Khoa học và công nghệ - đòn bẩy cho phát triển kinh tế - xã hội

(BKTO) - Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 01/11/2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về phát triển khoa học và công nghệ (KNCN) phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế (Nghị quyết 20), việc ứng dụng KHCN đã tạo ra những đổi thay, chuyển biến tích cực trong hoạt động phát triển kinh tế - xã hội của đất nước cũng như mỗi địa phương.

3.jpg
Việc ứng dụng KHCN đã tạo ra những chuyển biến tích cực trong hoạt động phát triển kinh tế - xã hội. Ảnh sưu tầm

Nhiều địa phương đổi thay nhờ khoa học công nghệ

Theo Bảng xếp hạng Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) năm 2022, Việt Nam đứng thứ 48/132 nền kinh tế (năm 2021 đứng thứ 44/132), nằm trong Top 50 và đứng thứ 2 trong nhóm 36 nền kinh tế thu nhập trung bình thấp, đứng thứ 10 trong số 17 nền kinh tế ở Đông Nam Á và châu Đại Dương. Cùng với đó, KHCN đóng góp vào quá trình phát triển kinh tế của đất nước. Cụ thể, yếu tố năng suất tổng hợp (TFP) đóng góp khoảng 40,1% vào tăng trưởng kinh tế; giá trị sản phẩm công nghệ cao và sản phẩm ứng dụng công nghệ cao đạt 45%; tốc độ đổi mới công nghệ, thiết bị đạt 51,7%; giá trị giao dịch của thị trường KHCN đạt 22%/năm...

Thực hiện Nghị quyết 20, trong 10 năm trở lại đây, diện mạo của nhiều địa phương đã có sự thay đổi đáng kể. Đơn cử, tại Quảng Ninh, hoạt động KHCN trên địa bàn tỉnh đã có bước nhảy vọt, trở thành đòn bẩy quan trọng đưa các ngành kinh tế của địa phương tăng trưởng theo hướng hiện đại hóa gắn với nâng cao năng suất, chất lượng. Đến nay, tỷ lệ sản phẩm công nghệ cao và sản phẩm ứng dụng công nghệ cao của Quảng Ninh đạt 45,45% trên tổng giá trị sản xuất công nghiệp. Qua đó, năng suất lao động được nâng cao, tạo ra các sản phẩm mới có chất lượng, thân thiện với môi trường.

Dù không phải là địa phương có diện tích sản xuất nông nghiệp lớn nhất vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nhưng với lợi thế nằm ở trung tâm của vùng, hội tụ nhiều tiềm năng, Cần Thơ đang có nhiều điều kiện thuận lợi để trở thành trung tâm KHCN về nông nghiệp của quốc gia và khu vực. Thống kê cho thấy, Cần Thơ có 73 đơn vị có hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ (R&D) với 7.455 người có hoạt động nghiên cứu khoa học, trong đó có những đơn vị thuộc hàng đầu của quốc gia và khu vực về lĩnh vực nông nghiệp. Với vai trò và vị thế của mình, Cần Thơ đã đặc biệt quan tâm ứng dụng KHCN theo hướng công nghệ cao vào sản xuất lúa, nuôi trồng thủy sản…, bước đầu mang lại nhiều kết quả tích cực, đóng góp vào sự phát triển chung của toàn ngành nông nghiệp.

Trong khi đó, tại TP. Hồ Chí Minh, những năm qua, hoạt động KHCN trên địa bàn có những bước tiến rõ rệt, từng bước khẳng định vai trò thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tạo ra nhiều sản phẩm KHCN có tính đột phá trên nhiều lĩnh vực. Đây là cơ sở quan trọng góp phần giúp chỉ số năng suất yếu tố tổng hợp (TFP) luôn ở mức cao (giai đoạn 2011-2021 đạt trung bình 35,62%), trong đó đóng góp của KHCN vào tăng trưởng TFP là 74%. Cũng trong giai đoạn này, năng suất lao động xã hội của Thành phố cao hơn 2,7 lần so với cả nước, tốc độ tăng năng suất lao động xã hội cao gấp 1,7 lần so với cả nước...

Để khoa học công nghệ đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới

Bên cạnh những kết quả đạt được, đại diện các địa phương cũng nhìn nhận một số hạn chế, yếu kém trong quá trình thực hiện Nghị quyết 20. Trong đó, chế độ, chính sách để thúc đẩy KHCN phát triển còn bất cập, hạn chế, chưa đầu tư thích đáng cho hoạt động sáng tạo; còn thiếu những chuyên gia đầu ngành, nhất là trong các lĩnh vực trọng điểm như: Công nghệ sinh học, công nghệ vi mạch, công nghệ nano, trí tuệ nhân tạo. Cùng với đó, cơ sở vật chất phục vụ hoạt động nghiên cứu khoa học và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, nhất là trong lĩnh vực công nghệ cao chưa đáp ứng nhu cầu phát triển; thiếu sự liên kết phối hợp trong đào tạo, xây dựng môi trường sinh thái cho giảng dạy, nghiên cứu, đưa ý tưởng vào sản xuất, kinh doanh...

Để đẩy mạnh phát triển KHCN trong điều kiện kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế, nhiều ý kiến cho rằng, thời gian tới, cần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy đảng, chính quyền về vai trò và động lực của KHCN trong phát triển kinh tế - xã hội. Xác định KHCN là nhiệm vụ trọng tâm của các cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị; gắn các mục tiêu, nhiệm vụ KHCN với các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của mỗi địa phương, đơn vị. Đồng thời, tập trung các nguồn lực để triển khai các định hướng phát triển KHCN chủ yếu; đầu tư đúng mức, có trọng điểm và đẩy mạnh công tác ứng dụng KHCN trong các ngành, lĩnh vực, góp phần phục vụ việc hoạch định chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường…

Theo đồng chí Lại Xuân Môn - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo Đề án Tổng kết 10 năm thực Nghị quyết 20, trong thời gian tới, cần bổ sung văn bản của Đảng để tiếp tục phát triển KHCN phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6 khóa XIII về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn 2045. Đồng thời, phải đồng bộ nhất quán với các chị thỉ, nghị quyết có liên quan đến phát triển KHCN theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và triển khai đồng bộ với các nghị quyết, chiến lược của Đảng, Nhà nước về phát triển KHCN đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

Cùng với đó, cần chú trọng phân tích bối cảnh trong nước và quốc tế, dự báo bối cảnh tình hình thế giới tác động đến sự phát triển của KHCN. Qua đó, xác định yêu cầu đối với việc phát triển KHCN trong thời gian tới để phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Tiếp tục hoàn thiện thể chế nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực KHCN, có cơ chế đột phá để thu hút, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng mạnh mẽ KHCN, nhất là những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tạo động lực mạnh mẽ để đất nước phát triển nhanh và bền vững./.

Việt Nam đứng thứ 5 về tổng số công bố quốc tế trong khu vực ASEAN. Số lượng các sáng chế được bảo hộ tăng liên tục, năm 2015 tăng 15 lần so với giai đoạn 2006-2010, đến năm 2020 tăng gấp đôi so với giai đoạn 2011-2015; năm 2021 đã có 3.513 bằng độc quyền sáng chế/giải pháp hữu ích và 22.828 bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp…

Cùng chuyên mục
Khoa học và công nghệ - đòn bẩy cho phát triển kinh tế - xã hội