Nhân lực ngành nông nghiệp vừa thiếu, vừa yếu
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), thời gian qua, với sự quan tâm lớn của Đảng và Nhà nước, chúng ta đã đào tạo được một nguồn lực lao động có chất lượng, có tay nghề, đóng góp quan trọng cho sự phát triển của ngành, của đất nước.
Tuy nhiên, nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao của ngành NN&PTNT vẫn còn yếu và thiếu, nhất là thiếu chuyên gia, đội ngũ có thể làm chủ công nghệ, kỹ thuật cao; ngoài ra tỷ lệ lao động nông thôn chưa qua đào tạo vẫn lớn.
Hiện, lực lượng lao động trong ngành nông nghiệp chiếm khoảng 30% lực lượng lao động cả nước, nhưng sinh viên đăng ký học ngành nông nghiệp chiếm chưa đến 2% tổng sinh viên nhập học hàng năm.
Ông Đỗ Năng Khánh - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp lưu ý, chất lượng nguồn nhân lực được xem là rào cản và thách thức lớn đến mục tiêu phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn mà nghị quyết của Đảng đã đề ra.
“Lao động không qua đào tạo hoặc trình độ đào tạo thấp hạn chế việc áp dụng và chuyển giao tiến bộ khoa học, kỹ thuật; tiếp cận thị trường; sử dụng vốn đầu tư” - ông Khánh cho biết.
Hệ quả của tình trạng này, theo ông Khánh, đó là năng suất lao động trong khu vực nông nghiệp chỉ bằng 38,1% năng suất lao động của các ngành kinh tế.
Giai đoạn 2016-2020, học sinh, sinh viên đăng ký các ngành, lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy lợi và thủy sản giảm trên 30% so với giai đoạn 2011-2015. Trong những năm gần đây, một số ngành nông nghiệp truyền thống có rất ít hoặc thậm chí không có sinh viên đăng ký học.
Ông Ngô Hồng Giang - Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ NN&PTNT) cho biết, người học các ngành nông nghiệp chủ yếu là con em nông dân sinh sống ở nông thôn, miền núi, vùng khó khăn.
Cùng với đó điều kiện làm việc trong ngành vất vả, vị thế kém hấp dẫn so với các ngành khác, thu nhập của lao động làm việc trong ngành rất thấp, chỉ bằng 39% trung bình cả nước.
Tâm lý đề cao những ngành phi nông nghiệp để có điều kiện lập nghiệp ở khu vực thành thị hoặc lựa chọn học nghề để làm việc trong các khu công nghiệp ở địa phương đã tác động lớn đến tình trạng thiếu hụt nhân lực nông nghiệp.
“Điều này đặt ra nhiều thách thức đối với sự phát triển ngành, nhất là trước những đòi hỏi của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay” - ông Giang lưu ý.
Chất lượng nguồn lao động là yêu cầu sống còn
Nông nghiệp Việt Nam có nhiều tiềm năng để phát triển sản xuất, nhất là các mặt hàng nông sản chất lượng cao nhằm đáp ứng với nhu cầu ngày một tăng của thế giới. Trong bối cảnh đó, chất lượng nguồn nhân lực là yếu tố quan trọng hàng đầu quyết định đến tốc độ và chất lượng tăng trưởng của ngành nông nghiệp.
Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan, Nghị quyết số 19-NQ/TW của Hội nghị lần thứ năm Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đặt mục tiêu đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng GDP ngành nông nghiệp phấn đấu đạt bình quân khoảng 3%/năm; tăng năng suất lao động nông nghiệp bình quân từ 5,5 - 6%/năm...
Để thực hiện các mục tiêu trên, Nghị quyết đã xác định một trong những nhiệm vụ trọng tâm là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.
"Hiện, ngành nông nghiệp đang ưu tiên đào tạo nhân lực có trình độ chuyên môn cao, đủ trình độ tiếp cận công nghệ hiện đại để tạo đột phá trong nghiên cứu...; đào tạo nghề cho lao động nông nghiệp, nông thôn gắn với nhu cầu thị trường" - Bộ trưởng cho biết.
Chia sẻ thêm về nhiệm vụ đào tạo, GS,TS. Nguyễn Thị Lan - Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho rằng, ngành nông nghiệp đang trong giai đoạn chuyển nhanh từ nông nghiệp truyền thống sang nông nghiệp tri thức dựa trên nền tảng ứng dụng công nghệ cao để nâng cao giá trị gia tăng và đảm bảo phát triển bền vững.
Do đó, khả năng thích ứng với công nghệ; đặc biệt là kỹ năng nghề nghiệp là những yêu cầu quan trọng hàng đầu khi đào tạo nhân lực. "Từ năm học 2017 đến nay, hằng năm, Học viện đã kết nối, đưa gần 6.000 sinh viên đến hơn 200 doanh nghiệp và hơn 50 viện nghiên cứu để thực tập, nâng cao kỹ năng nghề nghiệp" - bà Lan cho biết.
Bộ NN&PTNT sẽ tiếp tục làm việc với các trường, các doanh nghiệp để việc đào tạo nguồn nhân lực đi đúng quỹ đạo thị trường, tạo động lực để thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan
Lưu ý những bất cập từ chính sách khiến cho hoạt động đào tạo nhân lực nông nghiệp gặp trở ngại, Hiệu trưởng trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội Đồng Văn Ngọc cho rằng, Nhà nước cần sớm trao quyền tự chủ nhiệm vụ cho trường nghề để linh hoạt trong quá trình tổ chức đào tạo, hợp tác với doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, cơ quan quản lý chuyên trách cũng cần xây dựng hoàn chỉnh cơ sở dữ liệu giáo dục nghề nghiệp nhằm đảm bảo cập nhật đầy đủ thông suốt các dữ liệu nghề nghiệp, là căn cứ để điều chỉnh các chính sách phù hợp với thực tiễn của thị trường lao động và sản xuất.
Dưới góc nhìn của nhà tuyển dụng, đại diện nhiều doanh nghiệp cho rằng, Nhà nước cần có chính sách khuyến khích sinh viên vào học các ngành xã hội có nhu cầu cao nhưng khó tuyển sinh như Khoa học đất, Nông học, Thủy sản… Đặt hàng giao nhiệm vụ cho các cơ sở có thế mạnh về đào tạo nguồn nhân lực những lĩnh vực quan trọng, thiết yếu...
Theo ông Đào Trọng Độ - Vụ trưởng Vụ Đào tạo thường xuyên, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, để nâng cao chất lượng đào tạo nghề, Tổng cục đã đề xuất nhiều điểm đổi mới, trong đó trọng tâm là nâng cao chất lượng đào tạo thông qua việc tổ chức liên kết với các doanh nghiệp; thí điểm đào tạo nghề trung cấp, cao đẳng cho lao động nông thôn...
“Điều quan trọng lúc này là cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tư vấn để giúp cho người lao động nông thôn hiểu về lợi ích của học nghề, từ đó chủ động tham gia học để có nghề, có việc làm, có thu nhập, ổn định cuộc sống” - ông Độ cho biết.