Khơi thông các động lực tăng trưởng mới

(BKTO) - Làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống và khơi thông, tận dụng hiệu quả các động lực tăng trưởng mới hướng đến phát triển bao trùm, bền vững trở thành yêu cầu vừa mang tính cấp bách, vừa mang tính chiến lược lâu dài đối với nền kinh tế Việt Nam.

gdp.jpg
Khơi thông các động lực tăng trưởng mới sẽ giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Ảnh minh họa: S.T

Theo các chuyên gia, trong quý I/2024, kinh tế Việt Nam mặc dù có nhiều điểm sáng nhưng cộng đồng doanh nghiệp (DN) vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Số liệu của Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, trong quý I, cả nước có 59,9 nghìn DN đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 5,1% so với cùng kỳ năm trước; bình quân một tháng có gần 20 nghìn DN thành lập mới và quay trở lại hoạt động. Ở chiều ngược lại, số DN rút lui khỏi thị trường là 73,9 nghìn DN, tăng 22,8% so với cùng kỳ năm trước; bình quân một tháng có gần 24,7 nghìn DN rút lui khỏi thị trường.

Như vậy, so sánh giữa số DN đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động với số DN rút lui khỏi thị trường cho thấy, trong quý I, tổng số DN nước ta giảm 14 nghìn DN, bình quân một tháng giảm gần 4,7 nghìn DN.

Chia sẻ tại Diễn đàn DN 2024 với chủ đề “Khơi thông động lực tăng trưởng mới” mới diễn ra, ông Mạc Quốc Anh - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa TP. Hà Nội cho biết, một kết quả khảo sát gần đây của Hiệp hội cho thấy các DN đang phải đối mặt với nhiều khó khăn trong quá trình phục hồi. Trong đó những khó khăn chủ yếu DN đang gặp phải đó là: thiếu đơn hàng, khó tiếp cận vốn, thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao, cũng như DN vẫn còn gặp khó khăn trong việc thực hiện các thủ tục hành chính…

Trong bối cảnh dự báo cộng đồng DN nói riêng và nền kinh tế nói chung sẽ vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong thời gian tới, các chuyên gia cho rằng cần có những giải pháp hiệu quả để làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống và khơi thông các động lực tăng trưởng mới, như yêu cầu được Thủ tướng Chính phủ đặt ra tại Nghị quyết số 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2024.

Liên quan đến vấn đề này, bà Trần Thị Hồng Minh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh là những động lực tăng trưởng mới mà Việt Nam cần thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới.

“Điểm tích cực là chuyển đổi số, chuyển đổi xanh không còn được nhìn nhận một cách rời rạc mà có sự gắn kết tương hỗ với nhau và được ưu tiên thực hiện khẩn trương ngay trong quá trình phục hồi tăng trưởng kinh tế. Nhờ đó, Việt Nam đang được cộng đồng quốc tế đánh giá cao về tư duy cải cách” - bà Minh nhấn mạnh.

anh.jpg
Diễn Diễn đàn DN 2024 với chủ đề “Khơi thông động lực tăng trưởng mới” do Tạp chí Diễn đàn DN thuộc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức chiều 12/4. Ảnh: D.T

Bên cạnh đó, theo Viện trưởng CIEM, cải cách thể chế cũng là một nguồn lực, thậm chí là “chìa khóa” quan trọng, do đó, Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương cần quyết liệt hơn nữa trong việc cải cách thể chế, đẩy mạnh cải cách môi trường kinh doanh, tháo gỡ những vướng mắc, rào cản về cơ chế, chính sách, nhằm giảm chi phí, rủi ro cho DN trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh, mở rộng không gian phát triển cho DN; từ đó giúp phát huy hiệu quả hơn nội lực của nền kinh tế và cộng đồng DN.

Đồng quan điểm trên, ông Trịnh Minh Anh - Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế, Bộ Công Thương chia sẻ thêm, một động lực quan trọng mà nền kinh tế và các DN cần tiếp tục tận dụng hiệu quả trong thời gian tới đó là hệ thống các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương mà Việt Nam là thành viên.

Bởi lẽ, theo ông Anh, trong bối cảnh khó khăn chung của khu vực và thế giới, năm 2023, kết quả xuất, nhập khẩu của Việt Nam vẫn đạt được những kết quả tích cực, trong đó một trong những nguyên nhân được chỉ ra là nhờ những yếu tố thuận lợi từ việc hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng của Việt Nam, giúp Việt Nam tăng cường hợp tác thương mại với nhiều quốc gia hơn và trở thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu.

Đưa thêm khuyến nghị, theo các chuyên gia, Chính phủ cần tiếp tục hỗ trợ DN tăng cường khả năng tiếp cận vốn, tiếp cận các thị trường xuất khẩu; đẩy mạnh triển khai các chính sách, giải pháp hỗ trợ DN chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất lao động…

Cùng với đó, Chính phủ cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện khung chính sách để phát triển các mô hình kinh tế mới như: kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế ban đêm, kinh tế chia sẻ… để tạo không gian phát triển lớn hơn cho cộng đồng DN.

Nhấn mạnh thêm tầm quan trọng của việc cần xây dựng, phát triển cộng đồng DN Việt Nam đủ mạnh, GS,TS. Hoàng Văn Cường - Ủy viên Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội cho rằng, thời gian qua, Việt Nam đã đón nhận nhiều tập đoàn đa quốc gia, DN lớn của nước ngoài đến đầu tư, tuy nhiên số lượng DN Việt đủ năng lực “bắt tay” hợp tác, trở thành đối tác trong chuỗi cung ứng của các DN ngoại tại Việt Nam vẫn còn hạn chế, chưa được như kỳ vọng.

Do đó, bên cạnh sự hỗ trợ, đồng hành của Chính phủ, bản thân các DN nội cần tiếp tục chủ động đề ra các giải pháp để nâng cao năng lực, khả năng cạnh tranh, để “đủ tầm” song hành, hợp tác với các nhà đầu tư nước ngoài. Đây cũng là nền tảng để xây dựng một nền kinh tế Việt Nam độc lập, tự chủ, thịnh vượng, hùng cường./.

Cùng chuyên mục
Khơi thông các động lực tăng trưởng mới