Đề án đang được Bộ NN&PTNT khẩn trương xây dựng để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt. Mục tiêu của Đề án là hình thành và phát triển bền vững vùng chuyên canh lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh ở ĐBSCL trên quy mô lớn, để nâng cao thu nhập của người trồng lúa và hiệu quả của chuỗi giá trị lúa gạo. Đồng thời, giảm phát thải khí nhà kính và thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường sinh thái, đóng góp đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và xuất khẩu hiệu quả, góp phần phát triển ĐBSCL bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu.
Đề án hướng đến xây dựng vùng chuyên cánh lúa chất lượng cao tại ĐBSCL đến năm 2025 đạt hơn 500 nghìn héc-ta và đến 2030 đạt 1 triệu héc-ta. Lợi nhuận bình quân của người trồng lúa đạt trên 35% vào năm 2025 và trên 40% vào năm 2030. Đến năm 2025 và năm 2030, giảm lượng sử dụng giống xuống còn ở mức 80kg/héc-ta. Giảm lượng nước tưới đến năm 2025 và 2030 lần lượt là 30% và trên 30%; rơm rạ được thu gom khỏi đồng và tái sử dụng, chế biến đạt lần lượt là 70% và 90% diện tích. Lượng gạo xuất khẩu có thương hiệu gạo Việt Nam đạt 760 nghìn tấn vào năm 2025 và 2,3 triệu tấn đến năm 2030…
Tại hội thảo, đại diện doanh nghiệp và đại biểu đóng góp nhiều ý kiến và giải pháp nhằm hoàn thiện các nội dung và giải pháp tổ chức thực hiện đề án. Đồng thời, bày tỏ sự ủng hộ đối với Đề án. Đến nay, các địa phương vùng ĐBSCL đã đăng ký tham gia Đề án với diện tích vùng lúa chuyên canh chất lượng cao đến năm 2025 đạt 719 nghìn héc-ta và đến năm 2030 đạt hơn 1 triệu héc-ta. Trong đó dự kiến ngay trong năm 2024, các địa phương thực hiện được vùng lúa chuyên canh chất lượng cao gắn với giảm khí phát thải với diện tích 200 nghìn héc-ta.
Phát biểu tại buổi tham vấn, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam đánh giá cao sự đồng tình, ủng hộ và những ý kiến đóng góp của ngành nông nghiệp, doanh nghiệp, HTX... trong vùng ĐBSCL để dần hoàn chỉnh nội dung của Đề án.
Về vấn đề cơ chế, chính sách cho những hoạt động nhằm đạt mục tiêu mà Đề án đề ra, Thứ trưởng đề nghị ngành nông nghiệp các tỉnh vùng ĐBSCL cần nghiên cứu đề xuất áp dụng cơ chế phù hợp. Tuy nhiên, mọi cơ chế, chính sách phải gắn với Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL, thích ứng với biến đổi khí hậu. Trong đó, ngoài những chính sách của Nhà nước thì doanh nghiệp cũng phải có trách nhiệm gắn bó với vùng nguyên liệu của mình.