♦ Thưa Phó Chủ tịch Quốc hội, xin đồng chí cho biết ý kiến đánh giá khái quát về vai trò và những đóng góp của KTNN trong công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng trong thời gian vừa qua?
Đồng chí Uông Chu Lưu |
Thứ nhất, hoạt động kiểm toán và công khai kết quả kiểm toán đã góp phần tăng cường tính công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình của các cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, đơn vị sự nghiệp công lập và các cá nhân liên quan đến việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công. Kết quả kiểm toán đã giúp các đơn vị quản lý, sử dụng nguồn lực công hiệu quả hơn, có trách nhiệm với nguồn lực được giao; siết chặt kỷ luật tài chính, góp phần phòng ngừa và giảm nguy cơ tham nhũng, lãng phí. KTNN cung cấp thông tin kịp thời cho Quốc hội, HĐND và công khai cho nhân dân, cử tri biết để từ đó giám sát chặt chẽ hơn việc quản lý, sử dụng nguồn lực công.
Thứ hai, bằng hoạt động kiểm toán, KTNN đã phát hiện những vụ việc có dấu hiệu tham ô, lãng phí, tiêu cực, không tuân thủ pháp luật trong quản lý kinh tế, tài chính, sử dụng kém hiệu quả các nguồn lực tài chính, tài sản nhà nước… Trên cơ sở đó, KTNN kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền kịp thời phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý các hành vi tham nhũng, tiêu cực, lãng phí theo quy định của pháp luật. KTNN đã tiên phong trong việc lựa chọn kiểm toán những lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực, lãng phí như: tài chính, ngân sách, ngân hàng, đầu tư công, đất đai, tài nguyên khoáng sản, các công trình dự án lớn BT (xây dựng - chuyển giao), BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao), hay các tập đoàn kinh tế lớn của Nhà nước. Đây là những vấn đề rất khó, phức tạp và nhạy cảm nhưng KTNN đã không ngại va chạm, tiến hành kiểm toán một cách độc lập, khách quan, đúng pháp luật và báo cáo kết quả kiểm toán với Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan chức năng.
Thứ ba, KTNN kiến nghị xử lý tài chính đối với các hành vi vi phạm trong quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công; thu về cho NSNN hàng chục nghìn tỷ đồng mỗi năm đối với các khoản thuế phát hiện tăng thêm, các khoản chi sai chế độ, tiêu chuẩn, định mức, đồng thời cũng kiến nghị để tăng vốn nhà nước đối với các DN, tập đoàn nhà nước bị hạch toán thiếu. Qua hoạt động, KTNN cũng kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ nhiều văn bản quy phạm pháp luật không còn phù hợp với thực tế, có quy định mâu thuẫn, chồng chéo, sơ hở dễ bị lợi dụng để trục lợi, tham nhũng.
♦ Công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng đã có những kết quả quan trọng bước đầu và tạo tiền đề cho những năm tiếp theo. Tuy nhiên, cuộc đấu tranh này còn nhiều cam go. Vậy thưa Phó Chủ tịch, KTNN cần phải làm gì trong những năm tới để hoàn thành trọng trách và sứ mệnh của mình?
- Để tăng cường, phát huy vai trò, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của KTNN trong công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, theo tôi, KTNN cần thực hiện tốt một số giải pháp sau đây:
Một là, thường xuyên và chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ kiểm toán viên có trình độ chuyên môn nghiệp vụ cao, có văn hóa ứng xử chuẩn mực, có đạo đức nghề nghiệp trong sáng và phải có bản lĩnh theo đúng tinh thần mà KTNN đã đề ra là kiểm toán viên phải "nghệ tinh, tâm sáng". Đây là vấn đề cốt lõi để KTNN có thể giương cao ngọn cờ đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí.
Hai là, hoàn thiện phương pháp chuyên môn, nghiệp vụ kiểm toán thích ứng với nhiệm vụ của từng thời kỳ; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin. Phát triển các loại hình kiểm toán mới, tăng cường hoạt động kiểm toán chuyên đề, đi sâu vào kiểm toán hoạt động để đánh giá tính kinh tế, tính hiệu quả trong quản lý kinh tế, tài chính, tài sản công.
Ba là, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan bảo vệ pháp luật và chính quyền địa phương để có đầy đủ thông tin, đồng thời cung cấp thông tin một cách kịp thời về kết quả kiểm toán để kịp thời chấn chỉnh, uốn nắn nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả quản lý nhà nước, tổ chức thực hiện pháp luật và công tác giám sát.
Báo cáo kiểm toán phải được gửi kịp thời đến Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội. Đây là một trong những kênh thông tin quan trọng, có giá trị giúp Quốc hội hoạch định chính sách, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và thực hiện giám sát.
♦ Để KTNN phát huy được vai trò, sứ mệnh của mình thì Quốc hội có sự ủng hộ đối với hoạt động của KTNN như thế nào, thưa Phó Chủ tịch Quốc hội?
- Có thể nói, sự quan tâm, ủng hộ của Quốc hội đối với KTNN có tác động rất tích cực. KTNN là một thiết chế Hiến định, là cơ quan do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân thủ pháp luật. Do vậy, các hoạt động của KTNN luôn được Quốc hội quan tâm, ủng hộ. Quốc hội thường xuyên hoàn thiện hệ thống pháp luật, trong đó có Luật KTNN, tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho KTNN hoạt động. Quốc hội cũng thường xuyên quan tâm, chăm lo đến công tác tổ chức cán bộ, chế độ, chính sách cho cán bộ, công chức, viên chức ngành Kiểm toán và đương nhiên, Quốc hội cũng giám sát đối với tổ chức và hoạt động của KTNN, qua đó góp phần quan trọng để KTNN thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của mình trong kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công và trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí.
♦ Xin trân trọng cảm ơn Phó Chủ tịch Quốc hội!
N.HỒNG (thực hiện)