Kỳ Sơn thay đổi từChương trình 135
Giảm nghèo nhờ Chương trình 135
Kỳ Sơn là một huyện miềnnúi, nằm bên hữu ngạnsông Đà, tỉnh Hòa Bình. Với đặc thù sản xuất nông nghiệp, người dân không có nghề phụ, chưa thu hút các nhà đầu tư nên suốt nhiều năm liền, đây là một trong những địa phương dẫn đầu của tỉnh Hòa Bình về tỷ lệ hộ nghèo. Tuy nhiên, nhờ sự nỗ lực vươn lên, cùng với tác động của những chính sách hỗ trợ của Nhà nước và tỉnh Hòa Bình nên diện mạo đời sống kinh tế - xã hội tại đây đã có nhiều chuyển biến tích cực với tỷ lệ hộ nghèo giảm rõ nét (đến hết năm 2014, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn dưới 10%).
Có được những kết quả đó, một phần quan trọng chính là nhờ tác động của Chương trình 135 về hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất cho các xã đặc biệtkhó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu, các thôn, bản đặc biệt khó khăn được triển khai thành công tại đây. Không giấu nổi niềm vui, ông Đinh Đăng Điện - Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn phấn khởi cho biết, nếu như giai đoạn II (2006 - 2010), Kỳ Sơn có 2 xã được thụ hưởng Chương trình 135, thì đến giai đoạn III (2012 - 2015), toàn huyện chỉ còn 1 xã được thụ hưởng Chương trình, tức là thêm một địa phương thoát khỏi diện “đặc biệt khó khăn”.
Xác định việc thực hiện Chương trình 135 hiệu quả là những bước đi quan trọng hướng tới các mục tiêu giảm nghèo bền vững, nên ngay từ khi Chương trình được phê duyệt, huyện đã đẩy mạnh việc thực hiện lồng ghép Chương trình 135 với các Chương trình Mục tiêu quốc gia khác; phân cấpcho UBND cấp xã trực tiếp quản lý... Kết quả, sau 5 năm thực hiện Chương trình 135 giai đoạn II đã có nhiều công trình giao thông, thủy lợi, trường học được đưa vào sử dụng, đem lại lợi ích thiết thực cho người dân.
Tìm đến xã Độc Lập, hiện là xã đặc biệt khó khăn duy nhất của huyện Kỳ Sơn (còn thụ hưởng Chương trình 135), nhiều người sẽ không khỏi ngỡ ngàng về sự thay đổi đến kì lạ ở nơi đây. Hơn chục năm về trước, sự nghèo nàn, khó khăn của xã hiển hiện khắp nơi. Cơ sở hạ tầng thiếu thốn, trạm y tế và trường lớp đều là nhà tạm nên ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng giáo dục và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân... Nhờ đẩy mạnh sản xuất và nỗ lực vươn lên thoát nghèo, tỷ lệ hộ nghèo của xã đã giảm từ 56% năm 2009 còn khoảng 31,2% vào năm 2014. Thu nhập bình quân cũng được cải thiện, đạt 10 triệu đồng/người. 100% hộ dân của xã được dùng điện lưới quốc gia. Cơ sở hạ tầng được đầu tư khá đồng bộ với hệ thống thiết chế văn hóa, trường học, trạm y tế khang trang. Đời sống nhân dân được cải thiện cả về vật chất lẫn tinh thần.
Thành công nhờ khơi dậy sức dân
Diện mạo chung của mảnh đất vùng cao Kỳ Sơn hôm nay, đó là sự đổi mới trên từng con đường, từng làng xã, đặc biệt là không khí xây dựng NTM rộn ràng từ vài năm nay.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Khang - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Kỳ Sơn cho biết, thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2010 - 2020, huyện Kỳ Sơn cũng chủ động lồng ghép các chương trình, dự án để xây dựng NTM. Đồng thời, sử dụng tốt các nguồn vốn để đầu tư phát triển hạ tầng, kinh tế - xã hội, góp phần quan trọng đưa lại những thành công bước đầu trên địa bàn huyện. Toàn huyện có 9/9 xã được phê duyệt đề án xây dựng NTM, gắn với đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp; trong đó, 2 xã là Hợp Thịnh và Mông Hóa đạt 13/19 tiêu chí, 5 xã đạt từ 6 - 10 tiêu chí, 2 xã còn lại đạt 5 tiêu chí.100% số xã có đường nhựa và bê tông đến trung tâm xã và có điện lưới quốc gia. 12/32 trường học đạt chuẩn quốc gia. Tỷ lệ người tham gia Bảo hiểm y tế đạt 89,44%. Có 3/9 xã đạt chuẩn quốc gia về y tế. 92% số hộ được sử dụng nước sạch. Tuy nhiên, thành công nổi bật nhất, theo ông Khang, đó là chính quyền địa phương đã khơi dậy được sức dân vào công cuộc xây dựng NTM. Sau 4 năm thực hiện chương trình, nhân dân đã góp trên chục nghìn ngày công lao động, hiến hơn chục vạn m2 đất để làm đường giao thông và các công trình công cộng khác.
Đẩy mạnh xây dựng NTM, trong đó có việc chuyển đổi cơ cấu, cây trồng, những năm qua, huyện Kỳ Sơn đã xây dựng được nhiều mô hình kinh tế hay, hiệu quả. Nổi bật nhất là mô hình kinh tế trang trại, như: mô hình chăn nuôi gia súc, trồng cây ăn quả của gia đình ông Nguyễn Văn Tún (xã Mông Hoá) không chỉ giúp người thương binh loại 2/4 thoát nghèo mà còn mở ra triển vọng phát triển kinh tế địa phương; mô hình chăn nuôi nhím, chồn của ông Phạm Văn Hùng (thị trấn Kỳ Sơn) cũng đem lại cho gia đình doanh thu gần 1 tỷ đồng mỗi năm; hay mô hình trông cây phật thủ của gia đình anh Nguyễn Văn Khuyên (xã Hợp Thịnh) cũng được đánh giá là có nhiều triển vọng...
Dù vẫn còn không ít khó khăn, song với những thành công vừa qua, cùng với sự tiếp tục hỗ trợ của Nhà nước và ý thức vươn lên của người dân, tương lai thoát nghèo bền vững của đồng bào các dân tộc huyện vùng cao Kỳ Sơn không còn cách xa nữa.
NGUYỄN LỘC