Hưng Yên cơ bản đạt các chỉ tiêu kế hoạch về phát triển kinh tế

(BKTO) - Năm 2023, tỉnh Hưng Yên đạt được kết quả khá toàn diện trên các lĩnh vực và là điểm sáng trong bức tranh chung của nền kinh tế quốc dân; hầu hết các chỉ tiêu kế hoạch về phát triển kinh tế của tỉnh đạt và vượt so với kế hoạch giao đầu năm.

hung-yen-va-tham-vong-dua-nganh-cong-nghiep-ho-tro-vao-chuoi-cung-ung-toan-cau-075534450_f7d3c.jpg
Hưng Yên thu ngân sách đạt 144% so với dự toán giao. Ảnh minh họa

Trong đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2023 của tỉnh ước đạt 10,05% (kế hoạch tăng 9%) và là tỉnh có mức tăng trưởng cao thứ 7/63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Thu ngân sách đạt 33.100 tỷ đồng, đạt 144% so với dự toán giao.

Các cấp, các ngành luôn đồng hành, tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, nhà đầu tư trong quá trình tìm hiểu đầu tư và triển khai thực hiện dự án.

Kết quả số vốn thu hút đầu tư mới và điều chỉnh tăng thêm năm 2023 đạt 18.387 tỷ đồng và 776,27 triệu USD. Trong đó thu hút được 87 dự án đầu tư mới, bao gồm 41 dự án trong nước và 46 dự án nước ngoài với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 14.527 tỷ đồng và 556,97 triệu USD. 1.390 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký mới đạt 22.810 tỷ đồng, tăng 2,7% so với cùng kỳ năm 2022.

Tạo việc làm mới cho 2,4 vạn lao động; có thêm 30 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 10 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Nhiều chính sách đặc thù được ban hành và triển khai thực hiện hiệu quả, việc xem xét, giải quyết kịp thời nhiều ý kiến, kiến nghị của cử tri đã góp phần bảo đảm an sinh xã hội, giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo, nâng cao đời sống cho nhân dân.

Theo thẩm tra, đánh giá của Ban Kinh tế - Ngân sách, Hội đồng nhân dân tỉnh, cơ bản các chỉ tiêu kế hoạch về phát triển kinh tế đều đạt và vượt so với kế hoạch giao đầu năm.

Để việc thu ngân sách đạt và vượt kế hoạch, thực hiện thắng lợi các mục tiêu khác, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững trên địa bàn tỉnh năm 2024 và những năm tiếp theo, tỉnh xác định vấn đề cần tập trung hiện nay là giải pháp thu ngân sách bảo đảm ở tất cả các sắc thuế để tạo nguồn lực đầu tư cho phát triển.

Trong vấn đề thu hút đầu tư chú trọng thu hút các dự án sản xuất kinh doanh vào các khu công nghiệp đã đi vào hoạt động. Phân tích, làm rõ nguyên nhân các dự án có chủ trương đầu tư sớm nhưng lại chậm triển khai; đề ra giải pháp giải quyết tình trạng dự án chậm đi vào hoạt động.

Thực hiện chính sách tạo nguồn nhân lực chất lượng cao nhằm phục vụ cho phát triển công nghiệp của tỉnh giai đoạn tới.

Các địa phương trong tỉnh chú trọng và đẩy mạnh triển khai xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Một số địa phương, nhất là các xã kinh tế còn gặp khó khăn mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp các ngành về việc tái định cư, xử lý ô nhiễm môi trường, đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông, thiết chế văn hóa…

Ủy ban nhân dân tỉnh đã đề ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp như cải thiện môi trường đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; tăng cường tổ chức các hội nghị gặp gỡ, xúc tiến đầu tư; thu hút các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài nhất là các tập đoàn lớn, có trình độ khoa học công nghệ hiện đại, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu; tích cực chuyển đổi số; tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Đề án "Nâng cao hiệu quả trong công tác giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh", nhằm sớm bàn giao đất cho doanh nghiệp để triển khai các dự án đầu tư; quyết liệt đôn đốc, hỗ trợ chủ đầu tư các công trình, dự án sản xuất công nghiệp, nhất là các dự án đầu tư hạ tầng đồng bộ cụm công nghiệp đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án; tập trung khai thác tốt các nguồn thu, bảo đảm thu đúng, thu đủ, thu kịp thời vào ngân sách nhà nước./.

Cùng chuyên mục
Hưng Yên cơ bản đạt các chỉ tiêu kế hoạch về phát triển kinh tế