Sẵn sàng cho chu kỳ phát triển mới

(BKTO) - Kết quả khảo sát các lãnh đạo doanh nghiệp (DN) ngành xây dựng do Vietnam Report thực hiện tháng 01/2024 cho thấy, nhóm DN ngành xây dựng đã lạc quan hơn về triển vọng chung của ngành, nhưng vẫn chưa cao. Trong khi 52,6% DN kỳ vọng năm 2024 sẽ đánh dấu những chuyển biến tích cực hơn thì vẫn có tới 36,9% DN dự báo chưa có nhiều cải thiện và 10,5% DN cho rằng tình hình thị trường có thể ảm đạm hơn.

13.jpg
Hành trình phục hồi của các DN xây dựng còn gặp không ít trở ngại. Ảnh: ST

Năm 2024 tạo nền móng cho sự phục hồi

Theo đánh giá của các chuyên gia trong lĩnh vực xây dựng, việc trở lại quỹ đạo tăng trưởng chưa thể diễn ra nhanh chóng, tuy nhiên, các DN xây dựng kỳ vọng năm 2024 có thể xây nền móng cho sự phục hồi và “ươm mầm” một chu kỳ phát triển mới.

Đánh giá trên được minh chứng thêm qua kết quả, ở tất cả các phân khúc xây dựng, tỷ lệ DN bày tỏ lạc quan về triển vọng đều cao hơn so với kết quả khảo sát cách đây một năm. Trong đó, mảng xây dựng năng lượng và tiện ích ghi nhận sự gia tăng đáng kể tỷ lệ DN đánh giá triển vọng tích cực hơn so với kết quả khảo sát năm 2023 (+43,6%) nhờ nhu cầu cấp bách trong xây lắp các dự án truyền tải Nam - Bắc với dự án trọng điểm đường dây 500kV mạch 3 và nhu cầu phát triển hạ tầng điện nhằm đáp ứng hệ thống năng lượng tái tạo sau khi có những tín hiệu mới từ chính sách. Ở chiều ngược lại, dù ghi nhận mức độ lạc quan của DN gia tăng so với năm 2023 song xây dựng nhà ở và xây dựng thương mại vẫn được đánh giá là cải thiện chậm hơn so với các phân khúc khác với lần lượt 47,4% và 66,7% số DN nhận định rằng trong năm 2024, hai phân khúc này chưa có nhiều chuyển biến rõ rệt.

Để vượt qua khó khăn, đẩy nhanh quá trình phục hồi, các DN xây dựng đang có các động thái để cải thiện năng lực quản trị rủi ro, đặc biệt là quản trị tài chính. Đây là chiến lược có tỷ lệ DN bình chọn là chiến lược trọng tâm trong năm 2024 cao nhất (72,2%). Đồng thời, các DN ưu tiên đa dạng hóa hoạt động kinh doanh để thích ứng với bối cảnh nguồn việc hạn chế, tránh phụ thuộc vào chu kỳ khó khăn của ngành bất động sản.

Phân tích về những động lực phục hồi, các chuyên gia, DN ngành xây dựng đã nêu 4 động lực lớn, trong đó có triển vọng phục hồi của nền kinh tế và thị trường bất động sản sau những chính sách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn của Chính phủ. Với việc kinh tế đang dần có dấu hiệu phục hồi từ cuối năm 2023, các DN xây dựng kỳ vọng rằng giai đoạn tới sẽ đón nhận các yếu tố hỗ trợ tích cực hơn, với tình hình kinh tế vĩ mô ổn định, các cân đối lớn được đảm bảo, thị trường bất động sản bước qua thời điểm khó khăn nhất và ghi nhận sự chuyển biến với các điểm nghẽn pháp lý đang dần được tháo gỡ, niềm tin thị trường được vực dậy, tạo điều kiện cho sự phục hồi của các DN xây dựng.

Cùng với đó, mặt bằng lãi suất cho vay giảm. Ngay từ đầu năm, Ngân hàng Nhà nước đã giao hết toàn bộ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng định hướng 15% cho năm 2024, tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng cung cấp lượng vốn đầy đủ, kịp thời để có thể đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế. Trong khi đó, mặt bằng lãi suất đã hạ nhiệt đáng kể. Các DN xây dựng thường sử dụng đòn bẩy tài chính lớn, do đó, khi lãi suất giảm, gánh nặng chi phí lãi vay cũng nhẹ bớt, từ đó có thể cải thiện biên lợi nhuận tốt.

Thêm động lực từ đầu tư công và dòng vốn FDI

Các chuyên gia và DN ngành xây dựng cũng nhận định, đầu tư công được đẩy mạnh sẽ tiếp tục là trụ cột, động lực phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế. Những năm qua, việc đầu tư, phát triển hạ tầng giao thông đã được thúc đẩy không ngừng. Năm 2021-2022 là giai đoạn khởi động, chuẩn bị và phê duyệt dự án, năm 2023 triển khai đồng loạt, năm 2024 sẽ là năm cao điểm giải ngân và được xác định là năm tăng tốc thực hiện các công trình giao thông trọng điểm. Trên cơ sở dự toán ngân sách năm 2024, Thủ tướng Chính phủ đã giao kế hoạch vốn đầu tư công 677.349 tỷ đồng và phấn đấu đạt tỷ lệ giải ngân ít nhất 95%. Trong đó, vốn đầu tư phát triển hạ tầng giao thông chiếm áp đảo, lên tới 422.000 tỷ đồng. Tác động của đầu tư công sẽ lan tỏa dần tới các ngành, lĩnh vực, mà trước tiên là thúc đẩy nhóm DN hạ tầng. Vì vậy, dư địa tăng trưởng dành cho nhóm ngành xây dựng hạ tầng giao thông vẫn rất lớn.

Bên cạnh đó, thị trường xây dựng cũng kỳ vọng được hưởng lợi từ làn sóng FDI. Bất chấp những bất định của kinh tế toàn cầu, thu hút FDI vào Việt Nam năm 2023 vẫn giữ vững, đạt hơn 36,6 tỷ USD, tăng 32,1% so với năm 2022. Vốn thực hiện của khu vực FDI ước đạt 23,18 tỷ USD, tăng 3,5% so với năm trước. Đây là mức giải ngân kỷ lục từ trước tới nay. Tiếp đó, vốn FDI thực hiện 3 tháng đầu năm 2024 ước đạt 4,63 tỷ USD, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm trước và đạt cao nhất của 3 tháng đầu năm trong 5 năm qua. Dòng vốn FDI vào Việt Nam tăng mạnh, tiếp tục mở ra cơ hội đầy tiềm năng cho ngành xây dựng công nghiệp.

Từ phía các DN xây dựng cũng tin tưởng rằng những yếu tố được tích lũy trong thời gian qua, gồm: Năng lực quản lý tài chính hiệu quả, rà soát, cắt giảm và tối ưu hóa chi phí; Uy tín, thương hiệu đã được xây dựng trên thị trường; Ứng dụng thành công chuyển đổi số trong quản lý và vận hành; Sẵn có đội ngũ nhân sự giỏi về chuyên môn, giàu kinh nghiệm, kỷ luật cao và Hoạt động kinh doanh đa dạng sẽ là cơ sở vững chắc cho DN bứt phá.

Tuy nhiên, bên cạnh những động lực tăng trưởng, hành trình phục hồi của các DN còn gặp không ít trở ngại. Qua góc nhìn của các DN, 5 khó khăn lớn nhất trong năm 2024 gồm: Nợ đọng không được thanh toán đúng hạn; Biến động giá nguyên vật liệu xây dựng; Tiến trình cấp phép, phê duyệt dự án chậm; Cạnh tranh giữa các DN trong ngành; Sức cầu yếu do kinh tế tăng trưởng chậm./.

Cùng chuyên mục
  • Tuần tới, 100% cửa hàng xăng dầu xuất hóa đơn điện tử
    một tháng trước Tài chính
    (BKTO) - Tính đến ngày 02/4, toàn quốc đã có 15.931/15.935 cửa hàng xăng dầu xuất hóa đơn điện tử sau từng lần bán hàng. Hiện chỉ còn 4 cửa hàng ở vùng sâu, vùng xa chưa thực hiện, dự kiến sẽ được lắp đặt các thiết bị phục vụ xuất hóa đơn điện tử trong tuần tới.
  • Con đường nâng hạng và cơ hội đón sóng lớn thứ 4 trong lịch sử
    một tháng trước Tài chính
    (BKTO) - Quyết tâm nâng hạng thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam từ cận biên lên mới nổi tiếp tục được cụ thể hóa bằng việc cơ quan quản lý đề xuất các quy định mới trong dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung 4 thông tư. Giới chuyên gia nhận định, con đường nâng hạng ngày càng rõ ràng hơn và TTCK Việt Nam có cơ hội bước vào con sóng lớn thứ 4 trong lịch sử.
  • Kế hoạch vay, trả nợ công năm 2024
    một tháng trước Tài chính
    (BKTO) - Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái vừa ký Quyết định số 260/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch vay, trả nợ công năm 2024 và Chương trình quản lý nợ công 3 năm giai đoạn 2024-2026.
  • Xuất khẩu nông, lâm, thủy sản tăng mạnh, đạt 13,53 tỷ USD
    một tháng trước Tài chính
    (BKTO) - Ba tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản ước đạt 13,53 tỷ USD, tăng 21,8% so với cùng kỳ năm trước; xuất siêu 3,36 tỷ USD, tăng 96,5%.
  • Hoàn thiện thủ tục đầu tư các dự án dự kiến bố trí kế hoạch đầu tư công trung hạn
    một tháng trước Tài chính
    (BKTO) - Ngày 01/4/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Công điện số 29/CĐ-TTg về hoàn thiện thủ tục đầu tư các dự án dự kiến bố trí kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 từ nguồn dự phòng chung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 tương ứng với nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2022.
Sẵn sàng cho chu kỳ phát triển mới