Kêu gọi minh bạch ngân sách viện trợ nước ngoài của Liên minh châu Âu

(BKTO) - Vừa qua, Tòa Thẩm kế châu Âu (ECA) đã công bố một báo cáo và cho biết, ngân sách viện trợ nước ngoài của Liên minh châu Âu (EU) thiếu minh bạch, tiềm ẩn nhiều nguy cơ và rủi ro.

gdp-vs-eu-1.jpg
Ngân sách của Liên minh châu Âu cần được minh bạch hơn. Ảnh ST

Thiết kế ngân sách viện trợ còn khiếm khuyết

Báo cáo của ECA dài 53 trang, được xây dựng căn cứ vào các cuộc phỏng vấn với các quan chức EU cũng như các Bộ, ban ngành và các tổ chức phi chính phủ.

ECA đã phân tích 89 kế hoạch quốc gia với 9 nghiên cứu chuyên sâu, trong đó có 3 chuyến đi thực tế tới Senegal, Armenia và Campuchia. Các cuộc tham vấn về nguồn tài trợ khu vực phần lớn được lập kế hoạch ở Thủ đô Brussels (Bỉ).

ECA đã phát hiện lỗi thiết kế trong ngân sách viện trợ của EU, phát hiện một số khiếm khuyết trong văn kiện châu Âu toàn cầu trị giá 79,5 tỷ euro (tương đương khoảng 85 tỷ USD), bao gồm 70% chi tiêu của EU bên ngoài Liên minh.

Mặc dù ngân sách dành cho các quốc gia trong khu vực lân cận của EU và các quốc gia ở Tiểu vùng Sahara châu Phi, châu Á, Mỹ La tinh đã được hợp nhất theo văn kiện tài trợ năm 2021-2027 của EU, Tòa Thẩm kế châu Âu nhận thấy, Ủy ban sử dụng nhiều tiêu chí khác nhau để thiết lập nguồn tài trợ cho 2 nhóm trên.

Theo kết quả kiểm toán, trong khi việc phân bổ cho các quốc gia xa hơn được thực hiện dựa trên phương pháp định lượng, các quốc gia lân cận lại phải trải qua các đánh giá định tính, không thể so sánh được và không được ghi chép đầy đủ. Ủy ban châu Âu đã thông tin với ECA rằng, cách tiếp cận định lượng đối với các nước láng giềng sẽ ưu tiên những nước có mật độ dân số cao.

Cơ quan kiểm toán nhận thấy, việc phân bổ kinh phí cho các quốc gia không phải láng giềng đã trở nên minh bạch hơn. Tuy nhiên, họ vẫn chỉ ra những thiếu sót có thể được cải tiến, thực hiện.

Thiếu tham vấn ý kiến nhà tài trợ

Cơ quan kiểm toán cho biết: “Các phái đoàn EU đã không tham gia đầy đủ vào quá trình này và không tham khảo ý kiến của các nhà tài trợ để xác định nhu cầu của khu vực”. Việc thiếu tham vấn này đôi khi cũng là một vấn đề đối với các chương trình quốc gia.

ECA cho biết, các nhà lãnh đạo tôn giáo và chính quyền truyền thống ở Guinea đã không được hỏi ý kiến về chương trình phát triển của EU mặc dù phái đoàn EU thừa nhận họ là “động lực thay đổi tiềm năng” và kế hoạch quốc gia tiếp theo công nhận vai trò của họ trong việc hỗ trợ hệ thống luật pháp cũng như hòa bình, an ninh.

Tại Armenia, các tổ chức xã hội dân sự chỉ trích việc thiếu thảo luận với EU về cách thức đánh giá tác động để có thể giúp các tổ chức xã hội dân sự địa phương giám sát các cải cách của Chính phủ.

Các cơ quan kiểm toán đã đánh giá một bản mẫu gồm khoảng 700 chỉ số, được thiết kế để đo lường tác động của viện trợ EU. Họ phát hiện, hơn 20% chỉ số không có cơ sở hoặc cơ sở không rõ ràng để đánh giá tiến độ.

Ví dụ, ở Senegal, một chỉ số nhắm đến 14% lượng kiều hối được hướng tới “các khoản đầu tư sản xuất và kinh tế xã hội”, tuy nhiên, phái đoàn EU thừa nhận, điều này không thể được đánh giá một cách khách quan do thiếu bằng chứng.

Phản hồi quan điểm của ECA, Ủy ban châu Âu cho biết, Ủy ban ủng hộ việc đơn giản hóa việc sử dụng các chỉ số cũng như làm cho các chỉ số này trở nên nhất quán hơn. Đồng thời, Ủy ban chấp nhận hầu hết mọi khuyến nghị do ECA đưa ra./.

(Theo Devex và tổng hợp)

Theo: Devex
Copy Link
Cùng chuyên mục
Kêu gọi minh bạch ngân sách viện trợ nước ngoài của Liên minh châu Âu