Doanh nghiệp và người lao động đều không mặn mà
2 năm qua, ảnh hưởng dịch Covid-19 rồi lạm phát khiến chị Nguyễn Thị Luyến (quận Hà Bà Trưng, TP. Hà Nội) buộc phải nghỉ việc, chuyển công ty tới 3 lần. Dù vậy, chị đều chọn giải pháp hưởng trợ cấp thất nghiệp thay vì chọn học nghề.
Chia sẻ lý do không chọn học nghề dù được hỗ trợ chi phí, chị Luyến cho biết, chị tốt nghiệp Đại học Hàng hải, sau 10 năm làm đúng nghề, vì lý do cá nhân, chị chuyển lên Hà Nội sinh sống và chấp nhận làm trái ngành. Là nhân viên sale maketing cho công ty chuyển phát nhanh, chị có thu nhập từ 10 đến 18 triệu đồng/tháng.
Tuy nhiên do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và biến động lạm phát, chị phải chuyển 3 công ty trong vòng 2 năm. Nhưng chỉ làm được mấy tháng, chị lại mất việc vì công ty không có đơn hàng. “Ở tuổi 45, tôi đi xin việc không dễ. Trong khi đó, những ngành nghề đào tạo cho người lao động thất nghiệp không đa dạng nên tôi quyết định chọn đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp thay vì học nghề”- chị Luyến chia sẻ.
Thực tế, phần lớn người lao động đều như chị Luyến, khi bị mất việc làm sẽ nhận một khoản trợ cấp thất nghiệp và tìm kiếm một công việc khác. Từ năm 2015 đến nay, số người có quyết định hỗ trợ học nghề là gần 30.400 người/năm (chiếm 4% số người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp mỗi năm).
Không riêng người lao động, ngay cả các doanh nghiệp cũng “ngại” đăng ký tham gia đào tạo người lao động bị thất nghiệp. Số doanh nghiệp có chế độ đào tạo nghề cho người lao động rất khiêm tốn.
Theo đại diện Công ty Cổ phần may Hồ Gươm, dù hằng năm, Công ty đều có chính sách đào tạo nghề cho người lao động tuyển mới cũng như nâng cao tay nghề, kỹ năng cho lao động cũ song việc tiếp cận chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đào tạo nghề cho lao động không dễ, đòi hỏi nhiều thủ tục cũng như các điều kiện.
Đánh giá về việc hỗ trợ người sử dụng lao động đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người lao động, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, quy định tại Luật Việc làm và các văn bản hướng dẫn về điều kiện hưởng quá chặt chẽ, hiếm khi xảy ra. Do đó, người sử dụng lao động khó khăn trong việc tiếp cận được với chế độ này. Thậm chí đến nay, chưa có doanh nghiệp nào được hỗ trợ theo chế độ này.
Bên cạnh đó, chế độ hỗ trợ học nghề chủ yếu giải quyết nhu cầu học nghề cho người thất nghiệp mà chưa có giải pháp hỗ trợ cho người lao động tham gia đào tạo, phát triển kỹ năng nghề, hoặc nâng cao trình độ kỹ năng nghề. Nội dung hỗ trợ là học phí học nghề, chưa có các nội dung hỗ trợ khác trong thời gian học nghề (chi phí ăn ở, sinh hoạt phí, đi lại…), dẫn đến người lao động gặp khó khăn trong việc tham gia học nghề, nhất là với những người cư trú xa cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Sửa đổi, bổ sung các chính sách hỗ trợ học nghề
Liên quan đến vấn đề này, TS. Nguyễn Thị Lan Hương - nguyên Viện trưởng Viện Khoa học, Lao động và Xã hội (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) - cho rằng, những lao động mất việc chủ yếu là lao động phổ thông, phần lớn không có tích lũy về kinh tế nên không có điều kiện để học nghề mới. Chính sách của bảo hiểm thất nghiệp cũng mới chỉ hỗ trợ chi phí học nghề, chưa hỗ trợ các chi phí khác khiến người lao động đang gặp khó khăn càng không mặn mà.
Theo thống kê trong giai đoạn 2015-2021, khoảng 96% người hưởng trợ cấp thất nghiệp được tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí. Tuy nhiên, việc chưa có quy định về chi phí cho hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm đã làm ảnh hưởng đến hiệu quả tư vấn, giới thiệu việc làm.
“Để chính sách đào tạo, hỗ trợ duy trì việc làm cho người lao động phát huy hiệu quả, việc đào tạo cần dựa trên nhu cầu của người lao động, kết hợp với các cơ sở đào tạo, đào tạo chuyển đổi, cũng như tăng cường hợp tác với các doanh nghiệp chặt chẽ hơn” - bà Hương nhấn mạnh.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) sẽ đề xuất bổ sung các chính sách để đẩy mạnh hỗ trợ người sử dụng lao động đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề nhằm duy trì việc làm cho người lao động; hỗ trợ người thất nghiệp tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề.
Bên cạnh đó, để phòng ngừa, giảm thiểu tình trạng thất nghiệp, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng dự kiến sửa đổi quy định về điều kiện hỗ trợ người sử dụng lao động đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề nhằm duy trì việc làm cho người lao động, đảm bảo tính khả thi trong thực tế.
Ngoài ra, việc sửa đổi Luật Việc làm cũng hướng đến tăng cường tư vấn, giới thiệu việc làm và hỗ trợ học nghề, bổ sung quy định phạm vi hỗ trợ bao gồm các khóa đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề; bổ sung quy định người lao động được hỗ trợ chi phí khác (đi lại, sinh hoạt phí…) trong thời gian học nghề…/.
Mục đích chính sách của bảo hiểm thất nghiệp là bù đắp một phần thu nhập của người lao động bị mất việc làm, đặc biệt hỗ trợ lao động thất nghiệp học nghề, tìm việc làm. Cùng với việc nhận tiền trợ cấp, người hưởng chính sách bảo hiểm thất nghiệp còn được tư vấn, định hướng việc làm. Trường hợp có nhu cầu học nghề, thay vì nhận tiền, người lao động sẽ được hỗ trợ đào tạo nghề trình độ sơ cấp với một số nghề phổ biến như nấu ăn, pha chế đồ uống, sửa chữa xe máy…