với KTNN Việt Nam và ghi nhận tầm quan trọng của các bên liên quan tham gia ứng phó với các vấn đề toàn cầu liên quan. KTNN Nga đã kêu gọi chính phủ các quốc gia G20 hợp tác với các bên liên quan để xem xét về sự cần thiết xây dựng một khuôn khổ báo cáo, nâng cao tính minh bạch và trách nhiệm giải trình cho khu vực công, hướng các chương trình của chính phủ tới một nền kinh tế xanh, đặc biệt là trong quá trình chuyển đổi năng lượng và tiến tới mục tiêu tăng trưởng kinh tế toàn diện hơn.

1(3).jpg
Đoàn KTNN Việt Nam tham dự Cuộc họp thường niên Nhóm Công tác ASOSAI về các Mục tiêu phát triển bền vững
tại Azerbaijan. Ảnh: M.Hà

Thực tiễn cho thấy, hoạt động của kiểm toán góp phần thúc đẩy việc thực hiện hiệu quả và hiệu lực SDGs của Việt Nam. KTNN Việt Nam đã có các kiến nghị kịp thời ban hành, hủy bỏ, sửa đổi, thay thế 563 văn bản không phù hợp với thực tiễn; thực hiện 332 lượt kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân; hoàn thiện hệ thống kiểm soát nội bộ của các đơn vị được kiểm toán góp phần nâng cao tính minh bạch, trách nhiệm giải trình trong quản lý tài chính công, tài sản công; nâng cao hiệu quả, hiệu lực trong việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực quốc gia để triển khai thực hiện SDGs.

Trong thời gian tới, KTNN vạch ra các định hướng nhằm thực hiện thành công SDGs, trong đó đặc biệt chú trọng xây dựng Kế hoạch kiểm toán chiến lược và Kế hoạch kiểm toán hàng năm với sự chú trọng và ưu tiên dành nguồn lực phát triển công tác kiểm toán đối với việc thực hiện SDGs; đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ vào hoạt động kiểm toán; tập trung xây dựng và tăng cường năng lực cho đội ngũ kiểm toán viên, chú trọng đến việc nâng cao công tác kiểm soát chất lượng; tăng cường các hoạt động hợp tác quốc tế cả song phương và đa phương để tham khảo và chia sẻ kinh nghiệm về hoạt động kiểm toán SDGs của Việt Nam.

Việt Nam được đánh giá là một trong những nước tôn trọng và luôn tiên phong thực hiện các cam kết quốc tế trong đó có Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua năm 2015.

Bổ sung thêm vào các bài học kinh nghiệm của KTNN Việt Nam, KTNN Nga đã chia sẻ về kinh nghiệm kiểm toán SDGs. Đại diện KTNN Nga cho biết, để thực hiện SDGs, Nga chú trọng công tác kiểm toán tính sẵn sàng của hệ thống hành chính công trong đó đặc biệt chú trọng vào 3 mục tiêu chính gồm: đánh giá Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững của Nga; phân tích tính sẵn có của các nguồn lực cần thiết để thực hiện Chương trình nghị sự 2030 và đánh giá sự sẵn sàng của hệ thống giám sát Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững ở Nga.

KTNN Nga cũng đưa ra một số khuyến nghị và bài học của Nga trong quá trình tiến tới thực hiện thành công SDGs như đưa Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững vào trong các tài liệu hoạch định chiến lược; phân công rõ ràng trách nhiệm thực hiện các mục tiêu của Chương trình giữa các cơ quan chức năng; tổ chức hợp tác liên ngành trong việc thực hiện Chương trình nghị sự; xây dựng cơ chế khuyến khích các hành vi kinh doanh có trách nhiệm; tạo ra một hệ thống thông tin toàn diện về Chương trình nghị sự./.

Cùng chuyên mục
Hoạt động của kiểm toán thúc đẩy thực hiện hiệu quả SDGs