Sàng lọc dự án để nâng cao chất lượng, hiệu quả thu hút đầu tư nước ngoài

(BKTO) - Việt Nam đã trở thành một điểm sáng về thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) và dòng vốn FDI đã trở thành một trong những nguồn lực quan trọng phục vụ phát triển kinh tế đất nước. Tuy vậy, hoạt động của các dự án FDI cũng đã nảy sinh những bất cập, đòi hỏi phải chú trọng sàng lọc dự án để nâng cao chất lượng, hiệu quả thu hút FDI trong thời gian tới.

Còn những “mảng tối” trong thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài

Chia sẻ tại Hội thảo “Công cụ sàng lọc dự án đầu tư tại Việt Nam”, do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức vào sáng 16/11, ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban Pháp chế, VCCI - cho biết, trải qua 35 năm thu hút FDI, Việt Nam hiện nay đã là điểm đến tiềm năng và hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài.

20221116_085203.jpg
Quang cảnh Hội thảo. Ảnh: D.THIỆN

Theo đó, so với năm 1991 - thời điểm Việt Nam chỉ thu hút được 1,28 tỷ USD vốn đăng ký và vốn thực hiện đạt 428,5 triệu USD thì đến năm 2021, số vốn đăng ký và vốn giải ngân đã cao hơn lần lượt khoảng 30 lần và 38 lần, dù cho đây là năm nền kinh tế toàn cầu chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19. Trong 35 năm thu hút vốn FDI, trung bình mỗi năm Việt Nam đã thu hút được hơn 7 tỷ USD.

Với lượng vốn thu hút ngày càng lớn, vốn FDI đã, đang có những vai trò quan trọng đối với nền kinh tế Việt Nam.

Cụ thể, tính đến nay, nguồn vốn FDI đã chiếm gần 1/4 tổng vốn đầu tư toàn xã hội, đóng góp khoảng 20% vào cơ cấu GDP.

Bên cạnh đó, hoạt động của khu vực doanh nghiệp FDI cũng đóng góp quan trọng vào việc tạo việc làm cho xã hội. Theo số liệu thống kê, giai đoạn 2008-2017, số lao động trong khu vực doanh nghiệp FDI tăng trung bình 12%/năm, cao gấp 5 lần so với mức tăng trưởng việc làm toàn quốc.

Đặc biệt, hoạt động của khu vực doanh nghiệp FDI còn góp phần thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu. Theo ước tính, trung bình hàng năm, giá trị xuất khẩu của khu vực doanh nghiệp FDI chiếm khoảng 72% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, góp phần giúp Việt Nam có thặng dư thương mại trong những năm gần đây.

Ngoài ra, khu vực doanh nghiệp FDI cũng đóng góp tích cực vào việc góp phần chuyển giao công nghệ, thúc đẩy nâng cao chất lượng và năng suất lao động. Đơn cử, năm 2019, năng suất lao động trong khu vực doanh nghiệp FDI cao gấp 2,5 lần năng suất lao động chung toàn quốc.

Bên cạnh những “điểm sáng”, ông Trương Đức Trọng - Chuyên gia Ban Pháp chế, VCCI - cho biết, hoạt động của các dự án FDI tại Việt Nam trong thời gian qua cũng đã nảy sinh một số vấn đề bất cập, đáng quan ngại.

Chẳng hạn, số liệu của Bộ Tài chính cho thấy, năm 2020, xấp xỉ 56% trong tổng số khoảng 25.200 doanh nghiệp FDI báo cáo kinh doanh thua lỗ, dù tổng tài sản của các doanh nghiệp này lại tăng 22%. Số liệu trên cho thấy tiềm ẩn nguy cơ về tình trạng doanh nghiệp FDI chuyển giá và trốn thuế tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, tỷ lệ các dự án FDI sử dụng công nghệ cao, có giá trị gia tăng còn thấp, các dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ nguồn lại càng ít. Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hiện nay, chỉ khoảng 5% dự án sử dụng công nghệ cao, 80% dự án có công nghệ trung bình, còn lại 14% dự án là sử dụng công nghệ thấp.

3.jpg
Ông Trương Đức Trọng - Chuyên gia Ban Pháp chế, VCCI chia sẻ tại Hội thảo. Ảnh: D.THIỆN

Đồng thời, một số doanh nghiệp chưa tuân thủ tốt các quy định về bảo vệ môi trường của pháp luật Việt Nam, gây ra nhiều hệ quả tiêu cực cho xã hội. Theo kết quả thanh tra của Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường tại 28 tỉnh miền Bắc từ năm 2017 đến năm 2019, tỷ lệ doanh nghiệp FDI vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường tăng lên qua thời gian. Cụ thể, năm 2017, có 44,5% doanh nghiệp vi phạm; năm 2018, có 56% doanh nghiệp vi phạm và đến năm 2019 con số này là 68%.

Mặt khác, còn có các quan ngại về tình trạng lãng phí đất đai của các dự án FDI, khi dự án đã đăng ký song không thực hiện hoặc thực hiện chậm tiến độ.

Ngoài ra, trong một số doanh nghiệp FDI, quan hệ lao động chưa tốt, người lao động bị đối xử thiếu công bằng, thậm chí bị ngược đãi; các vụ đình công cũng diễn ra không ít ở một số doanh nghiệp FDI...

Cần chọn lọc để thu hút dự án chất lượng cao

Trong những năm gần đây, Việt Nam đã, đang chuyển hướng thu hút FDI chú trọng vào “chất” hơn là vào “lượng”, tức là thu hút các dự án có sự đóng góp vào phát triển bền vững, giảm thiểu các tác động có hại cho con người và môi trường. Để hiện thực hóa định hướng này phụ thuộc rất lớn vào vai trò của các địa phương trong hoạt động thẩm định các dự án FDI.

Tuy nhiên, trên thực tế, công tác này hiện vẫn còn một số hạn chế. Cụ thể, nghiên cứu của VCCI cho thấy, do đã thực hiện phân cấp toàn diện cho chính quyền địa phương được cấp phép và quản lý các dự án FDI trên địa bàn, nên còn có tình trạng địa phương cạnh tranh thu hút FDI bằng mọi giá, mời gọi đầu tư bằng việc ban hành nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi không đúng thẩm quyền, vượt quy định...

Bên cạnh đó, một số địa phương còn dễ dãi trong lựa chọn nhà đầu tư, thiên về lợi ích trước mắt mà chưa tính đến lợi ích lâu dài, vì lợi ích của địa phương mà bỏ qua lợi ích tổng thể của quốc gia.

Mặt khác, việc phân cấp mạnh trong khi năng lực của các cơ quan được phân cấp còn yếu khiến công tác thẩm định, cấp giấy chứng nhận đầu tư cũng như quản lý, giám sát các dự án FDI còn nhiều lỏng lẻo.

Ngoài ra, một số địa phương còn cấp phép cho những dự án phá vỡ một số quy hoạch ngành hay cấp phép nhiều cho các dự án quy mô lớn nhưng không triển khai hoặc triển khai rất chậm…

Từ thực tế trên, bà Lại Thị Vân Anh - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật quốc tế, Bộ Tư pháp cho rằng, yêu cầu cấp thiết đặt ra là cần tiếp tục cải thiện vai trò, trách nhiệm của các địa phương trong việc sàng lọc dự án, để nâng cao chất lượng, hiệu quả thu hút FDI.

Chia sẻ thêm, ông Đậu Anh Tuấn cho rằng, nhiều địa phương vẫn gặp khó khăn khi đánh giá các dự án FDI. Do đó, một trong những giải pháp khả thi hiện nay là xây dựng một công cụ toàn diện có thể hỗ trợ các cán bộ chính quyền địa phương trong công tác thẩm định dự án đầu tư.

Cũng theo ông Tuấn, VCCI và Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam đã hợp tác để xây dựng một bộ công cụ nhằm hỗ trợ chính quyền các địa phương trong công tác đánh giá, thẩm định mức độ đóng góp và tác động tiềm tàng của các dự án FDI xin cấp phép đầu tư tại địa bàn, qua đó nhằm giúp địa phương chọn lọc ra các dự án chất lượng cao.

Cụ thể, bộ công cụ gồm các tiêu chí đánh giá được chia thành 3 nhóm.

Trong đó, nhóm tiêu chí 1 là đánh giá sự hợp lệ, gồm các tiêu chí cơ bản mang tính bắt buộc mà nhà đầu tư cần tuân thủ và cung cấp bằng chứng về việc tuân thủ đó trong giai đoạn thẩm định dự án. Các tiêu chí này được xây dựng căn cứ theo pháp luật về đầu tư của Việt Nam.

Nhóm tiêu chí 2 là đánh giá rủi ro, gồm các các tiêu chí đánh giá các rủi ro tiềm tàng của dự án đầu tư và xác định xem liệu dự án có các chiến lược giảm thiểu rủi ro phù hợp hay không.

Nhóm tiêu chí 3 là đánh giá sự phù hợp, gồm các tiêu chí đánh giá mức độ phù hợp của dự án với các chính sách ưu tiên thu hút đầu tư của địa phương, mức độ phù hợp với các tiêu chí khuyến nghị theo chuẩn mực quốc tế về đầu tư có trách nhiệm.

Cùng chuyên mục
Sàng lọc dự án để nâng cao chất lượng, hiệu quả thu hút đầu tư nước ngoài